Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: Sứ mệnh của người thầy là 'truyền lửa'

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngành Giáo dục đã và đang quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện từ 'dạy chữ' sang 'dạy người'. Sứ mệnh, trách nhiệm của người thầy vì thế ngày càng lớn - không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà là dẫn dắt, định hướng, 'truyền lửa' cho học trò niềm đam mê học tập, hình thành kỹ năng để phát triển toàn diện.

Nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam đã dành cho phóng viên Báo Hànôịmới cuộc trò chuyện ấm áp và chia sẻ những trăn trở về sứ mệnh người thầy trong bối cảnh hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam. Ảnh: Nguyên Phương

Tâm thế nhà giáo cần đổi mới

- Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có việc cải cách tiền lương nhà giáo. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với đội ngũ nhà giáo và chất lượng giáo dục?

- Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với đội ngũ nhà giáo, tạo động lực để nhà giáo thêm nỗ lực và gắn bó với nghề, đồng thời cũng góp phần hạn chế dần tình trạng giáo viên nghỉ việc ở các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao đưa mức tiền lương ấy đến được các thầy, cô giáo đúng lộ trình. Người đứng đầu nhà trường cũng phải sử dụng, chi trả mức tiền lương ấy cho đúng vị trí việc làm và hiệu quả lao động chứ không được cào bằng. Nếu cào bằng thì sẽ không khuyến khích giáo viên chủ động, sáng tạo và tâm huyết, trách nhiệm để tạo ra “sản phẩm” tốt hơn, từ đó chất lượng giáo dục sẽ có nhiều chuyển biến.

- Ở nhiều diễn đàn, ông từng đề nghị giáo viên chủ nhiệm cần được coi là một vị trí và được trả lương xứng đáng để nâng chất lượng giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi công tác giáo dục đối diện nhiều khó khăn hơn?

- Giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất lớn trong giáo dục học sinh, tác động đến học sinh rất nhiều, vì vậy, việc được trừ vài tiết dạy trong một tuần đối với người làm công tác chủ nhiệm là không đủ. Không phải cứ giáo viên dạy giỏi đều có thể làm tốt công tác chủ nhiệm. Chỉ những người đủ uy tín, năng lực và phẩm chất mới được giao làm chủ nhiệm, chứ không phải xem ai rảnh rỗi, ít giờ dạy thì giao làm chủ nhiệm.

Từ thực tế quản lý và nghiên cứu, theo quan điểm của tôi, những giáo viên có năng lực sư phạm, làm công tác chủ nhiệm trong trường học phải được coi là một chức danh trong nhà trường, xếp sau hiệu trưởng, hiệu phó... và được trả lương xứng đáng. Tuy nhiên, cho đến nay điều này vẫn đang còn bỏ ngỏ và tôi mong rằng sẽ sớm trở thành hiện thực.

- Được biết, Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng mà ông là thành viên sáng lập, là mô hình không chọn “đầu vào” nhưng bảo đảm “đầu ra”. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong giáo dục học sinh?

- Hơn 30 năm qua, chúng tôi tổng kết được mô hình giáo dục không chọn lọc “đầu vào”, đó là phải có triết lý nhân văn: Nhân cách không chỉ được hình thành với những gì nghe và nói, mà chủ yếu được hình thành bởi chính sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân.

Để giáo dục có “đầu ra” tốt, nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, có quan điểm giáo dục tiên tiến, phương pháp giáo dục phù hợp, không áp đặt mà tận tâm giúp đỡ từng học sinh tiến bộ. Hằng năm, nhà trường tổ chức hai lần cho học sinh đánh giá giáo viên. Việc đánh giá giáo viên không lấy tiêu chuẩn bằng cấp làm thước đo, mà đo sự tận tâm, tình thương, trách nhiệm với học trò và kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) hướng dẫn học sinh trong tiết học nhóm. Ảnh: Nguyễn Quang

- Theo đánh giá của ngành Giáo dục, hiện nay đội ngũ giáo viên đều cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực tế, ở nơi này, nơi kia vẫn xảy ra hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ; thầy, cô giáo có hành vi không chuẩn mực... Ý kiến của ông thế nào?

- Trình độ đào tạo của giáo viên hiện nay theo bằng cấp là đầy đủ, nhưng hạn chế là trong quá trình được đào tạo, các trường đại học mới chỉ quan tâm đào tạo lý thuyết, giáo viên chưa được trang bị sâu về nghiệp vụ và khoa học tâm lý giáo dục.

Nói như vậy để nhắc rằng, giáo viên hiện nay còn thiếu nhiều ở mảng này. Yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay đòi hỏi phải tạo ra năng lực, phát huy khả năng tiềm ẩn của mỗi học sinh, song giáo viên còn lạc hậu về vấn đề này, chưa nhận thức được hết và chưa có phương pháp để phát huy vai trò dẫn dắt, “truyền lửa”, khơi dậy cho học trò niềm đam mê học tập, rèn luyện.

Khắc phục tình trạng này, các trường sư phạm cần tăng cường dạy khoa học tâm lý giáo dục cho sinh viên; gắn kết chặt chẽ hơn với trường phổ thông và tăng thời gian thực tập của sinh viên ở các trường phổ thông; sử dụng giáo viên giỏi ở các trường phổ thông làm giảng viên kiêm nhiệm tại các trường sư phạm để hướng dẫn tay nghề cho sinh viên...

- Ông nghĩ sao về tình trạng nhiều sinh viên hiện nay không muốn học ngành sư phạm, hoặc có sinh viên sư phạm mới ra trường rất yêu nghề nhưng lại hạn chế về năng lực?

- Một trong những lý do cơ bản là mức lương giáo viên còn thấp, áp lực công việc nhiều khiến họ không yêu nghề; mà không yêu thích thì không say mê, không say mê thì không tận tâm, không đổ công sức vào đó. Việc đào tạo giáo viên hiện nay nặng về đào tạo khoa học cơ bản. Trường sư phạm không dành nhiều thời gian cho sinh viên thực hành; việc dạy sinh viên thạo tâm lý giáo dục, có năng lực quan sát, lắng nghe, chuyện trò với học sinh… là những kỹ năng mềm đặc thù của nghề còn đang thiếu.

Khó nhất là phát hiện khả năng tiềm ẩn ở mỗi học sinh

- Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về phương pháp giáo dục học sinh trong hành trình nghiên cứu tâm lý giáo dục của mình cũng như từ thực tế ở Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng?

- Theo nhà bác học Howard Gardner, con người có 8 loại trí thông minh, chứ không chỉ như các nhà trường chúng ta hiện nay chỉ ai học toán, văn, ngoại ngữ giỏi mới là thông minh. Đặc biệt trong giáo dục hiện nay, giáo viên thường không chấp nhận những cá tính, yếu kém của học sinh. Chỉ những học sinh “chăm ngoan” - theo quan niệm một chiều của không ít giáo viên, mới được quan tâm.

Với học sinh của mình, chúng tôi yêu cầu các thầy cô phải chấp nhận mọi biểu hiện, cá tính của học sinh để tìm phương pháp giáo dục phù hợp, giúp các em biết cách điều chỉnh. Nếu thiếu bước khởi đầu thừa nhận này, nhà sư phạm sẽ không thấy hết trách nhiệm, không đủ kiên trì giáo dục. Nhiều trường đòi hỏi học sinh không chỉ có đủ hồ sơ mà còn phải có hồ sơ “đẹp”: Văn hóa khá, đạo đức tốt. Nhưng thực chất học sinh có đạt như vậy hay không thì chúng ta chưa có cái nhìn toàn diện.

Do đó, với học sinh, chúng ta không có quan điểm chấp nhận giáo dục thì chắc chắn chỉ nhận được những học sinh đã được đánh giá không đúng và dễ tạo ra những xung đột thầy trò.

- Vậy, làm thế nào để tránh những xung đột này, thưa ông?

- Với mỗi hành vi, mỗi thiếu sót của học sinh đều được ghi nhận và tìm cách hiểu rõ bản chất, nguyên nhân, tránh thành kiến, chụp mũ hoặc thờ ơ. Điều này đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải nắm vững hoàn cảnh gia đình, quá trình học tập, rèn luyện của học sinh và những cá tính, tính cách nổi trội, điều kiện sống hiện nay để có ứng xử phù hợp. Cái khó nhất của giáo viên là làm sao phát hiện khả năng tiềm ẩn của mỗi học sinh để đưa ra phương pháp phù hợp.

- Theo ông, cha mẹ học sinh có vai trò như thế nào trong giáo dục học sinh?

- Yêu cầu nhiệm vụ của giáo viên hiện nay đòi hỏi cần biết phối hợp, hướng dẫn cha mẹ học sinh trong giáo dục con. Tôi luôn nói với phụ huynh rằng, kỳ vọng về con vừa thôi, đừng bắt con phải thực hiện ước mơ của người lớn. Giáo dục một đứa trẻ đòi hỏi rất nhiều công sức, không thể áp dụng phương pháp giáo dục với yêu cầu đồng loạt phải đạt mức này, mức kia, vì thế, giáo viên phải truyền tải phương pháp giáo dục đúng cho phụ huynh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tien-si-nguyen-tung-lam-pho-chu-tich-hoi-khoa-hoc-tam-ly-giao-duc-viet-nam-su-menh-cua-nguoi-thay-la-truyen-lua-648439.html