Tiếng Anh chưa xong, lại thêm tiếng Đức, tiếng Hàn?

Tính đến nay, chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam cho phép học sinh được lựa chọn 1 trong 7 thứ tiếng làm môn ngoại ngữ bắt buộc.

Sau tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật thì tiếng Hàn và tiếng Đức chính thức được đưa thành môn ngoại ngữ 1 trong trường phổ thông (Ảnh minh họa)

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT vừa ký Quyết định số 712 ban hành chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Hàn và Tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.

Như vậy, từ ngày 9/2/2021, môn tiếng Hàn và tiếng Đức được coi là ngoại ngữ 1, được tổ chức giảng dạy từ lớp 3 đến hết lớp 12 ở những nơi có đủ điều kiện.

Tính đến nay, chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam cho phép học sinh được lựa chọn 1 trong 7 thứ tiếng làm môn ngoại ngữ bắt buộc. Đó là các tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật, Đức và Hàn.

Ngay khi thông tin này được báo chí đăng tải, cả phụ huynh và học sinh đều bàn luận rất hăng hái trong hội nhóm trên mạng xã hội.

Nhiều bạn đọc cũng đã gửi ý kiến đến đường dây nóng của Báo Giao thông bày tỏ quan điểm rất khác nhau về vấn đề này.

Bạn Đào Đức Tiến (Đà Nẵng) cho rằng, tập trung đào tạo tiếng Anh còn chưa xong, chất lượng đầu ra quá kém mà lại thêm các thứ tiếng khác là không hợp lý.

Đồng quan điểm, bạn Quốc Tuấn (Nam Định) chỉ mong Bộ GD&ĐT tập trung phổ cập tiếng Anh, ai cần học ngoại ngữ gì khác để phục vụ nhu cầu bản thân thì học thêm, không nên đưa vào chương trình chính thức.

Bạn Quỳnh Hương ở TP HCM lại thấy cho học sinh lựa chọn ngoại ngữ phù hợp với nhu cầu là rất tốt. Nếu con tôi định du học ở Đức thì tôi cho cháu chọn tiếng Đức ở trường từ bé sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho gia đình.

Tuy nhiên, chị Hương cho rằng, quy định vậy thôi nhưng sẽ rất ít trường có đủ giáo viên và điều kiện để dậy phổ cập ngoại ngữ tiếng Đức, tiếng Hàn cũng như tiếng Nhật.

Bạn đọc Lê Hoài An ở Hà Nội thì ủng hộ việc mở rộng các ngoại ngữ bắt buộc, không phải ai cũng có khả năng tiếp thu và yêu thích tiếng Anh, nhưng tiếng Nhật, tiếng Hàn lại rất thu hút giới trẻ bây giờ. Để các con được lựa chọn môn phù hợp với mình là sự tiến bộ của ngành giáo dục.

Sau khi có nhiều ý kiến về việc dạy thêm 2 ngoại ngữ , Bộ GD&ĐT đã giải thích rõ việc thí điểm dạy tiếng Đức, tiếng Hàn là ngoại ngữ 1 sẽ chỉ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GD&ĐT. Bộ sẽ giám sát quá trình thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học.

Sau thời gian thí điểm, Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá hiệu quả, qua đó xem xét việc đưa hai môn học này chính thức trở thành ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.

Camera giám sát giao thông

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tieng-anh-chua-xong-lai-them-tieng-duc-tieng-han-d498012.html