Tiến trình trắc trở

Đại diện ba nước Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô sẽ tiến hành vòng thương lượng thứ ba trong tiến trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào cuối tháng 9 này. Mặc dù các bên nhất trí gấp rút hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay song các nhà phân tích cho rằng, chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, khi những lợi ích riêng khó có thể được dung hòa trong “một sớm, một chiều”.

Mặc dù đã giúp tăng kim ngạch thương mại giữa Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô lên khoảng ba lần kể từ khi bắt đầu có hiệu lực, song NAFTA bị Tổng thống Mỹ Ð.Trăm mô tả như một "thảm họa", cho rằng đây là nguyên nhân khiến Mỹ mất hàng triệu việc làm và chịu mức thâm hụt thương mại khổng lồ với Mê-hi-cô và Ca-na-đa, lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm. Ngay từ những vòng đàm phán đầu, Trưởng phái đoàn của Mỹ R.Li-ai-thi-dơ đã khẳng định, mục tiêu của Oa-sinh-tơn là cải tổ NAFTA, xóa bỏ những bất lợi đối với nền kinh tế số một thế giới. Mỹ muốn dùng lợi thế là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn của Mê-hi-cô và Ca-na-đa để yêu cầu siết chặt các quy định trong NAFTA về nguồn gốc xuất xứ, buộc các nhà sản xuất ô-tô sử dụng nhiều linh kiện của Mỹ. Oa-sinh-tơn cũng yêu cầu các nước tham gia NAFTA áp dụng tiêu chuẩn lao động cao hơn.

Trong khi đó, Ca-na-đa và Mê-hi-cô đều lo ngại, những hạn chế thương mại mà Mỹ đang theo đuổi trong tái đàm phán NAFTA sẽ tạo ra một bước lùi đối với khả năng cạnh tranh của khu vực Bắc Mỹ, cũng như gây nhiều bất ổn cho giới doanh nghiệp ở cả ba quốc gia. Hai quốc gia đối tác của Mỹ cho rằng, Oa-sinh-tơn quá quan tâm các số liệu thương mại song phương, mà bỏ qua một thành tựu quan trọng của NAFTA là nâng tổng giá trị thương mại giữa ba nước trong năm 2016 lên gần 1.000 tỷ USD, tăng gấp khoảng ba lần so năm 1993, thời điểm trước khi NAFTA có hiệu lực.

Một trong những nút thắt khó gỡ nhất phải kể đến trong tiến trình đàm phán lại NAFTA là bất đồng giữa các nước về hệ thống các quy tắc giải quyết tranh chấp được quy định ở Chương 19 của hiệp định. Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Chương 19 cho phép Ca-na-đa và Mê-hi-cô khiếu nại về thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá do Mỹ áp đặt, thông qua các tòa án độc lập, thay vì các tòa án Mỹ. Trên thực tế, Mỹ thường bị xử thua trong các vụ kiện kiểu này. Do vậy, trong các cuộc đàm phán mới đây, Oa-sinh-tơn giữ lập trường kiên quyết muốn loại bỏ các điều khoản gây bất lợi nêu trên. Tuy nhiên, Ca-na-đa luôn bày tỏ thái độ khá cứng rắn trước những nỗ lực này của Mỹ, thậm chí thẳng thừng cảnh báo khả năng dừng các cuộc thương lượng nếu Oa-sinh-tơn tìm cách chấm dứt các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp này. Trên thực tế, Ca-na-đa đã từng rút khỏi cuộc đàm phán song phương với Mỹ hồi năm 1987 cũng vì không tìm được tiếng nói chung.

Bất chấp những bất đồng còn tồn tại, cả Mỹ, Mê-hi-cô và Ca-na-đa được cho là sẽ không dễ dàng từ bỏ hiệp định mang lại lợi ích không nhỏ đối với nền kinh tế của cả ba nước. Mặc dù liên tiếp đưa ra các tuyên bố cứng rắn về việc có thể quay lưng lại với NAFTA nhưng rõ ràng, Mỹ sẽ phải có những nhượng bộ nhất định trên bàn đàm phán bởi hơn ai hết, giới chức nước này hiểu rõ vai trò quan trọng của NAFTA đối với sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Theo hãng xếp hạng tín nhiệm tín dụng Fitch Ratings, nếu NAFTA đổ vỡ, có tới 15 bang của Mỹ sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, Ca-na-đa và Mê-hi-cô, hai nước xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa sang Mỹ, cũng sẽ chịu tác động xấu.

Các nhà phân tích cho rằng, tính đến thời điểm này, khi các bên đã nhất trí ngồi vào bàn tái đàm phán thì khả năng NAFTA sụp đổ là rất ít. Tuy nhiên, tiến trình thương lượng dự kiến sẽ gặp nhiều trắc trở do các mục tiêu và tham vọng của ba nước tồn tại nhiều khác biệt, trong khi lợi ích đan xen lại quá lớn. Các bên đã nhất trí về một lịch trình đàm phán dày đặc nhưng việc có thể hoàn tất thỏa thuận sửa đổi NAFTA vào cuối năm nay hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

HÀ NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/34132202-tien-trinh-trac-tro.html