Tiến tới yên vui

'Yên vui' như là đích đến mang thông điệp của một bậc chân tu quảng bác – người hiện thân cho tinh thần Phật giáo Việt Nam - trong thế giới có nhiều biến động vẫn xiển dương những giá trị cao đẹp, góp phần hóa giải những vấn nạn của thời đại để cùng nhau tiến tới một cuộc đời yên vui.

Nếu ai đã từng đến chùa Giáng ở xã Quang Lãng, Phú Xuyên, Hà Nội- nơi ghi dấu ấn của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hẳn đã nhìn thấy dòng chữ “Tiến tới yên vui” ở ngay cổng chính của ngôi chùa cổ.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm hỏi Hòa thượng Thích Phổ Tuệ. (Ảnh: Quang Vinh).

Đức Pháp chủ Thích Phổ Tuệ năm nay đã 103 tuổi, ở chùa tu hành 96 năm, là vị lão tăng quảng bác, được các đệ tử, Phật tử kính nể, ngưỡng vọng. Nhưng mấy ai biết rằng một Đại lão Hòa thượng, Đức Pháp chủ đã suốt đời mình sống thanh bần lạc đạo, tụng kinh viết sách, tu họp dưới mái chùa làng khiêm tốn, thanh tịnh. Chưa từng ra nước ngoài, không thích nơi phồn hoa đô hội, nhưng Đức Pháp chủ lại tự học kinh Phật đến thông tuệ, góp công hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật Phật học lớn như Đại từ điển Phật học, Đại tạng kinh Việt Nam, Phật học là tuệ học…

Đã thành thông lệ, cứ vào mỗi dịp cuối năm, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đều dành thời gian để trở về chùa Giáng, thăm hỏi, gặp gỡ vị cao tăng đáng kính Thích Phổ Tuệ.

Sự thăm hỏi của người đứng đầu MTTQ Việt Nam với người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam mang ý nghĩa rất đặc biệt, không chỉ vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức thành viên quan trọng của MTTQ Việt Nam mà còn bởi lịch sử 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam đã minh chứng về một nền Phật giáo nhập thế - một nền tảng tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, là bộ phận chủ yếu góp phần tạo nên bản lĩnh, bản sắc văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời thực hiện cứu khổ độ sinh. Không chỉ bằng những thuyết pháp đạo Phật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện để lan tỏa tình yêu thương, từ bi, bác ái đến chúng sinh.

Cụ thể, Phật giáo đã xây dựng nhiều trung tâm nuôi dưỡng những trẻ mồ côi, trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa; cứu trợ người nghèo, bệnh nhân, người hoạn nạn, lẫm lỡ, khám chữa bệnh từ thiện… Chính những việc làm cụ thể đó đã chạm vào những trái tim hướng thiện, lan tỏa thông điệp từ bi hỷ xả của Phật giáo đến con người. Và chắc chắn, cuộc sống sẽ tươi đẹp, ý nghĩa, hạnh phúc và bền vững, thịnh vượng hơn khi con người luôn hướng thiện, bác ái, nhân từ, độ lượng với nhau.

Đạo Phật đã hướng con người đến khả năng trau dồi trí tuệ để tăng cường hiểu biết và có chính niệm, khả năng rèn luyện lòng yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ mọi người vô điều kiện để thấy nụ cười của người khác là niềm hạnh phúc của chính mình. Đó chính là tính trong sáng – vô ngã - của đạo Phật.

Cuộc đời tu hành và phẩm hạnh của một bậc chân tu như Hòa thượng Thích Phổ Tuệ chính là sự trong sáng của Phật giáo Việt Nam. Khi thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải như chiến tranh, xung đột, khủng bố, ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng… trong đó, khủng hoảng niềm tin lẫn nhau dẫn đến tình người bị mai một, sự ích kỷ lên ngôi, sự thiếu trách nhiệm chung để xây dựng một xã hội bền vững là những vấn đề có tính căn bản, cấp bách và bao trùm nhất. Trong bức tranh tưởng chừng u ám và bế tắc ấy, tính trong sáng của Phật giáo đem tới một góc tiếp cận đặc sắc để có thể hóa giải mọi khổ đau một cách vững bền. Đó cũng chính là tinh thần của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Chủ đề này cho thấy tầm vóc và ý thức trách nhiệm cao cả của Phật giáo trước tình hình biến động của thế giới trên nhiều phương diện đời sống, qua đó cho thấy thái độ tích cực cũng như niềm tin về khả năng góp phần hóa giải những vấn nạn thời đại của Phật giáo ngày càng được khẳng định.

Chùa Tam Chúc.

Bởi vậy, theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak 2019, Vesak là cơ hội để tất cả chúng ta cùng nhau suy ngẫm và tôn vinh giá trị tư tưởng nhân văn của Phật giáo, thông qua cuộc đời của Đức Phật để hiểu rằng hạnh phúc thực sự của mỗi con người không phải chỉ tìm trong vật chất, mà thay vào đó, phải đi tìm sự an lạc trong tâm hồn.

Xét trên bình diện quốc gia mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải song hành với tăng trưởng sự giàu có tâm linh, an lạc, hạnh phúc và tôn trọng, bảo vệ môi trường. Soi chiếu với những tư tưởng, giáo lý cốt lõi như học thuyết Duyên khởi, học thuyết về Nghiệp và luật Nhân quả…, Phật giáo có nhiều lợi thế trong việc tham gia với sứ mệnh lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững. Đó là những vấn đề xóa bỏ nghèo đói, đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi, đảm bảo giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tiêu thụ và sản xuất bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học, thúc đẩy xã hội hòa bình, đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.

Thông điệp của Đại lễ Vesak 2019 tại Việt Nam kêu gọi lãnh đạo Phật giáo thế giới hãy đoàn kết và dấn thân hành động nhập thế, chia sẻ các giải pháp trị liệu đối với các thách thức xã hội trong thời đại.

Nếu như từ các lãnh đạo quốc gia đến những người dân bình thường đều thấu hiểu hai trụ cột triết lý của đạo Phật gồm trí tuệ là sự hiểu biết chân chính, không thiên lệch, chấp nhận sự đa dạng và khác biệt của nhau, và từ bi là sự yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau vô điều kiện, thì chắc hẳn những xung đột về lợi ích trong xã hội sẽ được giảm thiểu đi rất nhiều.
Tất cả những vấn đề này, suy cho cùng, đích đến chính là làm cho mỗi người, làm cho cuộc đời được yên vui.

Lê Na

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/tien-toi-yen-vui-tintuc437424