Tiền ùn ùn nhờ trồng chuối già lùn

Triển vọng trong trồng chuối già lùn không chỉ giúp loại nông sản này có chỗ đứng trên thị trường, mà còn giúp người dân trên địa bàn huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) nâng cao thu nhập, giảm nghèo và có thêm một đặc sản.

Anh Hồ Văn Quân (xã Hồng Thủy) cho biết, được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp về quy trình sản xuất, gia đình anh đã mạnh dạn trồng 1 ha chuối già lùn và cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Điểm nhấn Hồng Thủy

Gia đình anh Quân chỉ là hộ trồng trên diện tích nhỏ, còn nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã Hồng Thủy đang trồng trung bình khoảng 5-6ha/hộ nên thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Và hiện nay, 60% người dân tại xã Hồng Thủy đã chuyển sang trồng chuối với kết quả đáng khích lệ.

Hồng Thủy vốn là một địa bàn nằm giáp với biên giới Việt – Lào, có 610 hộ, với 2.417 khẩu, đồng bào dân tộc Pa Cô chiếm 95% dân số.

Là một trong 12 xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện A Lưới, trước đây, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Tuy nhiên, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây chuối và thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, đời sống người dân đã được nâng lên đáng kể.

Nếu như đầu năm 2022, số hộ nghèo của xã là 405 hộ, hộ cận nghèo là 133 hộ, thì đến cuối năm 2022, số hộ nghèo giảm còn 331 hộ, hộ cận nghèo cũng giảm xuống còn 127 hộ. Dự kiến năm nay, cây chuối sẽ tiếp tục giúp số hộ nghèo của xã giảm xuống còn 255 hộ và đến cuối năm 2025 số hộ nghèo chỉ còn 104 hộ.

Thực tế, không chỉ có xã Hồng Thủy mà một số xã khác trên địa bàn huyện A Lưới đã đẩy mạnh phát triển giống chuối già lùn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, các xã Hồng Bắc, Hồng Thủy, Hồng Vân, Quảng Nhâm, Phú Vinh, thị trấn A Lưới… là những địa phương đi đầu trong sản xuất chuối già lùn, từ đó nâng tổng diện tích loại cây trồng này trên toàn huyện lên gần 400ha.

Để phát triển được diện tích như trên, huyện A Lưới đã phối hợp với các ngành liên quan để khảo sát, hỗ trợ người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo quy trình trồng chuối, có chính sách hỗ trợ giống, phân bón, đầu ra…

Việc lựa chọn chuối già lùn làm cây hàng hóa và nâng cao thu nhập cho người dân được chính quyền huyện lý giải rằng đây là cây dễ trồng, lại phù hợp thổ nhưỡng đồi núi, ít công chăm bón, cho năng suất cao nên phù hợp với các hộ nghèo, cận nghèo vì không mất quá nhiều tiền đầu tư.

Bước đầu, nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, năng suất loại cây trồng này đạt bình quân khoảng 2,8 tấn/ha, cho thu nhập cao gấp 4-5 lần so với trồng sắn, lúa…

Theo anh Hồ Văn Quân, chuối già lùn từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng một năm. So với các loại cây khác, trồng chuối già lùn có chi phí đầu tư ban đầu và độ rủi ro thấp, trong khi thổ nhưỡng ở huyện A Lưới phù hợp với giống chuối này nên được người dân đón nhận.

Đưa chuối xuống phố

Để tạo niềm tin và khẳng định giá trị của cây chuối già lùn, huyện A Lưới còn tích cực hỗ trợ người dân mở rộng đầu ra. Trong đó, huyện đã thành lập HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn A Lưới. HTX đang hỗ trợ người sản xuất chuối già lùn theo quy trình VietGAP và mở các gian hàng tại hội chợ, giới thiệu sản phẩm đến khách hàng...

Chuối già lùn của huyện A Lưới đã được chứng nhận OCOP 3 sao, từ đó thúc đẩy mở rộng đầu ra và tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân.

Chuối già lùn của huyện A Lưới đã được chứng nhận OCOP 3 sao, từ đó thúc đẩy mở rộng đầu ra và tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện, HTX đã xây dựng một cửa hàng bán nông sản, thực phẩm tại thị trấn A Lưới và một cửa hàng tại Thành phố Huế. Tại cửa hàng này, không chỉ các đặc sản địa phương mà chuối già lùn cũng là một sản phẩm quan trọng mà HTX muốn tiếp cận với người tiêu dùng.

Với vai trò kết nối, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với siêu thị Big C Huế với khả năng tiêu thụ khoảng 15 tấn/tháng. Việc chuối già lùn A Lưới được bày bán ở siêu thị Big C không chỉ khẳng định về số lượng, chất lượng, mẫu mã của sản phẩm này, từ đó đưa chuối già lùn có chỗ đứng vững chắc không chỉ tại Siêu thị Big C Huế mà còn cả hệ thống Siêu thị Big C các tỉnh, thành khác.

Gần đây, huyện A Lưới đã tích cực hỗ trợ người dân triển khai trồng chuối theo phương pháp cấy mô để đảm bảo nguồn giống tại chỗ, hạn chế sâu bệnh, từ đó tạo ra những vườn chuối chất lượng, năng suất cao, hướng đến thương hiệu chuối A Lưới.

Tiêu biểu là tại xã Hồng Bắc đã trồng được 3ha chuối theo phương pháp cấy mô chuẩn bị vào kỳ thu hoạch. Ưu điểm của giống chuối này là ít sâu bệnh, đồng thời cho năng suất, chất lượng cao. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu và hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho chuối già lùn...

Tuyệt đối không để tăng thêm hộ nghèo

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện A Lưới, chuối không phải là cây trồng, mô hình duy nhất nâng cao thu nhập cho người dân nhưng đang là một trong những cây trồng hàng hóa được định hướng phát triển lâu dài. Từ nguồn thu của cây trồng này, không ít hộ dân ở huyện A Lưới đã thoát nghèo, giảm nghèo.

Anh Hồ Văn Giang (xã Hồng Kim) cho rằng, nói chuối già lùn là cây giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới quả không ngoa. Có những nhà trồng đến hàng chục ha, sau đó đầu tư xe ô tô tải, hình thành nhà thu mua, buôn bán chuối cũng không hiếm.

Từ đó, chuối già lùn đã góp phần vào việc giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của cả huyện. Theo thống kê, kết quả rà soát hộ nghèo và cận nghèo năm 2022 của huyện còn 5.399 hộ nghèo, chiếm 38% (giảm 11,78% ); hộ cận nghèo 2.078 hộ, chiếm 14,70% (giảm 0,85 %).

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, A Lưới đang hướng đến cuối năm 2023 sẽ giảm tiếp 1.708 hộ nghèo xuống còn 3.691 hộ (26%); năm 2024 giảm còn 2.234 hộ nghèo (16%); năm 2025 giảm còn 1.784 hộ nghèo (12%).

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Thanh Bình, giảm nghèo và hướng đến thoát nghèo cho huyện A Lưới là vấn đề quan trọng của toàn tỉnh.

Chính vì vậy, tỉnh cũng tạo điều kiện để huyện thực hiện liên kết 4 nhà, trong đó có phối hợp với trường Đại học Nông lâm Huế và các đơn vị liên quan triển khai nhiều dự án áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như phòng trừ sâu bệnh trên cây chuối già lùn để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng và năng suất cao.

Ngoài các chính sách liên quan và huy động nội lực, tỉnh còn cùng huyện chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân. Để qua đó, người nghèo hiểu được họ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo. Từ đó, họ chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Các cấp lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đặc biệt lưu ý, để thoát nghèo, A Lưới tuyệt đối không được để tăng thêm số hộ nghèo. Nếu hộ nghèo tăng, phát sinh thêm hộ cận nghèo là thất bại trong chủ trương thực hiện giảm nghèo bền vững.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/tien-un-un-nho-trong-chuoi-gia-lun-1094917.html