Tiếng cồng chiêng từ một ngôi trường nhỏ

Nếu may mắn chứng kiến một buổi biểu diễn nhạc của trường THCS A Ninh (thôn Kon Gun, xã Đắc Mar, H. Đắc Hà, tỉnh Kon Tum), bất cứ ai cũng phải bất ngờ: Không gian của phòng học nhạc được trang trí trở thành không gian văn hóa cồng chiêng; chính giữa lớp học là cây nêu và các ché rượu cần một vài trái bầu đựng nước, trống, cồng, chiêng; các em học sinh mang trang phục truyền thống đồng bào Ba Na, Sơ Rá… Nhưng đó chưa phải là tất cả. Phải chứng kiến các em học sinh biểu diễn với kỹ năng điêu luyện và say sưa như những nghệ nhân nhỏ tuổi thì sự bất ngờ sẽ chuyển thành thán phục!

Học sinh của trường THCS A Ninh vào thôn tìm hiểu và học tập cách làm và sử dụng nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Ái Thùy

Học sinh của trường THCS A Ninh vào thôn tìm hiểu và học tập cách làm và sử dụng nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Ái Thùy

Câu chuyện bắt đầu từ một "chỉ đạo" của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết Trung ương 9) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, và cũng là thực hiện chủ trương của Phòng Giáo dục H. Đắc Hà là chú trọng các hoạt động rèn kĩ năng sống và giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Nhớ lúc đầu, khi thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Nhật triển khai Nghị quyết, đưa ra ý tưởng dạy cồng chiêng trong tiết học nhạc, hầu như ai cũng… sợ. Bởi lẽ, việc này quá khó. Ngay cả không gian cồng chiêng ở các buôn làng, gắn bó trực tiếp và chặt chẽ với đời sống, sinh hoạt, tâm thức của đồng bào thiểu số… cũng gặp vô vàn khó khăn, đối diện với nguy cơ mai một.

Thực tế cho thấy, tại các buôn làng, vào các dịp có lễ hội, các loại nhạc cụ hiện đại như piano, organ… đã chiếm lĩnh với ưu thế vượt trội. Các nhạc cụ dân tộc truyền thống từng là những giai điệu không thể thiếu trong đời sống văn hóa dân tộc Tây Nguyên một thời như đàn tơ rưng, krông put, đàn goong… ngày một ít đi. Ngay cả cồng chiêng Tây Nguyên cũng chỉ có những buổi đại lễ. Ngày nay về các bản làng xa khó còn nghe được tiếng tù và vang vọng, khó còn được nhìn đôi bàn tay uyển chuyển đến nao lòng với đàn krông put của các cô gái Ba Na… thay vào đó là những thanh niên uốn éo, vô hồn trong những điệu nhảy hiện đại và tiếng nhạc xập xình inh ỏi… Huống hồ, việc đưa cồng chiêng và các nhạc cụ dân gian khác vào lớp học, kiếm đâu ra người dạy, và liệu có thu hút được người học?

Nhưng Ban giám hiệu nhà trường, đứng đầu là thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Nhật vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng. Điều này, một phần cũng xuất phát từ niềm đam mê và tâm đắc với việc bảo tồn và phát huy nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên của thầy. Hơn nữa, Ban giám hiệu cũng nhận thức rõ rằng, triển khai Nghị quyết ở cơ sở thì phải có nội dung, phương thức, việc làm cụ thể, nếu không Nghị quyết chỉ nằm trên giấy mà thôi!

Nghệ nhân hướng dẫn cho học sinh trường THCS A Ninh cách đánh đàn tơ rưng. Ảnh: Ái Thùy

Với quyết tâm đó, nhiều năm nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc thi làm và sử dụng nhạc cụ dân tộc. Nhà trường vừa khuyến khích vừa yêu cầu các em học sinh phải tìm hiểu thông tin về nhạc cụ mình yêu thích. Giáo viên đưa các em vào nhà các nghệ nhân để các em tìm hiểu về các loại nhạc cụ dân tộc ở địa phương. Cùng với sự giúp đỡ của các nghệ nhân, cha mẹ học sinh những người lớn tuổi trong làng các em phải làm được loại nhạc cụ mà mình yêu thích và tham gia thi trình diễn nhạc cụ dân tộc.

Không chỉ dừng lại ở các cuộc thi, việc bảo tồn phát huy truyền thống dân tộc còn được áp dụng ở trong bài dạy các môn học. Chẳng hạn, môn Địa lý có nội dung Giới thiệu về vùng đất Tây Nguyên - cái nôi hình thành và phát triển nhạc cụ dân tộc thiểu số của đồng bào Tây Nguyên. Môn Lịch sử có nội dung Quá trình hình thành phát triển của nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, vai trò của nhạc cụ dân tộc đối với đời sống văn hóa của dân tộc Tây Nguyên. Thông qua môn Ngữ văn để cảm nhận được vẻ đẹp của các loại nhạc cụ dân tộc; nhạc cụ dân tộc là đề tài và là nguồn cảm hứng bất tận đối với thi ca. Môn Giáo dục Công dân được kết hợp để tuyên truyền về ý nghĩa của nhạc cụ dân tộc. Môn Công nghệ đề cập cách chế tác các loại nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, môn Âm nhạc, chuyên sâu vào cách biểu diễn và thưởng thức nhạc cụ dân tộc.

Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, cuối cùng, điều kỳ diệu đã đến. Học sinh trường THCS A Ninh đã trở thành những nghệ nhân nhí, biết trân trọng và cảm thụ ngày càng sâu sắc ý nghĩa thực sự của tiếng chiêng, điệu nhảy và không gian linh thiêng bí ẩn của chính quê hương mình. Cô Phạm Thị Thanh Thúy, giáo viên dạy nhạc trường THCS A Ninh khẳng định ngắn gọn và chắc chắn: Nhiều học sinh của trường đã biểu diễn cồng chiêng ở các buôn làng! Có lẽ, khó có thể đòi hỏi một chuẩn mực nào cao hơn thế: Các em học sinh nhỏ tuổi đã tự tin biểu diễn trước đồng bào mình, đã lĩnh hội kỹ năng, xúc cảm được truyền lại từ thế hệ trước. Chúng tôi đồ rằng, trong các bản báo cáo, có lẽ việc này chỉ được diễn đạt bằng ngôn từ bình dị, rằng Nghị quyết đã đi vào cuộc sống. Nhưng với thầy và trò trường THCS A Ninh, mấy lời ấy như ẩn chứa vô vàn niềm cảm xúc và hy vọng.

Mai này, đâu đó trong các buôn làng Tây Nguyên, khi tiếng cồng chiêng ngân lên, biết đâu chẳng phải chính là thành quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 của thầy trò trường THCS A Ninh. Có thể lắm chứ!

ÁI THÙY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_197038_tieng-cong-chieng-tu-mot-ngoi-truong-nho.aspx