Tiếng Anh cho trẻ mầm non: 3 năm vẫn chỉ… làm quen

Tại hội thảo 'Đánh giá 3 năm triển khai thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh' vừa diễn ra tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, việc triển khai cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh là rất thiết thực.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh khẳng định, chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng sau 3 năm thực hiện.

Đến nay, cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh (tăng 20 tỉnh so với năm học 2013-2014). Một số tỉnh, thành phố có đông trẻ làm quen tiếng Anh như: TP.HCM có trên 96.000 trẻ, chiếm 58% tổng số trẻ đến trường; Hà Nội có gần 30.000 trẻ, chiếm 10%; Đà Nẵng có 13.473 trẻ, chiếm 19,2%; Vĩnh Phúc có 7.343 trẻ, chiếm 7,2%.

Đến thời điểm năm học 2016-2017, việc triển khai cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh đã được thực hiện không chỉ tại các thành phố lớn mà còn được tổ chức thực hiện ở một số tỉnh miền núi, giáp biên giới…

Khi phỏng vấn các phụ huynh có con đang làm quen với tiếng Anh tại 3 thành phố lớn (Đà Nẵng, Hà Nội và TPHCM) thì 100% cho rằng con em họ tự tin hơn trong giao tiếp, có khả năng nói tiếng Anh tự nhiên, phát âm giọng chuẩn…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do chưa có chương trình khung thống nhất nên tài liệu giảng dạy do các sở giáo dục địa phương tự thẩm định như tại TP.HCM, Sở GDĐT thẩm định và cho phép sử dụng 4 tài liệu để giảng dạy. Tại Hà Nội, số đơn vị được Sở GDĐT phê duyệt tài liệu gồm 14 trung tâm và 10 hệ thống trường mầm non tư thục.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Lào Cai, do thiếu giáo viên nên địa phương này phải liên kết với các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài để mời giáo viên đến dạy. Điều này hạn chế việc trẻ tiếp xúc với giáo viên do không có thời gian để giáo viên và học sinh thân thiết nhau. Đặc biệt, giáo viên các trung tâm không ổn định nên các trường khó khăn vì phải thay đổi giáo viên thường xuyên.

Trên cơ sở đó, đại diện địa phương này kiến nghị đưa vào chương trình chính khóa trong giáo dục mầm non, đồng thời cần có chương trình khung để các địa phương làm căn cứ giảng dạy. Có chế độ tuyển dụng giáo viên hoặc hình thức hợp đồng để trẻ làm quen tiếng Anh bài bản hơn, không qua hình thức liên kết hoặc liên kết ở mức vừa phải.

Đánh giá về chất lượng giáo viên tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục mầm non, ông Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết, có 2 hạn chế lớn nhất là: giáo viên mầm non có trình độ tiếng Anh lại hạn chế về phát âm; ngược lại đội ngũ trình độ đạt chuẩn tiếng Anh lại không có nghiệp vụ sư phạm nên gặp khó khăn khi tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ bằng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, trình độ tiếng Anh của đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn. Cán bộ quản lý chủ yếu căn cứ vào kỹ năng làm việc, cách thức tổ chức hoạt động của giáo viên trên lớp để đánh giá, chưa đánh giá được năng lực tiếng Anh của giáo viên.

Hiện tại, việc đáp ứng các yêu cầu về năng lực chuyên môn, năng lực tiếng Anh theo quy định tại Công văn số 1303 vẫn còn một số hạn chế.

Trước thực trạng đang “loạn” các chương trình liên kết dành cho trẻ mầm non tại các địa phương, học liệu dạy học còn mỗi nơi một kiểu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ sẽ xem xét lại toàn bộ về chương trình, nội dung, cách thức thực hiện, đồng thời sẽ phải xây dựng chương trình khung phù hợp với tâm sinh lý trẻ em Việt Nam, đồng thời rà soát lại toàn bộ các chương trình tiếng Anh liên kết trong thời gian tới.

Bạch Dương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tieng-anh-cho-tre-mam-non-3-nam-van-chi-lam-quen-post244695.info