Tiên Yên: Trọng tâm, trọng điểm trong đầu tư các làng văn hóa DTTS

Với vị trí cửa ngõ miền Đông, nơi quần tụ lâu đời của các dân tộc anh em Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu… Tiên Yên có nền văn hóa đa màu sắc và rất rõ nét. Nhiều vùng văn hóa bản địa Tiên Yên còn gắn với những thắng cảnh đẹp nổi tiếng, nét văn hóa phi vật thể độc đáo, đồng thời dễ dàng kết nối với các điểm du lịch đã có của huyện.

Nét văn hóa hòa mình vào thiên nhiên của người Đại Dực. Ảnh Phạm Long (CTV)

Có thể thấy từ sự vận động phát triển tự nhiên trong lịch sử cũng như tác động chủ động của huyện Tiên Yên thời gian gần đây đã góp phần hình thành cộng đồng người Dao gắn với thác Pạc Sủi, chợ phiên Hà Lâu, với hội hát đối, hát đám cưới, tục lại mặt, lễ cấp sắc… Người Sán Dìu gắn với di tích đền thờ đức ông Hoàng Cần, các khúc hát Soọng cô; người Tày gắn với đình Đồng Đình, nghệ thuật hát then, đàn tính, danh thắng núi Vua; người Sán Chỉ gắn với hệ thống ruộng bậc thang, hát Soóng cọ. Các cộng đồng người dân tộc thiểu số này cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và đặc biệt kết nối với hàng loạt các điểm danh thắng, lễ hội khác của huyện như rừng ngập mặn Đồng Rui, phố đi bộ Tiên Yên, di tích cách mạng nhà tù Khe Tù, lễ hội đua thuyền trên sông Tiên Yên…

Chính những yếu tố trên là chất liệu tuyệt vời để Tiên Yên quyết tâm xây dựng và hiện thực hóa mô hình làng văn hóa dân tộc thiểu số. Trong đó đến thời điểm này đã có 4 phương án làng văn hóa dân tộc thiểu số được đề xuất là Làng văn hóa người Tày xã Phong Dụ, người Sán Chỉ xã Đại Dực, người Dao xã Yên Than và người Sán Dìu xã Hải Lạng. Theo ông Tạ Vĩnh Thắng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tiên Yên, các làng văn hóa dân tộc thiểu số khi hình thành sẽ cho phép Tiên Yên có thể khai thác vốn văn hóa truyền thống, bản địa theo hướng hiện đại, gắn với du lịch dịch vụ để mang lại thu nhập cho người dân.

Cầu treo Hà Lâu. Ảnh Phạm Long (CTV)

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, chính việc hội tụ các nét văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trên vùng đất Tiên Yên là thuận lợi song cũng là khó khăn khi đầu tư xây dựng làng văn hóa dân tộc tại đây. Bởi theo giới chuyên môn, trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư còn eo hẹp như hiện nay mà Tiên Yên đầu tư dàn trải, đủ cả các mô hình làng văn hóa sẽ là không hiệu quả.

Từ quan điểm này, năm 2019 đến nay huyện Tiên Yên phê duyệt và tập trung đầu tư cho Làng văn hóa dân tộc Tày xã Phong Dụ. Bước đầu đạt mức đầu tư gần 10 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, để xây dựng một số công trình kiến trúc cơ bản. Các mô hình làng văn hóa còn lại của Tiên Yên như làng văn hóa người Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ trên cơ sở xây dựng phương án và gìn giữ hiện trạng để kêu gọi, thu hút đầu tư.

Đối với Làng văn hóa dân tộc Tày xã Phong Dụ, cái hay là hướng tạo điều kiện khuyến thích thu hút đầu tư từ chính các hộ dân và doanh nghiệp. Trong đó người dân có thể góp vốn bằng chính nông đặc sản của mình, tạo ra sản phẩm lưu niệm hoặc sản phẩm phục vụ dịch vụ du lịch. Người dân cũng có thể liên kết lại với nhau để tham gia các khâu phục vụ, dịch vụ. Riêng đối với doanh nghiệp được xác định là hạt nhân để làm giàu các hoạt động nội hàm đồng thời nâng cao giá trị của Làng văn hóa dân tộc Tày xã Phong Dụ, từ đó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho chính doanh nghiệp mà còn mang lại nét đặc sắc, sức hấp dẫn cho Làng văn hóa dân tộc Tày xã Phong Dụ.

Thắng cảnh núi Vua, gắn với vùng dân cư người Tày Phong Dụ.

Phải khẳng định, hiện nay việc hình thành các mô hình làng văn hóa dân tộc thiểu số là định hướng đúng, đáp ứng nhu cầu và sự phát triển. Tuy nhiên, đầu tư như thế nào để làm sao tránh dàn trải, nhằm tạo nên hiệu quả là bài toán cần phải tính tới. Đến thời điểm này, cách xây dựng các làng văn hóa dân tộc thiểu số như của huyện Tiên Yên đang bước đầu cho thấy sự phù hợp và hiệu quả.

Việt Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202005/tien-yen-trong-tam-trong-diem-trong-dau-tu-cac-lang-van-hoa-dtts-2484592/