Tiến sĩ Nguyễn Việt và hành trình giải mã Bạch Đằng

Nguyễn Việt là một vị tiến sĩ đam mê và tâm huyết với các nghiên cứu về Bạch Đằng hơn 40 năm nay. Và cũng chính ông đã dày công tạo dựng một viện nghiên cứu văn hóa Bạch Đằng, hình thành một bảo tàng tư nhân với nhiều hiện vật quý liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng ngay tại thị xã Quảng Yên.

Tiến sĩ Nguyễn Việt và không gian làm việc tại Viện Nghiên cứu văn hóa Bạch Đằng.

Tiến sĩ Nguyễn Việt và không gian làm việc tại Viện Nghiên cứu văn hóa Bạch Đằng.

Cơ duyên với Bạch Đằng

Bìa cuốn sách "Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm" do Tiến sĩ Nguyễn Việt làm chủ biên.

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về Tiến sĩ Nguyễn Việt là cốt cách của một người làm công tác nghiên cứu: Nhã nhặn, khiêm cung và thấu đáo. Một con người có duyên gắn bó đặc biệt với di tích Bạch Đằng.

Ông kể: “Ấn tượng Bạch Đằng giang với những chiến trận lừng danh của tổ tiên đã đi vào tôi từ những năm học cấp I tại Trường Nguyễn Công Trứ (Hà Nội). Hồi ấy, cổng trường thường xuyên có một ông già bán táo dầm “khuyến mại” học trò bằng các cuốn truyện tranh cắt từ trang 4 các số báo hàng ngày. Chiến thắng Bạch Đằng đã in vào trí nhớ non trẻ của tôi từ những hình vẽ và thuyết minh hào sảng đó”.

Cơ duyên thực sự đã đến khi ông trở thành một chiến sĩ hải quân ngay khi vừa tốt nghiệp ngành khảo cổ học lịch sử năm 1972.

Ngồi nghe giảng về lịch sử quân chủng cho chiến sĩ mới dưới tán rừng Bạch Đằng ven biển Cái Rồng, Vân Đồn (khi đó còn là Cẩm Phả huyện), ông bắt đầu trang phác thảo đầu tiên đề cương cuốn sách “Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm”, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 1983, trong đó các chiến thắng mang tính truyền thống của Bạch Đằng trở thành điểm nhấn cốt lõi của cuốn sách.

Năm 1974, ông tổ chức chuyến điền dã đầu tiên về núi U Bò (Thủy Nguyên, Hải Phòng) và vùng bãi cọc Yên Giang (Yên Hưng, Quảng Ninh). Trong chuyến đi này, ông đã tìm được một đoạn mũi kiếm gãy, mặt cắt hình thoi dẹt ở trên núi U Bò.

Cuối năm 1975, ông xuất ngũ về công tác tại Viện Khảo cổ học Việt Nam và năm 1984 sang Đức nghiên cứu sinh mang theo những mẫu gỗ cọc Bạch Đằng ở Yên Giang làm tuổi Carbon phóng xạ (C14). Năm 1988, ông đưa giáo sư Bruno Krueger, Viện trưởng Viện Trung tâm Khảo cổ và Cổ sử Đức đến thăm và lấy mẫu một lần nữa ở bãi cọc Yên Giang.

Nhưng cơ duyên quyết định nhất là năm 2002, khi ông trở lại Quảng Yên với cương vị Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, tham dự Hội nghị chuyên đề về Tiền sử Quảng Ninh do địa phương tổ chức.

Viện nghiên cứu và những hiện vật về trận Bạch Đằng 1288

Nhận ra giá trị tiềm tàng của địa phương này, năm 2004, ông mua tòa biệt thự Pháp cổ vốn từng dùng làm trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Yên Giang và sau đó 2 năm chuyển Bảo tàng Phạm Huy Thông của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á ở Hà Nội về đây. Năm 2007, Viện Nghiên cứu Văn hóa Bạch Đằng tại Trạm Nghiên cứu Quảng Yên của Trung tâm chính thức ra đời.

Viện nghiên cứu văn hóa Bạch Đằng và Bảo tàng Phạm Huy Thông đã có điều kiện phát triển ở Quảng Yên, trở thành một địa chỉ có tiếng trong và ngoài nước về tiền sử, sơ sử Việt Nam và nhất là về trận Bạch Đằng 1288.

Tòa biệt thự Pháp được Tiến sĩ Nguyễn Việt sử dụng làm Bảo tàng Phạm Huy Thông.

Khi trực tiếp làm việc ở Quảng Yên, Nguyễn Việt cùng cộng sự đã phát hiện, thu gom hàng ngàn chứng tích tồn tại của “Trại Yên Hưng” từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13, chủ yếu là gốm sứ các loại. Đây là nơi Ô Mã Nhi đã đánh vào để cướp lương thực, dọn đường cho cuộc rút chạy đầu năm 1288.

Cùng với đó là thu gom, ngâm tẩm, bảo quản các cọc gỗ Bạch Đằng. Đặc biệt, ông đã phát hiện những xương cốt người chìm dưới đáy dòng sông Chanh cổ có niên đại phù hợp với thời gian diễn ra chiến trận Bạch Đằng 1288.

Những đồ gốm dấu tích của "Trại Yên Hưng" từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 13.

Cho đến nay, ông đã thực hiện việc khai quật thuyền đắm trong chiến trận ở vùng Lục Đầu – Vạn Kiếp, nơi quân thủy nhà Nguyên tụ quân trước khi rút về nước theo sông Bạch Đằng. Đó là 22 chiếc thuyền độc mộc có niên đại C14 khoảng đời Lý - Trần.

Những hiện vật này được Viện nghiên cứu văn hóa Bạch Đằng cùng các giáo sư Úc của Đại học Quốc gia Úc ở Canberra nghiên cứu và phân tích kiểu dáng, niên đại, loại gỗ…, hiện đang được ngâm bảo quản và chờ kinh phí mua hóa chất để chống co ngót khi đưa lên trưng bày.

"Chúng ta mới chỉ quan tâm đến Bạch Đằng như một cơ hội mang tính tuyên giáo, phong trào tùy vào những phát hiện ngẫu nhiên, chứ chưa có một chiến lược đầu tư nghiên cứu lâu dài. Tôi được người dân kể về một con tàu đắm, bên trong có cả xương người ở đoạn bờ sông Chanh sát xưởng thuyền của nghệ nhân Lê Đức Chắn, muốn xác minh thăm dò nhưng sẽ không thể làm được nếu chính quyền không cùng vào cuộc. Bản thân tôi đã từng chủ trì tổ chức cùng đội thợ dò lặn khảo cổ học dưới nước Hàn Quốc rà tìm thuyền lương Trương Văn Hổ 10 ngày liền ở Bái Tử Long, nhưng chưa có kết quả. Công cuộc dò tìm dấu tích chiến trận hơn 700 năm trước chắc chắn không đơn giản, nhưng không phải là không thể. Bởi khảo cổ học chiến trường vẫn là công cụ thuyết phục duy nhất để nghiên cứu chiến dịch Bạch Đằng.” – ông chia sẻ.

Một đoạn xương người được Tiến sĩ Nguyễn Việt tìm thấy dưới đáy dòng sông Chanh cổ

Bước vào Viện nghiên cứu văn hóa Bạch Đằng, ngay trên cổng chào có đề ba chữ “Trại Yên Hưng”. Đó là một cách để nhắc nhớ về lịch sử và cũng là mong muốn của Tiến sĩ Nguyễn Việt trong việc xây dựng trung tâm trở thành nơi góp phần giải mã những thông điệp lịch sử về Bạch Đằng. Để những giá trị của cụm di tích Bạch Đằng sẽ được lưu giữ nguyên vẹn ngay trên quê hương Quảng Yên – vùng đất hội tụ văn hóa của Quảng Ninh và xứng đáng là một trung tâm văn hóa, di sản của khu vực.

“Nhà nước đã đầu tư, nâng cấp khu di tích lịch sử Bạch Đằng (TX Quảng Yên) thành quần thể Công viên Hòa Bình. Bên kia sông, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cũng đã có Khu di tích Bạch Đằng Giang để quảng bá cho Bạch Đằng. Cơ hội để Bạch Đằng bay lên quả là nhiều lắm. Nhưng tôi tin rằng “trái tim” của Bạch Đằng vẫn nằm ở những di tích, di vật gắn bó thuyết phục với chiến trận. Chúng ta hãy trân trọng hơn, tạo điều kiện hơn để “trái tim” đó mãi sống động và tỏa sáng hơn nữa. Đó chính là bản chất trường tồn của một di tích, di sản có thực.”

Tiến sĩ Nguyễn Việt

Xuân Hòa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202005/tien-si-nguyen-viet-va-hanh-trinh-giai-ma-bach-dang-2483788/