Tiến trình chuyển giao quyền lực tại Cuba: Dấu mốc lịch sử của quốc đảo Caribe

Sau hai ngày làm việc, tối 19-4 theo giờ Việt Nam, Quốc hội Cuba khóa IX đã thông báo kết quả bỏ phiếu kín những ví trị chủ chốt trong ban lãnh đạo nhiệm kỳ 5 năm tới, theo đó đồng chí Miguel Diaz-Canel Bermudez đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba với 603 phiếu ủng hộ, tương đương 99,86% số phiếu bầu.

Với kết quả này, đồng chí Diz-Canel trở thành người kế nhiệm Chủ tịch Raul Castro Ruz lãnh đạo đất nước Cuba, tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng Cuba và tiến trình cập nhật mô hình kinh tế đã đề ra.

Cam kết tiếp nối di sản Cách mạng

Đồng chí Diz-Canel, 57 tuổi, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Cuba; từng giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, và trước đó từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tại các tỉnh Villa Clara và Holguin. Đồng chí đã từng kinh qua vị trí Bộ trưởng Bộ Đại học từ năm 2009 đến năm 2012.

Ngoài ra, Quốc hội Cuba cũng đã bỏ phiếu nhất trí với các đề cử khác của Hội đồng Nhà nước do Ủy ban đề cử quốc gia đưa ra trước đó, gồm đồng chí Salvador Valdes Mesa, 72 tuổi, giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất; cùng 5 Phó Chủ tịch là Ramiro Valdes Menendez, Roberto Tomas Morales Ojeda, Gladys Maria Bejerano Portela, Ines Maria Capman và Beatriz Jhonson. Trước đó, Quốc hội khóa IX của Cuba đã bầu lại đồng chí Esteban Lazo Hernandez giữ chức Chủ tịch Quốc hội.

Ngay trong tối 19-4, tân Chủ tịch Diaz-Canel đã có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Cuba khóa IX. Chủ tịch Diaz-Canel khẳng định sẽ làm tròn trọng trách mà nhân dân Cuba tin tưởng giao phó, tiếp tục cùng người dân đảo quốc Caribe trung thành với di sản của cố Tổng Tư lệnh Fidel Castro và nối tiếp tấm gương lãnh đạo hiện nay của Cách mạng Cuba - Đại tướng Raul Castro. Chủ tịch Diaz-Canel khẳng định tình đoàn kết của người dân Cuba là sức mạnh quý giá nhất của Cách mạng Cuba và tinh thần này đã được ĐCS Cuba đảm bảo.

Tân Chủ tịch Cuba cũng đánh giá cao những thành tựu mà chính phủ của cựu Chủ tịch Raul đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhấn mạnh Đại tướng Raul đã có nhiều công lao trong việc chèo lái Cách mạng Cuba trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn. Chủ tịch Diaz-Canel cũng ca ngợi tài trí của nhà lãnh đạo Raul trong nỗ lực đưa 5 chiến sĩ tình báo Cuba bị giam giữ tại Mỹ trở về, hoàn thành lời hứa với cố Tổng tư lệnh Fidel.

Tân Chủ tịch Miguel Diaz-Canel Bermudez (trái) và người tiền nhiệm Raul Castro Ruz.

Tân Chủ tịch Miguel Diaz-Canel Bermudez (trái) và người tiền nhiệm Raul Castro Ruz.

Chuẩn bị cải tổ Hiến pháp

Phát biểu trong lễ nhậm chức của tân Chủ tịch Diz-Canel, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba và Chủ tịch mãn nhiệm Raul Castro đã thông báo về đề xuất cải tổ Hiến pháp đảo quốc Caribe này vào tháng 7 tới. Một trong những nội dung mới sẽ được xem xét trong đợt cải tổ Hiến pháp đã được dự kiến từ khá lâu này là việc tách 2 chức danh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Thủ tướng), mà theo quy định hiện hành của Cuba là do một người đảm nhiệm, và dự kiến vào thời điểm đó Cuba sẽ có một tân Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí Raul cho biết, tân Chủ tịch Diz-Canel có thể giữ chức tối đa trong 2 nhiệm kỳ 5 năm. Ngoài ra, ông cũng tiết lộ, "vào thời điểm thích hợp," tân Chủ tịch Diaz-Canel có thể thay ông giữ chức Bí thư thứ nhất ĐCS Cuba.

Tiến trình chuyển giao quyền lực ở Cuba là đề tài thu hút sự chú ý đặc biệt của các phương tiện truyền thông quốc tế trong thời gian qua vì đây là lần đầu tiên, thế hệ lãnh đạo lịch sử của cuộc Cách mạng 1959 mà đứng đầu đồng chí Raul không còn đảm nhiệm những cương vị cao nhất trong Hội đồng Nhà nước do đã đủ 2 nhiệm kỳ như quy định của Hiến pháp Cuba. Những định hướng chính sách của Hội đồng Nhà nước mới, đặc biệt là của tân Chủ tịch, đang được quan tâm đặc biệt vì đó sẽ là định hướng dẫn dắt Cuba tiếp tục con đường cách mạng đã chọn.

Trên thực tế, quá trình “chuyển giao quyền lực” tại Cuba - như vẫn thường được báo chí quốc tế sử dụng để mô tả việc thành lập Hội đồng Nhà nước Cuba nhiệm kỳ mới, hay đúng hơn là quá trình chuẩn bị các thế hệ lãnh đạo cách mạng kế cận, đã diễn ra từ nhiều năm qua chứ không phải một sự kiện mang tính đường đột, khi chính quyền cách mạng Cuba, bên cạnh truyền thống trân trọng đóng góp và kinh nghiệm của những nhà lãnh đạo lịch sử, cũng đồng thời rất mạnh dạn trong việc khuyến khích và sử dụng cán bộ trẻ và thường làm điều này một cách có hệ thống.

Minh chứng cho điều này là tuổi đời bình quân chỉ ở mức 49 của 605 đại biểu Quốc hội vừa được bầu ngày 11-3 vừa qua, hay việc có tới 9/17 thành viên thuộc Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Cuba hiện tại thuộc về “thế hệ lãnh đạo mới” sinh ra và lớn lên trong thời kỳ cách mạng. Đa phần trong số họ trước đó đã được thử thách trên nhiều cương vị lãnh đạo ở nhiều cấp độ khác nhau, đồng thời là những người đóng vai trò nòng cốt trong ban lãnh đạo Nhà nước Cuba nhiệm kỳ mới.

Đợt thay đổi nhân sự được xem là quy mô nhất trong Hội đồng Nhà nước lần này có ý nghĩa quan trọng, là một dấu mốc lịch sử của đất nước Cuba. Năng lượng và sự tương đồng tâm lý của đội ngũ lãnh đạo với độ tuổi lao động chính yếu của Cuba chắc chắn sẽ rất cần thiết cho việc giải quyết dứt điểm những vấn đề còn dang dở.

Rõ ràng, con đường đã được vạch ra, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều chông gai và thử thách to lớn không kém những chặng đường mà cách mạng Cuba đã đi qua và nhiệm vụ của Hội đồng Nhà nước khóa mới sẽ rất nặng nề. Tuy nhiên, với truyền thống cách mạng bất khuất của đất nước Cuba anh em, không khó để tin tưởng rằng việc bầu chọn ra một Hội đồng Nhà nước với các cương vị lãnh đạo mới sẽ đưa nhân dân Cuba viết tiếp trang vàng lịch sử của đất nước xã hội đầu tiên tại Tây bán cầu, của bản lĩnh, ý chí bất khuất và những kỳ tích đầy giá trị nhân văn đã khơi nguồn cảm hứng và lòng ngưỡng mộ của nhiều thế hệ theo đuổi tư tưởng tiến bộ trên khắp thế giới.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tien-trinh-chuyen-giao-quyen-luc-tai-cuba-dau-moc-lich-su-cua-quoc-dao-caribe-114134.html