Tiền thuê đất lên tới 70 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp khó đầu tư kho xăng dầu dự trữ

Doanh nghiệp phải trả chi phí một năm lên tới 70 tỷ đồng tiền thuê đất cho kho xăng dầu dự trữ. Theo đó, doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư dự trữ xăng dầu, cụ thể có tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai làm kho.

Tại tọa đàm "Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung – những vấn đề đặt ra" diễn ra ngày 12/4, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện nay, dự trữ xăng dầu Việt Nam chỉ bảo đảm trong vòng một tuần.

Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu nâng lên khoảng 15 ngày, năm 2030 khoảng 30 ngày, như vậy dự kiến mỗi một năm, Việt Nam phải chi ra khoảng hơn 4.000 tỷ để chuẩn bị cho hệ thống dự trữ.

Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đầu tư kho dự trữ xăng dầu.

Doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đầu tư kho dự trữ xăng dầu.

Ngoài ra, để có hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt hoàn chỉnh thì cần tới 270.000 tỷ đồng - con số rất lớn. "Nếu để Nhà nước đứng ra lo toàn bộ khoản này sẽ rất khó khăn, chưa tính đến các cái chi phí khác liên quan. Tôi cho rằng, cần tập trung vào xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, trong đó là phải có cả vai trò của Nhà nước và vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức ngoài nhà nước", ông Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc thu hút nguồn lực của doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải nhìn nhận, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống và xã hội cho tất cả các quốc gia. Trong nước, nhu cầu xăng dầu năm 2023, Bộ Công Thương đưa ra 2 kịch bản, giao cho các doanh nghiệp đầu mối mua và nhập khẩu từ 25,9 - 26,7 triệu m3/ tấn xăng dầu, mức tăng từ 10 - 15% so với năm 2022.

Để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể xây dựng được hệ thống dự trữ xăng dầu, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ việc đầu tư, xây dựng hệ thống. "Hiện nay, Nhà nước đang điều hành đầu vào giá theo thị trường nhưng giá đầu ra lại theo giá định hướng và còn duy trì quỹ bình ổn xăng dầu thì rất khó cho các doanh nghiệp về phương án tài chính, kinh doanh – đây là nút thắt", ông Hải chia sẻ.

Cùng với đó, ông Hải phản ánh một năm trước, doanh nghiệp này có đi tìm đất làm kho dự trữ nhưng chi phí một năm lên tới 70 tỷ tiền thuê đất là quá lớn. Ông Hải kiến nghị Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ đầu tư dự trữ xăng dầu. Cụ thể, có tín dụng ưu đãi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai làm kho.

Ông Vũ Thành Nam, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu, cần tiếp tục rà soát để có những chính sách phù hợp; Cần tăng cường thông tin tuyên truyền trong xã hội về tầm quan trọng của hạ tầng dự trữ xăng dầu để lựa chọn được nhiều nhà đầu tư, bảo đảm được năng lực, kinh nghiệm.

"Năng lực, kinh nghiệm ở đây, theo tôi, là bao gồm sự am hiểu về dây chuyền công nghệ của dự án. Thứ hai là có kinh nghiệm đầu tư xây dựng các hạng mục công trình của dự án và cũng phải bảo đảm các điều kiện năng lực tài chính để thực hiện dự án, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng đã được phê duyệt", ông Nam lưu ý.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/tien-thue-dat-len-toi-70-ty-dong-nam-doanh-nghiep-kho-dau-tu-kho-xang-dau-du-tru-1091953.html