Tiền tỷ, tiền 'tấn' có thay đổi được bản án?

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an TP. Hà Nội – cho biết; Công an TP đang vào cuộc điều tra làm rõ thông tin thẩm phán Đặng Thu Thảo (TAND quận Nam Từ Liêm) yêu cầu đương sự chi 1 tỷ đồng để thắng kiện được dư luận hết sức quan tâm. Liệu “nén bạc có đâm toạc” được bản án?

Luật sư Lê Huy Quang – Giám đốc công ty Luật hợp danh The Light (Đoàn Luật sư Hà Nội) có bài viết phân tích về nghi ngại trên:

Trong một xã hội có sự giám sát rất cao của người dân hiện nay, các cơ quan công quyền và cán bộ trực tiếp thực hiện sứ mệnh được Nhà nước giao phó trong mọi lĩnh vực nói chung và trong lĩnh vực Tư pháp nói riêng phải thật sự công tâm, công minh và đúng pháp luật. Lấy pháp luật làm tôn chỉ cho hành động của mình, trong tư duy cũng phải thượng tôn pháp luật, chí công vô tư chứ không thể vì một tỉ, một “tấn” hay nhiều “tấn” tiền để bóp méo sự thật được!

Trong cuộc sống nếu có người vì “nhiều tỉ, nhiều tấn” để cố tình làm sai thì cũng có nhiều người vì “công lý” hay dân gian thường nói “chẳng vì cái gì” để đấu tranh cho sự nghiệp công bằng của xã hội.

Luật sư Lê Huy Quang: Cần sớm làm rõ những thông tin này vì nó ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý.

Cái đúng cái sai chỉ được xác định thông qua phân tích, đánh giá bản chất của một vụ án, đánh giá một cách khách quan, khoa học các tài liệu chứng cứ chứng minh liên quan đến vụ án, để từ đó áp dụng căn cứ của pháp luật, để xác định “Bên nào đúng – Bên nào sai”.

Khoa học pháp luật cũng có tham chiếu cho phép áp dụng quan điểm, cách đánh giá riêng của những cán bộ trực tiếp giải quyết công việc, có nguyên tắc suy đoán bằng “Niểm tin nội tâm” để phán xử, tuy nhiên “niềm tin nội tâm” ấy chỉ đúng khi Thẩm phán thực sự công tâm để suy xét về sự việc. Còn khi nhận thức đã bị chi phối bởi những quan hệ khác thì không thể có “Niềm tin nội tâm” chuẩn xác được nữa.

Đâu đó trong xã hội chúng ta hiện nay vẫn còn những quan điểm “ Cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”. Vẫn nghe thấy một vài nơi, vài chỗ vì cái này cái kia, vì quan hệ xã hội mà một cán bộ nào đó xử lý một vụ việc đi ngược lại, hoặc gây bất lợi hoàn toàn cho phía bên kia.

Vẫn còn những chuyện đó – cho nên Đảng và Nhà nước ta đang dành nhiều công sức cho cuộc chiến chống giặc nội xâm tham thũng. Những người Luật sư chân chính họ cũng thừa hiểu rằng không thể là một “bộ phận” hoặc là một “cánh tay nối dài” của người này, người kia được. Chúng tôi cũng rất mong cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ, ai sai phạm phải xử lý thật nghiêm minh để trả lại niềm tin trong nhân dân vào hệ thống tư pháp. Cũng là một bài học để giáo dục sâu rộng làm thay đổi tư duy nhận thức “dùng tiền để mua được tất cả” đang tồn tại bấy lâu nay.

Lĩnh vực tư pháp cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó của xã hội vẫn có những người này làm tốt, người kia chưa tốt. Tuy nhiên chúng ta đều nhận thấy trong lĩnh vực này, cán bộ là những người hiểu biết pháp luật, họ có đủ trình độ biết được lằn ranh của việc đúng, việc sai để hành động. Chỉ có một bộ phận rất nhỏ, những người cố tình thực hiện những công việc đi ngược lại qui định của pháp luật, đi ngược lại giá trị cốt lõi của cuộc sống thì cần phải có biện pháp sàng lọc và loại bỏ ngay.

Trong vụ việc đang rùm beng thế này nếu xác định được có số tiền 1 tỉ chạy án ở cấp sơ thẩm và làm rõ được việc đưa nhận là có thật thì việc “Nhận và đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ” đã hoàn thành. Người nhận hối lộ vi phạm điều 279 BLHS, Người đưa hối lộ vi phạm điều 289 BLHS và Người môi giới hối lộ vi phạm điều 290 BLHS, đều bị xử lý theo qui định.

Nhóm tội này có khung hình phạt rất cao, đưa, nhận hối lộ trên ba trăm triệu đồng có khung hình phạt cao nhất là Tử hình, môi giới hối lộ có khung hình phạt cao nhất đến 20 năm.

Tuy nhiên cũng cần phải xem xét đầy đủ các yếu tố khách quan để xác định áp dụng qui định: Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn TNHS và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. (Trích khoản 6-Điều 289 quy định 2 trường hợp được coi là không có tội hoặc được miễn TNHS)

Cũng cần làm rõ Thẩm phán cấp sơ thẩm và phúc thẩm xét xử vụ này có thật sự tham gia vào “trò chơi” đưa và nhận tiền này hay không? Nếu không liên quan thì cần nhanh chóng trả lại thanh danh ngay cho nghành tòa án và xử lý nghiêm hành vi “vu khống”.

Cần sớm làm rõ những thông tin này vì nó ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý.

Trên tất cả, giống như rất nhiều Luật sư khác, tôi vẫn có niềm tin mãnh liệt rằng: Chân lý, lẽ phải vẫn là một viên ngọc ngời sáng, là đại diện cho phẩm giá con người, cho những giá trị tốt đẹp của xã hội. Vì thế, dù có bao nhiêu tiền cũng không thể mua nổi!

Mới đây, tài khoản facebook Bình Hoàng Thanh tố cáo bà Đặng Thu Phương đòi “chung chi” số tiền 1 tỉ đồng để đổi lấy việc thắng kiện. Sau đó bà Phương tiếp tục “gợi ý” đưa 3 tỉ đồng để được xử thắng cuộc tại phiên tòa phúc thẩm do TAND Thành phố Hà Nội tổ chức trong vụ án liên quan đến tranh chấp dân sự. Tuy nhiên bà Bình không lo được khoản tiền trên và không làm theo.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Chính – Chánh án TAND TP. Hà Nội cho biết đã đề nghị CA Hà Nội vào cuộc điều tra và đã báo cáo lãnh đạo TAND Tối cao về sự việc.

Trả lời báo chí, người bị tố cáo nhận 1 tỉ đồng là bà Đặng Thu Phương thừa nhận đã xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến chủ Facebook Bình Hoàng Thanh. Đến nay bà Phương chưa nhận được đơn tố cáo nào chính thức gửi tới cơ quan. “Tôi đã báo cáo lãnh đạo gửi cơ quan công an tố cáo về hành vi tố cáo sai sự thật đó”- bà Phương cho biết.

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tien-ty-tien-tan-co-thay-doi-duoc-ban-an/