Tiền tư nhân đổ vào nền kinh tế tiếp tục tăng

Dòng tiền của khu vực doanh nghiệp tư nhân đổ vào nền kinh tế tiếp tục tăng và dư địa để tăng thêm vẫn còn.

Vốn đăng ký mới và tăng thêm đều tăng

Quý I/2018 tiếp tục ghi nhận xu hướng doanh nghiệp thành lập mới tăng. Trên 26.785 doanh nghiệp đã có tên trong hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia, với tổng vốn đăng ký 278.489 tỷ đồng.

“Con số này tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý I/2018 đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái”, bà Nguyễn Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.

Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong Quý I các năm giai đoạn 2015 - 2018.

Như vậy, cộng với số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp là 485.475 tỷ đồng, kinh tế quý này đã có thêm 763.964 tỷ đồng vốn đăng ký. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng 28%.

“Những con số này cho thấy mức độ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế tiếp tục tăng. Rõ ràng, niềm tin kinh doanh mà các doanh nghiệp đã nhắc tới vào cuối năm ngoái đang được hiện thực hóa bằng các dự án cụ thể”, bà Minh nhấn mạnh.

Cùng với tốc độ tăng vốn, các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2018 đã tạo ra 225.389 chỗ làm cho người lao động.

Cũng trong quý I/2018, 8.449 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động. Trong số này, 31% là doanh nghiệp trong ngành bán buôn; bán lẻ; 15,2% doanh nghiệp sửa chữa ô tô, xe máy; gần 13% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo...

Khu vực tư nhân chưa thực sự mạnh

So với quý I/2015, quy mô vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đã tăng gần gấp đôi, từ 5,8 tỷ đồng/doanh nghiệp lên 10,4 tỷ đồng/doanh nghiệp. Hơn thế, trong khảo sát khu vực doanh nghiệp tư nhân vừa được Dự án PCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) công bố mới đây, những doanh nghiệp thành lập mới đóng vai trò chính trong tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong GDP.

Nhưng các chuyên gia khảo sát cũng đồng thời phát hiện ra rằng, mức gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp đang hoạt động là không đáng kể. “Thậm chí, quy mô đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân đã giảm theo thời gian, trung bình chỉ còn 460 triệu đồng/dự án theo giá trị năm 1994, nghĩa là khoảng 1,2 tỷ đồng vào năm 2017”, TS. Edmund Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ, Trưởng nhóm Nghiên cứu PCI phân tích.

Đặc biệt, xu hướng nhỏ đi về quy mô lao động cũng được ghi nhận. Ở đây, rõ ràng là khu vực tư nhân có tỷ trọng sử dụng lao động tăng khi việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước đã dẫn tới cắt giảm lao động và tăng cường tập trung vào các lĩnh vực thâm dụng vốn.

Khối doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm gần 65% việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi khu vực vốn nước ngoài dù đang phát triển nhanh chóng cũng khó có thể hấp thụ được hết hơn 1 triệu lao động tăng trưởng hàng năm.

“Tuy nhiên, số việc làm do khu vực tư nhân tạo ra chủ yếu thông qua các doanh nghiệp thành lập mới. Cũng giống như đầu tư, quy mô lao động hiện nay ở mức thấp, với 17 lao động bình quân trên mỗi doanh nghiệp”, TS. Edmund Malesky cho biết thêm.

Dư địa từ cải cách thủ tục hành chính?

Mỗi năm, Nhóm Nghiên cứu PCI đều hỏi các doanh nghiệp tham gia điều tra PCI về kế hoạch kinh doanh của họ trong 2 năm tới. Thước đo này phản ánh mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về triển vọng kinh doanh thời gian tới.

PCI 2017 vẫn cho thấy mức độ lạc quan của doanh nghiệp trên đà phục hồi dần kể từ năm 2013. 52% số doanh nghiệp tham gia điều tra PCI 2017 cho biết, họ dự định tăng quy mô hoạt động trong 2 năm tới, tăng 4 điểm phần trăm so với năm ngoái. Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời rằng, họ sẽ tiếp tục hoạt động với quy mô hiện tại là 40%, trong khi số lượng các doanh nghiệp có kế hoạch giảm quy mô hoặc đóng cửa là rất thấp, chỉ ở mức 8%.

Phải nói thêm, các kết quả nghiên cứu đều ghi nhận sự tương quan mạnh mẽ giữa tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng quy mô theo điều tra PCI với mức tăng trưởng về tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân vào GDP.

Khi mức độ lạc quan của khu vực tư nhân thấp nhất vào năm 2013, thì chỉ số tăng trưởng đóng góp của khu vực này vào GDP cũng đạt mức thấp nhất là 6% (106 trên chỉ số tăng trưởng). Mối quan hệ này đang được các chuyên gia PCI dự báo sẽ có kết quả nổi bật trong năm 2017 và 2018, khi niềm tin của khu vực tư nhân trên đà tăng lên rõ rệt.

“Tất nhiên, phải nhấn mạnh, kết quả này lớn hay nhỏ phụ thuộc vào việc thực hiện các kế hoạch cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp mà Chính phủ đã cam kết bằng các kế hoạch hành động cụ thể. Các doanh nghiệp đang căn cứ vào kế hoạch này để xây dựng kế hoạch kinh doanh của họ”, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI cho biết.

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/tien-tu-nhan-do-vao-nen-kinh-te-tiep-tuc-tang-d79080.html