Tiến sĩ toán học tuổi 26

ND - Gặp Nguyễn Thịnh ngoài đời, ít ai có thể ngờ rằng, người thanh niên trẻ kia là một tiến sĩ toán học. Ngay cả những người hàng xóm trong con ngõ Đê La Thành, nơi Thịnh sống nhiều năm nay, cũng bảo: Ở đây không có TS Nguyễn Thịnh nào cả. Bởi họ vốn đã quen với hình ảnh cậu bé người miền trung hiền lành, ít nói với cặp kính cận dày cộp ngày ngày vẫn đạp xe đi về...

Nguyễn Thịnh sinh năm 1980, quê ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Nơi gia đình anh sinh sống là một xóm lao động nghèo gần bến xe thành phố. Bố là bộ đội thường xuyên công tác xa, mẹ làm viên chức nhà nước, hoàn cảnh kinh tế gia đình khá khó khăn. Nhiều năm liền, khi đi học về, Thịnh lại cùng người anh trai đi bán nước chè xanh cho hành khách đi xe để kiếm thêm tiền phụ giúp mẹ. Mặc dù vậy, suốt mấy năm học ở Trường tiểu học Lê Lợi, Nguyễn Thịnh vẫn nổi tiếng là một học sinh ham học, học giỏi. Thịnh chăm học đến nỗi, giờ đây không ít người ở bến xe Vinh vẫn còn nhắc đến hình ảnh một cậu bé tay cầm ấm nước, tay cầm sách giáo khoa, những lúc vắng khách là lại tìm nơi vắng vẻ chúi đầu vào học... TS Thịnh kể rằng, anh chỉ thật sự yêu thích môn toán sau bốn năm học ở lớp chọn. Dù rằng trước đó, anh đã hai lần đứng ở bục cao nhất của kỳ thi học sinh giỏi toán cấp thành phố. Những dãy số, góc cạnh hình học có thể đối với nhiều bạn học cùng tuổi là những điều rối rắm, khó hình dung; với Thịnh, đó lại là những thứ huyền ảo, hấp dẫn. Đó chính là động lực để Thịnh có những bước tiến xa hơn. Năm lớp 5, Thịnh đoạt giải nhì quốc gia và từ lớp 6 đến lớp 9, Thịnh luôn đoạt giải nhất môn toán, vật lý toàn tỉnh. Năm 1998, sau khi đoạt giải nhì quốc gia môn Toán lớp 12, Nguyễn Thịnh được tuyển thẳng vào lớp cử nhân tài năng trẻ khoa Toán cơ - Tin học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Những ngày học đại học là khoảng thời gian dài Thịnh tìm thấy nhiều điều mới mẻ trong các bài toán, các định luật, lý thuyết. Đối với nhiều người, môn toán có lẽ khá khô khan, chỉ là những con số đơn điệu, cứng nhắc nhưng với Thịnh nó rất thú vị, càng khó thì càng hấp dẫn. Mỗi khi tìm ra được đáp số của những bài toán hóc búa, trong anh như vỡ ra niềm vui, niềm hạnh phúc. Yêu thích toán học nên thời gian rảnh anh cũng dành cho môn toán. Thịnh thường lên mạng đọc tin tức và vào một số trang web về toán học để nâng cao trình độ toán của mình. Thịnh tâm sự: "Toán học là môn học cơ bản, là nền tảng cho các môn khác. Học toán rất thú vị. Nó đem lại cho tôi nhiều niềm vui, nhiều ý tưởng hay, rèn luyện cho tôi khả năng tư duy sáng tạo. Tôi đam mê môn học này và coi đó là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mình". Thịnh rất tích cực nghiên cứu khoa học và đã đoạt giải nhất, giải nhì của Khoa Toán cơ - Tin học. Năm 2002, kết thúc những ngày tháng học toán, "ăn" toán và khi mơ ngủ cũng thấy toán, tốt nghiệp đại học xuất sắc với các điểm cộng được trên 9, lại có nhiều công trình khoa học, Nguyễn Thịnh được giữ lại trường giảng dạy và được đặc cách lên thẳng nghiên cứu sinh mà không phải qua thạc sĩ. Sau nhiều năm nghiên cứu, làm luận án, năm 2006, khi vừa tròn 26 tuổi, Nguyễn Thịnh đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài "Toán tử ngẫu nhiên và tích phân ngẫu nhiên trong không gian Banach". Trở thành tiến sĩ toán học trẻ nhất của trường, Nguyễn Thịnh càng nung nấu niềm đam mê toán học. Những năm đứng bục giảng, ngoài công việc dạy học hằng ngày, vị tiến sĩ trẻ tuổi vẫn ấp ủ ước mơ, dự định mong muốn phát triển, mở rộng đề tài cho có khả năng ứng dụng vào cuộc sống hơn nữa. Anh tâm sự: Việc lên lớp là cần thiết cho một nhà nghiên cứu vì sẽ giúp ích gợi mở và phát triển ý tưởng, nhưng cần mở rộng đề tài nghiên cứu mang tính lý thuyết ứng dụng vào đời sống. Để thực hiện điều này, tháng 3-2008, anh đã sang Đại học Pa-ri (Pháp) để tham gia dự án dùng kiến thức toán học để giải quyết các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực tài chính. Theo anh, nghiên cứu toán học là một quá trình không phải để đưa ra ngay một sản phẩm có khả năng ứng dụng trong thực tiễn, nhưng toán học là ngành khoa học gốc của nhiều ngành khoa học ứng dụng khác. Anh tâm sự: "Bất kỳ một công việc nào chúng ta làm vẫn đang đóng góp cho đất nước. Điều quan trọng là mỗi người có quyết tâm thì sẽ thực hiện được ước mơ của mình". Phan Anh Dũng

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=159679&sub=72&top=41