Tiến sĩ người Việt 'cha đẻ' Got It tại thung lũng Silicon: 'Nếu bạn thấy ngủ 2 tiếng/ngày là bất thường, chứng tỏ bạn chưa hề cố gắng'

Trong buổi tọa đàm, 3 người Việt trẻ rạng danh tài trí đã có những chia sẻ thú vị về câu chuyện thất bại khi học tập và làm việc tại nước ngoài của bản thân khiến người tham dự, đặc biệt các bạn trẻ tâm đắc.

Trong buổi tọa đàm được tổ chức tại Hà Nội mới đây, anh Phạm Thành Thái - Nhà nghiên cứu khoa học chuyên về AI tại Amazon; anh Anh Trần Việt Hùng - Nhà sáng lập nền tảng chia sẻ kiến thức toàn cầu Got It và anh Nguyễn Việt Hùng - Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học New South Wales (Úc), phát hiện ra 8 loài vi khuẩn mới đã có những chia sẻ thú vị về câu chuyện thất bại khi học tập và làm việc tại nước ngoài của bản thân khiến người tham dự, đặc biệt các bạn trẻ tâm đắc.

Tiến sĩ người Việt ‘cha đẻ’ Got It tại thung lũng Silicon chia sẻ thú vị về câu chuyện thất bại khi học tập và làm việc tại nước ngoài của bản thân khiến người tham dự, đặc biệt các bạn trẻ tâm đắc.

Thất bại là điều hiển nhiên và không ai tránh khỏi

Trên con đường tìm kiếm sự thành công, thất bại là điều không thể tránh khỏi. Hai khía cạnh thành công và thất bại tưởng chừng đối lập nhưng chúng lại luôn song hành. Hai khái niệm này có khác cũng chỉ do góc nhìn của mỗi người.

Với anh Phạm Thành Thái - Nhà nghiên cứu khoa học chuyên về AI tại Amazon, Mỹ; Top Forbes Under 30 năm 2018, thất bại là điều hiển nhiên và ai ai cũng được phép thất bại nhiều lần. Bản thân anh cũng không ngoại lệ. Một trong những thất bại “đáng nhớ” nhất của anh xuất phát từ chủ nghĩa hoàn hảo - điều mà anh luôn theo đuổi ở Việt Nam và mang theo sang đất Mỹ.

Những năm đầu sang Mỹ du học, tôi luôn theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, mọi thứ đều phải tuyệt đối từ điểm số học trên lớp. Chưa kể, niềm tự tôn dân tộc mãnh liệt khiến tôi càng phải cố gắng. Nhưng do thói quen dậy muộn, một môn học đã bị trượt xuống điểm B+. Đây quả thực là một cú sốc không nhỏ với tôi - một người chỉ cho phép bản thân đạt A+.

Tôi đã mất ngủ cả tuần liền để suy nghĩ về chuyện này. Nhưng đó cũng là một may mắn vì từ đây, tôi bỏ được thói quen ngủ dậy muộn và tìm hiểu chủ nghĩa hoàn hảo của bản thân. Thất bại không phải là không tốt. Sau mỗi lần đó, chúng ta lại rút ra được bài học.

Điều nguy hiểm nhất chính là ta quen với thành công và không cho phép mình thất bại thêm lần nữa. Đến năm cuối, tôi đã cho bản thân nhận thêm một điểm C”.

Với anh Phạm Thành Thái, thất bại là điều hiển nhiên và ai ai cũng được phép thất bại nhiều lần.

Thành công càng lớn, ắt thất bại càng nhiều bởi thất bại tạo đà để bản thân bật xa hơn. Anh Nguyễn Việt Hùng - Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học New South Wales (Úc) - người phát hiện ra 8 loài vi khuẩn mới cũng không thể tránh cảm giác buồn bã, chán nản và tiếc nuối mỗi lần vấp ngã.

Tôi từng rơi vào cảm giác thất bại khi không đủ điểm học thẳng lên tiến sĩ. Lúc đó, tôi trách bản cũng nhiều nhưng phải chấp nhận vì hiện tại chính là kết quả những quyết định của bản thân. Quá khứ là chuyện của ngày hôm qua nên tôi quyết tâm nhìn thẳng thực tế xem lúc đó mình có gì để phát triển. Bạn không thể thành công khi vấp ngã một vài lần đã bỏ cuộc. Hãy biến thất bại thành cơ hội có lợi cho mình”.

Lần duy nhất bạn không được phép thất bại là lần cuối cùng bạn cố gắng. Chỉ khi bạn thực sự tin tưởng vào bản thân, kiên định với mục tiêu thì chắc chắn sự chăm chỉ sẽ đem lại kết quả. Trong quá trình nghiên cứu tìm ra 8 loại vi khuẩn mới, khi mới có 14 bộ vi khuẩn Gammaproteobacteria được phát hiện bởi các nhà khoa học trong vòng 200 năm qua, anh Nguyễn Việt Hùng đã từng nhốt mình hàng chục giờ đồng hồ liên tục trong phòng thí nghiệm. Thất bại lên xuống trong khi anh nghĩ rằng thành công ngay trước mắt. Những lúc vậy, một giấc ngủ như giải pháp để anh lấy lại năng lượng.

Để thành công một lần, mình đã thất bại không biết bao nhiêu lần. Có những thời điểm nghiên cứu gặp khó khăn, mình vô cùng mệt mỏi và chán nản. Những ngày đó, chỉ cần về phòng là mình nằm luôn trên giường. May sao, sau mỗi giấc ngủ, mình lấy lại tinh thần, năng lượng và lại bắt đầu. Dù thất bại liên miên, nhưng chỉ cần chúng ta cố gắng, kiên trì, kiên định với mục tiêu thì chắc chắn thành công sẽ tự tìm đến”.

Anh Nguyễn Việt Hùng- người phát hiện ra 8 loài vi khuẩn mới cũng không thể tránh cảm giác buồn bã, chán nản và tiếc nuối mỗi lần vấp ngã.

Muốn thành công hãy dành 16 tiếng để học tập và làm việc

Thành công là quá trình đánh đổi những nhu cầu trước mắt của bản thân và đôi khi phải “lạm dụng” cả những giấc ngủ. Anh Trần Việt Hùng, Tiến sĩ tại ĐH Iowa, Mỹ, Founder Got It - công ty khởi nghiệp công nghệ tại thung lũng Silicon phát triển nền tảng chia sẻ kiến thức theo yêu cầu toàn cầu, chia sẻ rằng từng có khoảng thời gian chỉ dành 2 tiếng để ngủ mỗi ngày, thời gian còn lại anh dành cho học tập và làm việc.

Tôi thấy nhiều bạn kêu than thất bại. Nhưng bạn đã bao giờ dành 16 tiếng để tập trung phát triển bản thân chưa? Nếu câu trả lời là chưa thì bạn nên xem xét lại. Muốn thành công, bạn phải dành hầu hết thời gian của mình, tập trung cao độ học tập, nghiên cứu. Chỉ có như vậy, mọi thứ bạn làm mới có kết quả.

Thời gian tôi làm khóa luận Tiến sĩ, nhiều khó khăn “không báo trước” bủa vây. Đề tài của chúng tôi quá mới nên vị giáo sư hướng dẫn bị stress nên đã xin nghỉ việc. Lúc này, tôi buộc phải đưa ra quyết định giữa 2 lựa chọn: một là tiếp tục nghiên cứu, hai là chuyển sang một nghành mới và bỏ phí 2 năm đã qua. Cuối cùng, tôi chọn phương án làm lại. Học một nghành mới, bản thân không có chút kiến thức, tôi gặp áp lực kinh khủng, có khi tôi chỉ ngủ có 2 tiếng một ngày. Và nếu bạn thấy điều này bất thường thì chứng tỏ bạn chưa hề cố gắng”.

Anh Trần Việt Hùng chia sẻ rằng từng có khoảng thời gian chỉ dành 2 tiếng để ngủ mỗi ngày, thời gian còn lại anh dành cho học tập và làm việc.

Chuyện học là vậy, đến những ngày lập nghiệp, anh Trần Việt Hùng cũng có những giai đoạn “khủng hoảng” khi không biết công ty lúc nào hết tiền, lúc nào phá sản. Thậm chí, anh từng phải đưa vợ con mình về nước. Nhưng tất cả những điều đó chỉ khiến bản thân anh thêm gan lỳ, quyết đoán.

Đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, nhất là những ai đang khởi nghiệp, anh nhấn mạnh tính bạo dạn thất bại.

Một bài học sâu sắc tôi học ở nước ngoài chính là không quan tâm người khác nói gì. Hãy cứ làm chính mình, đừng vì sợ người khác chê bai thất bại mà không dám thử. Mình làm mình hưởng, không là không hưởng, họ đâu có làm hộ được. Thế nên họ không có quyền tạo áp lực cho mình!

Có một nguyên lý rất cơ bản, bạn thất bại thì bạn phải tìm ra nguyên nhân và sau đó đúc rút kinh nghiệm và làm lại. Cứ như vậy, lặp đi lặp lại, bạn có thể hoàn thiện bản thân mình rất tốt.

Hãy ghi nhớ điều này: chết mới hết hy vọng, còn sống là còn hy vọng. Cuộc đời luôn xảy ra những điều mình không muốn muốn. Thế nên, bạn cần hiểu điều đó và chuẩn bị tâm lý”.

Cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ, anh Phạm Thành Thái trích dẫn lời bài hát yêu thích của mình.

“‘Giàu thì nhiều người theo. Quạnh hiu trống vắng khi nghèo’. Theo lý thuyết thì khi khó khăn, thất bại ta cần một bờ vai để dựa vào. Nhưng thực tế phũ phàng lắm. Khi vấp ngã, chỉ có bạn mới giúp được chính mình. Động lực nằm ở chính mình. Dù cô đơn thật đấy, áp lực thật đấy, nhưng bạn phải làm quen với nó.

Theo tôi biết thì ở trường MIT, trung bình có 4 bạn tự tử mỗi năm. Thậm chí, năm đầu theo học, có bạn sinh viên là con của một người từng đạt giải Nobel đã tự tử vì quá áp lực. Áp lực thì không phải ai cũng chịu được trong khi ai ai cũng đều mong muốn thành công. Mình muốn làm được những việc không ai làm được thì phải chịu được áp lực không ai chịu được. Luật chơi căn bản chỉ đơn giản có vậy!”.

Thu Hiền

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/chia-se-cua-tien-si-nguoi-viet-cha-de-got-it-tai-thung-lung-silicon-6104399.html