Tiên Yên: Sôi động các lễ hội xuân

Những ngày tết, ở trên khắp các xã, thị trấn của huyện Tiên Yên đều diễn ra lễ hội, mỗi nơi đều chọn ra cách tổ chức độc đáo cho riêng mình.

Thị trấn Tiên Yên vốn nổi tiếng với phố đi bộ, các ngày 30 và mùng 5 Tết tại đây diễn ra các chương trình văn nghệ mừng Đảng - mừng Xuân. Năm nay là năm thứ 3, phố đi bộ Tiên Yên tổ chức hoạt động đón xuân cho người dân. Đến phố đi bộ, người dân, du khách được hòa mình vào những vũ điệu âm nhạc đường phố, đồng thời thưởng thức ẩm thực như kẹo lạc hồng, khau nhục, bánh gật gù, gà Tiên Yên...

Xã Đồng Rui có thế mạnh về biển nên tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống. Trong cuộc sống thường ngày nhiều người dân Đồng Rui lấy thuyền làm phương tiện sinh hoạt và phát triển kinh tế, do vậy lễ hội đua thuyền được tổ chức hằng năm ở Đồng Rui thu hút rất nhiều người dân tham gia. Lễ hội không chỉ là hoạt động thể thao ngày tết, mà còn là hoạt động văn hóa chứa đựng ý nghĩa nhân văn của cha ông cầu nắng, cầu mưa, cầu an, cầu mùa cho một năm yên bình ấm no.

Lễ xuống đồng đầu năm cầu cho một năm mùa màng tốt tươi là nét riêng của Lễ hội Tày ở xã Phong Dụ.

Lễ xuống đồng đầu năm cầu cho một năm mùa màng tốt tươi là nét riêng của Lễ hội Tày ở xã Phong Dụ.

Các xã vùng cao của Tiên Yên như Phong Dụ, Đại Thành, Hà Lâu, ngày tết cũng rộn ràng với các lễ hội. Xã Phong Dụ thì có Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Tày được tổ chức vào ngày 15, 16/2. Xã Đại Thành có Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ vào ngày 18, 19/2. Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Dao được tổ chức ở chợ phiên vùng cao Hà Lâu (xã Hà Lâu) vào ngày 23, 24/2. Các lễ hội đều có điểm chung là cầu mong một năm mới mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, cuộc sống người dân trong năm ấm no hạnh phúc trong nhân dân.

Ở mỗi lễ hội vùng cao các xã đều thể hiện những nét riêng của mình. Cuối năm 2018, xã Phong Dụ đã tổ chức khởi công xây dựng Khu văn hóa, thể thao dân tộc Tày huyện Tiên Yên tại thôn Đồng Đình, trên diện tích 17.625m2 với tổng dự toán hơn 9,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện, để tạo sân chơi riêng cho bà con dân tộc Tày. Năm nay, Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Tày sẽ được xã Phong Dụ tổ chức tại Khu Văn hóa, thể thao với các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ; thi gói bánh Tày, trưng bày mâm cỗ, trình diễn trang phục dân tộc…

Đám cưới người Dao được thể hiện trong Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Dao hằng năm tại xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên.

Lễ hội Dao ở xã Hà Lâu phần hội gần giống các dân tộc khác, nhưng phần lễ có nét riêng được thể hiện gồm trích đoạn lễ cấp sắc, lễ rước dâu của đồng bào dân tộc Dao. Lễ hội còn thu hút sự tham gia của nhân dân các xã lân cận của tỉnh Lạng Sơn và xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu). Cuối năm 2018, huyện Tiên Yên lại khôi phục chợ phiên Hà Lâu, xã Hà Lâu, là chợ phiên có từ năm 1965 nhưng đã dần mai một.

Lễ hội Sán Chỉ ở xã Đại Thành dập dìu trong các làn điệu Soóng Cọ. Đại Thành vốn nổi tiếng với các thửa ruộng bậc thang và là xã có nhiều ruộng bậc thang nhất trong huyện. Đại Thành còn có đồi Tình, là nơi các đôi trai gái hẹn hò nhau vào mùa xuân cùng hát đối nhau vào các dịp tết.

Tết đến, xuân về, ai đến Tiên Yên đều hòa mình trong các lễ hội rộn ràng được tổ chức ở hầu khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201902/tien-yen-soi-dong-cac-le-hoi-xuan-2422722/