Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

LTS: Ngày 23-5-2021 tới đây, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử để chọn người đủ đức, đủ tài vào Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội XIII của Đảng nhằm góp phần xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thiết thực chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Báo Quân đội nhân dân mở chuyên mục “Tiến tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”. Tòa soạn rất mong nhận được sự cộng tác của các chuyên gia, các nhà khoa học và bạn đọc.

Bầu cử với việc xây dựng nhà nước pháp quyền

Vệt bài “Bầu cử với việc xây dựng nhà nước pháp quyền” sẽ phân tích, lý giải tầm quan trọng của cuộc bầu cử-cội nguồn của nhà nước pháp quyền. Mỗi lá phiếu như một viên gạch hồng xây lên nhà nước pháp quyền XHCN. Bầu cử là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của cử tri, trong đó có các cử tri trong quân đội.

Bài 1 : Cội nguồn của nhà nước pháp quyền

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trước bộn bề khó khăn, vận mệnh đất nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định ưu tiên tổ chức tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước. Bởi lẽ bầu cử là cội nguồn của nhà nước pháp quyền. Thông qua cuộc tổng tuyển cử mới lập ra được nhà nước pháp quyền chính danh.

“Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”

Pháp quyền là tư tưởng thể hiện quyền lực thống trị của pháp luật trong xã hội có nhà nước, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và duy trì trật tự xã hội. Nhà nước pháp quyền là nhà nước thực hiện quyền quản lý bằng pháp luật, theo pháp luật, lấy pháp luật làm cơ sở pháp lý thống nhất cho việc điều hành mọi mặt hoạt động của nhà nước, của xã hội, của mọi công dân, dùng pháp luật làm chuẩn mực để phân biệt tính hợp pháp và không hợp pháp, việc được làm và không được làm trong thi hành pháp luật của các cơ quan và cán bộ nhân viên nhà nước, trong việc tuân thủ pháp luật của mọi công dân. Trong nhà nước pháp quyền, không một cơ quan, tổ chức nào, không một cá nhân nào đứng trên pháp luật và đứng ngoài pháp luật.

Cội nguồn của nhà nước pháp quyền bắt đầu từ bầu cử. Thông qua bầu cử, người dân mới thực hiện được quyền quyết định bộ máy nhà nước. Qua lá phiếu bầu cử, người dân thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình để chọn ra người ủy quyền chính trị của mình, thay mặt mình quản trị quốc gia. Bầu cử cũng là cách thức để nhà nước trở nên chính đáng. Những người được bầu sẽ tự tin hơn khi thực hiện thẩm quyền của mình. Bởi quyền hạn đó không phải tự nhiên mà có, đều bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân ủy quyền và người được bầu mới có sức mạnh thực sự vì dân trao quyền cho họ. Không có bầu cử thì không có nhà nước pháp quyền.

 Ảnh minh họa: Quang Cường

Ảnh minh họa: Quang Cường

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam chưa bao giờ có tổng tuyển cử bầu Quốc hội, vì thế cũng chưa bao giờ có nhà nước pháp quyền. Thế nhưng ước mơ về một nhà nước pháp quyền đã có từ rất lâu của những con người Việt Nam yêu nước. Năm 1919, trong bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi Hội nghị Versailles (đăng trên Báo Nhân đạo Pháp), đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt các nhà yêu nước Việt Nam nêu lên 8 yêu sách, với 2 yêu cầu cơ bản: Một là, đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam; hai là, để bảo đảm quyền tự do, dân chủ ấy, đòi hỏi phải quản lý xã hội bằng các đạo luật, nhất là hiến pháp. Năm 1922, Người đã chuyển thể bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" thành áng thơ bất hủ “Việt Nam yêu cầu ca”, trong đó có câu: “Bảy xin hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ lâm thời xác lập nền tảng dân chủ và pháp quyền cho chế độ nhà nước cách mạng, đó là tổ chức tổng tuyển cử và xây dựng hiến pháp dân chủ. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Việt Nam được tổ chức vào ngày 6-1-1946 đã bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức, ấn định cho Việt Nam một Hiến pháp dân chủ. Thắng lợi đó là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ, về nhà nước pháp quyền của Việt Nam.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (ngày 29-11-1991). Thế nhưng trên thực tế, những đặc trưng, những giá trị phổ biến của nhà nước pháp quyền XHCN đã được chứa đựng trong nhiều văn kiện của Đảng, trong các bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN luôn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội và toàn thể nhân dân Việt Nam.

Điều thứ 1 của Hiến pháp năm 1946 nêu rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.

Điều 4 của Hiến pháp năm 1959 quy định: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và HĐND các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, HĐND các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ".

Điều 2 của Hiến pháp năm 1992 hiến định: "Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”.

Hiến pháp năm 2013, tại Điều 2 đã hiến định rõ ràng hơn: “1. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Xuất phát từ bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân nên Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được xây dựng thể hiện với 5 đặc trưng cơ bản, đó là: (1) Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. (2) Quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. (3) Tổ chức và hoạt động của Nhà nước trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. (4) Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. (5) Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời bảo đảm sự giám sát của nhân dân, sự phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Mô hình nhà nước pháp quyền đã có từ lâu trên thế giới, nhưng mô hình nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là việc làm mới mẻ, chưa có tiền lệ trong lịch sử, có nhiều việc phải vừa làm, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) nhấn mạnh đến 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó có: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.

Tổ chức tốt cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là thiết thực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

(còn nữa)

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-va-dai-bieu-hdnd-cac-cap/tien-toi-bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-dai-bieu-hdnd-cac-cap-nhiem-ky-2021-2026-656727