Tiến trình Brexit: Hy vọng mong manh

Việc Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ từ chức nếu các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit được coi là nỗ lực cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ Anh, nhằm thúc đẩy thỏa thuận Brexit vượt qua 'ải' Hạ viện. Tuy nhiên, trong bối cảnh cơ quan lập pháp đã hai lần bác bỏ thỏa thuận giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về Brexit, giới quan sát cho rằng, cơ hội cho bà May vượt qua khe cửa hẹp rất mong manh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quá tam ba bận

Ngày 29/3, Hạ viện Anh tiến hành cuộc bỏ phiếu lần thứ ba đối với thỏa thuận giữa Anh và EU về việc nước này ra khỏi liên minh cơ xanh, còn gọi là Brexit. Theo đề nghị của bà May, các nghị sĩ chỉ tiến hành bỏ phiếu đối với 585 trang dự thảo thỏa thuận, không bao gồm 26 trang Tuyên bố chính trị về mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU hậu Brexit. Chính phủ Anh cho biết, ngay khi Hạ viện thông qua dự thảo thỏa thuận “ly hôn”, các thành viên Nội các sẽ lập tức thúc đẩy thỏa thuận nhằm hoàn tất quá trình Brexit.

Tại cuộc họp với Ủy ban 1922 ngày 27/3, Thủ tướng May đã tuyên bố với các nghị sĩ đảng Bảo thủ rằng bà sẽ từ nhiệm nếu họ ủng hộ thỏa thuận Brexit. Giới phân tích đánh giá, việc bà May trao sinh mệnh chính trị của mình cho các nghị sĩ cho thấy sự tuyệt vọng của nhà lãnh đạo này trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận Brexit trước nguy cơ đổ vỡ.

Trước đó, Hạ viện Anh đã hai lần bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng nước này Theresa May đàm phán với giới chức EU, do bất đồng về các điều khoản trong thỏa thuận nhằm ngăn chặn kịch bản thiết lập đường biên giới ở Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland hậu Brexit.

Việc tách thỏa thuận Brexit làm hai phần được thực hiện theo phán quyết của Chủ tịch Hạ viện John Bercow. Trước đó, với 329 phiếu thuận và 302 phiếu chống, Hạ viện Anh ngày 25/3 đã nhất trí tước quyền kiểm soát quá trình hoạch định Brexit của Thủ tướng Theresa May và chuyển sang cho Quốc hội.

Đây là điều chưa từng có tiền lệ ở cơ quan lập pháp Anh hơn 100 năm qua. Động thái này mở đường cho Quốc hội Anh yêu cầu Thủ tướng May phải theo đuổi phương án B cho Brexit, trong đó bao gồm phương án tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần hai về việc Anh rút khỏi EU, hoặc thậm chí hủy bỏ Brexit.

Khi được hỏi liệu bước đi của Chính phủ có hợp pháp hay không, Tổng Chưởng lý Geoffrey Cox nói rằng, đề xuất này “không chỉ hoàn toàn hợp pháp, hợp lý, mà còn trao cho Hạ viện cơ hội thực hiện quyền EU đã trao cho chúng ta, để chúng ta được gia hạn đến ngày 22/5.

Chủ tịch Hạ viện John Bercow cho rằng, đây là một bước đi “mới” và phù hợp với quyết định mà ông đã đưa ra. Trước đó, ông Bercow tuyên bố không cho phép Hạ viện tiến hành lần bỏ phiếu thứ ba, nếu nội dung trình về căn bản vẫn tương tự những gì các nghị sĩ đã hai lần bác bỏ trước đó.

Nỗ lực cuối cùng

Nếu thỏa thuận Brexit được Hạ viện Anh thông qua, tiến trình Brexit có thể sẽ được lùi lại đến ngày 22/5, thời hạn chót do Hội đồng châu Âu ấn định. Trong khi đó, nếu Hạ viện tiếp tục bác bỏ thỏa thuận thì Anh nhiều khả năng sẽ đứng trước ba lựa chọn: rời EU vào ngày 12/4 mà không có thỏa thuận, kéo dài thời hạn Brexit hoặc tiến hành tổng tuyển cử.

Trong trường hợp thỏa thuận Brexit được thông qua trong khoảng thời gian sau ngày 29/3 và trước ngày 12/4, EU vẫn có thể đưa ra hạn chót ngày 22/5 cho tiến trình Brexit. Nếu việc trì hoãn thời hạn Brexit diễn ra trong thời gian dài, EU sẽ yêu cầu Anh tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra từ ngày 23 - 26/5 tới.

Trong trường hợp các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit, chiếc ghế Thủ tướng Anh sẽ bị bỏ trống. Câu hỏi được dư luận quan tâm lúc này là nhân vật nào có khả năng kế nhiệm bà May? Các nhà quan sát dự đoán, một số gương mặt triển vọng có thể lên thay bà May dẫn dắt nước Anh tiếp tục quá trình Brexit gồm cựu Ngoại trưởng Boris Johnson; cựu Bộ trưởng phụ trách Brexit trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 11/2018 Dominic Raab; Ngoại trưởng Jeremy Hunt; Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid hay Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Penny Mordaunt...

Tuy nhiên, hy vọng cho bà May thúc đẩy thỏa thuận Brexit lần này vẫn còn rất mong manh, trong bối cảnh các nghị sĩ thuộc Công đảng đối lập chỉ trích việc tách thỏa thuận Brexit khỏi Tuyên bố chính trị là hành động “lách luật”; đồng thời tuyên bố không ủng hộ thỏa thuận này. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại vùng lãnh thổ Bắc Ireland cho rằng, vấn đề liên quan đến “kế hoạch chốt chặn cuối” vẫn chưa được giải quyết.

Theo Ngọc Khánh/daibieunandan.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/tien-trinh-brexit-hy-vong-mong-manh-304812.html