'Tiền tệ và quan hệ' đã phá hoại giáo dục!

Trong lịch sử Việt Nam, gian lận thi cử đã có quan lớn bị xử tử, cách chức, thí sinh bị đày biệt xứ...

Tôi không muốn liệt kê ra những chuyện trong góc tối của ngành giáo dục, vì ai cũng biết. Tuy vậy, không phải ai cũng tìm được đáp án cho câu hỏi: Vì sao?

Vì đồng tiền và những mối quan hệ! Một tỷ đồng cho một suất sửa điểm thi để đạt con số mong muốn cho những con em nhà cán bộ, công chức có chức vụ ở Sơn La.

Báo Tuổi trẻ đưa tin nóng hổi: Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, vị này đã khai ra cấp trên của mình là Giám đốc Sở “nhờ vả” 8 trường hợp. Bài thi được mang về nhà, sửa tới sửa lui cho đến khi ra số đẹp! Như thế đấy.

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can (áo trắng), (Ảnh: tuoitre.vn)

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can (áo trắng), (Ảnh: tuoitre.vn)

Không ai cả, đều là những gia đình danh gia vọng tộc, chức tước chót vót, của cải đủ đầy. Trong số họ không hiếm người ngày nào cũng lên bục phát biểu chỉ đạo, huấn thị người khác, dĩ nhiên là phải thật đạo mạo, đạo đức rồi!

Đúng là thứ gì không thể mua được bằng tiền nhưng sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. 1 tỷ đồng, nó quá lớn so với hàng chục triệu người nghèo ở Việt Nam và những gia đình công chức đồng lương èo uột, họ lấy đâu ra số tiền ấy để mua tương lai cho con em mình?

Giờ là lúc cơ quan điều tra cần xem lại bản kê khai tài sản của mấy chục gia đình này, xem một tỷ đồng đó ở đâu ra? Liệu có liên quan gì đến tình trạng nghèo khó mãi mãi ở những địa phương vốn đã khó khăn như Sơn La, Hà Giang…

Đồng tiền quả thật mạnh phi thường, mọi lời kêu gọi sống đừng vì tiền hoàn toàn vô ích. Vì tiền có thể mua được mọi thứ, cả quá khứ và tương lai, cả số phận và nhân cách, cả sự dốt nát hay thông minh.

Trong xã hội hiếu học và phần nào háo danh như Việt Nam, nhiều người sẵn sàng bán nhà cho con em mình tương lai xán lạn. Nhưng không phải ai cũng may mắn rơi vào mối quan hệ vàng ngọc.

Hàng chục trường hợp ở Sơn La được “giúp đỡ” bởi Sở Giáo dục, từ Phó Chủ tịch tỉnh đến một giáo viên cấp 2 đều có khả năng mua điểm, bởi vì họ có “mối quan hệ”.

Vì quan hệ, người ta có thể dễ dàng đạp xuống bùn đen tương lai con nhà nghèo bởi một mảnh giấy nhỏ xíu, bằng cái vỗ vai, bằng cái nháy mắt, bằng quyền lực và một bộ máy giáo dục địa phương bị thối nát từ người lãnh đạo đến cấp thấp nhất.

Chẳng có gì bất ngờ với 6 cá nhân bị khởi tố, vì đó là điều mà dư luận đã nghi ngờ từ khi vụ việc mới bị phát giác. Thứ gây sốc nhất là con số 1 tỷ đồng cho một suất vững bền tương lai.

Đó chẳng khác nào cú tát vào nền giáo dục - rường cột căn bản của đất nước. Hóa ra, chúng ta không thể trông chờ gì vào những người được giao nhiệm vụ quản lý ngành giáo dục. Nếu chính họ không tôn trọng sự nghiệp “trồng người” thì không hy vọng gì đến lúc nào đó nước ta đủ nhân tài, nhân lực chất lượng cho phát triển.

Phải chăng những cú “lobby” này có liên quan gì đến tình trạng “cả nhà làm quan”, “cả họ làm quan”?… Đã con nhà “có điều kiện” lý lịch đẹp, quan hệ tốt, tấm bằng sáng sủa thì không tìm thấy cơ hội nào cho con em nông dân.

Từng có nơi tuyển dụng yêu cầu “cứng” phải tốt nghiệp trường A hoặc trường B, khi có trong tay mọi thứ họ quá dễ dàng sàng lọc sao cho “hạt giống” rơi vào đúng chỗ một cách nhẹ nhàng.

Đến lượt, những “nhân tài” được dựng lên bằng tiền tệ và quan hệ làm sao thấu được như thế nào là nỗ lực rèn luyện, tu thân vi bổn, tề gia trị quốc, bình thiên hạ? Dối trá, tham lam, bất tài, ngu dốt, khinh dân… cũng từ đấy mà ra.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, gian lận trong thi cử bị xử tội rất nặng, người vi phạm có thể bị bắt làm nô lệ, bỏ tù, đeo gông cho đến xử tử.

Thời phong kiến xử rất nặng tội gian lận thi cử (Ảnh minh họa)

Thời vua Lê Thánh Tông, những người gian lận thi cử đều bị xử trảm vì tội “lũng loạn quốc gia”, bây giờ nhân đạo thì cũng nên bỏ tù chung thân. Nếu không làm nghiêm vụ này, quốc gia tất có ngày suy vong vì nạn tham nhũng và gian lận quan trường.

Thời vua Lê Hiển Tông, tội tráo bài thi bị đày đi biệt xứ, quan bị tước bỏ về làm thứ dân; kỳ thi năm 1696 Sách Tuân bị xử giảo (treo cổ) vì tội biến trượt thành đỗ; kỳ thi Hương dưới thời Minh Mạng, tiến sĩ Ngô Thế Vinh bị đuổi về quê dạy học do tiếp tay cho gian lận.

Dùng tiền và quyền lũng đoạn kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là trọng tội, coi thường “quốc sách hàng đầu”, báng bổ câu nói của Thân Nhân Trung “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nhưng cái tội lớn nhất là làm mất uy tín hình ảnh của ngành giáo dục, của người lãnh đạo.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy, gian lận thi cử thời nào cũng có, nhưng hiếm thấy mức độ và tính chất vi phạm nào quy mô như hiện nay.

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/tien-te-va-quan-he-da-pha-hoai-giao-duc-150917.html