Tiên Yên xưa qua ký ức của lão thành cách mạng

Đối với nhiều lão thành cách mạng đã chứng kiến Tiên Yên từ thời Cách mạng Tháng Tám 1945 cho đến nay đều có chung nhận định 'Đó là một sự đổi thay to lớn'.

Ông Hoàng Sinh, năm nay đã 86 tuổi, sống ở khu phố Đông Tiến 2, thị trấn Tiên Yên, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên từ năm 1977-1979 vẫn không quên ký ức một thời gian khó. Đó là năm 1953, khi ấy ông là thầy giáo làng. Ban ngày ông dạy học sinh trong một số gia đình trên địa bàn, nhưng buổi tối ông lại dạy lớp bình dân học vụ cho các cán bộ, bộ đội du kích của huyện. Lớp học được sơ tán tại xã Phong Dụ (Tiên Yên).

Thời điểm đó (năm 1953), thực dân Pháp vẫn còn đóng quân trên đất Tiên Yên. Đồn Pháp đóng ở thị trấn Tiên Yên cách xã Phong Dụ khoảng 10km, nên chúng thường xuyên mở các đợt càn quét xuống xã Phong Dụ nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Vậy là lớp học được đào sâu dưới đất, giống như chiếc hầm, mái lợp sát đất bằng lá khô. Đường vào lớp học là những giao thông hào, ban ngày cũng được ngụy trang. Vì thế, dù giặc Pháp mở nhiều đợt càn quét, nhưng chúng không phát hiện được. Bàn ghế, bảng đều được ghép lại từ những cây tre rừng, khi viết nét chữ khấp khểnh. Thế nhưng cũng từ lớp bình dân học vụ đó, đã có nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo huyện Tiên Yên.

Ngày nay học sinh ở các xã vùng cao huyện Tiên Yên được đầu tư về mọi mặt rất tốt. Trong ảnh: Giờ học vẽ của học sinh Trường Mầm non Đại Thành (xã Đại Dực).

Ông Sinh bảo: Nếu đem so sánh việc dạy và học thời đó với bây giờ thì thật một trời một vực. Ngày nay học sinh đã được học trong các ngôi trường chuẩn quốc gia, với nhiều điều kiện mà trước đây mơ cũng không có được.

Ông Hà Trung Tuấn, 85 tuổi, ở số nhà 161, phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên, hiện là Trưởng Ban đại diện Hội người kháng chiến chống Pháp huyện Tiên Yên. Năm 1954, ông Tuấn là bộ đội thuộc Trung đoàn 238, thuộc Sư đoàn 332 của Quân khu Đông Bắc về tiếp quản Tiên Yên. Dù đã 66 năm trôi qua, nhưng ký ức về Tiên Yên những ngày đầu trong ông vẫn vẹn nguyên. Ông Tuấn bảo, khi ấy người dân Tiên Yên đa phần đều chưa biết thế nào là “Anh bộ đội Cụ Hồ”, bởi trước đó họ hoàn toàn sống dưới chế độ Pháp thuộc.

Ông Hà Trung Tuấn (bên trái) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm.

Ông Tuấn là người đã chứng kiến những đổi thay của Tiên Yên từ những ngày đầu. Ông bảo: Thời Tiên Yên mới tiếp quản, đời sống vật chất người dân thiếu thốn cực khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Bị chế độ thực dân và phong kiến áp bức, người dân mê muội, nặng nề các hủ tục mê tín dị đoan. Người ốm đau bệnh tật, hay ngay cả khi trời nắng hạn, người ta cũng mời thày mo đến cúng. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tệ tảo hôn rất phổ biến. Con trai người dân tộc thiểu số và kể cả người Kinh khi làm đám cưới, nhà trai cũng phải có hàng trăm cân thịt, gạo hay hàng trăm đồng bạc trắng mới cưới được vợ. Con trai Dao còn có quyền bán vợ.

Cầu đi bộ bờ sông Tiên Yên, công trình được đưa vào sử dụng năm 2020.

Đó là chuyện của ngày xưa, còn ngày nay những hủ tục lạc hậu đó đã không còn nữa. Ông Tuấn khẳng định: Tiên Yên bây giờ đã văn minh gấp trăm lần xưa. Giao thông thuận tiện, ngay cả đường vào các thôn bản xa xôi cũng đã được bê tông hóa (trước đây Quốc lộ 18 qua Tiên Yên cũng là đường đất, nhiều chỗ phải qua phà). Phong tục xấu đã được loại bỏ, văn hóa tốt đẹp của người dân tộc thiểu số được phát huy, từ sự vào cuộc của ngành Văn hóa và huyện Tiên Yên, các xã còn phát huy được các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc qua các lễ hội như: Lễ hội dân tộc Tày ở xã Phong Dụ, Lễ hội dân tộc Dao ở xã Đông Ngũ, Lễ hội dân tộc Sán Chỉ ở xã Đại Dực, Đại Thành, Hà Lâu. Các lễ hội này, đã đem lại đời sống tinh thần phong phú đến với người đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn huyện.

Tiên Yên đã thực sự thay da đổi thịt qua những thăng trầm lịch sử. Đối với những cán bộ lão thành, họ hiểu rõ hơn ai hết về sự chuyển mình này.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202008/tien-yen-xua-qua-ky-uc-cua-lao-thanh-cach-mang-2496069/