'Tiếng gọi nơi hoang dã' lan tỏa tình yêu thương

Phim mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc về tình yêu thương giữa con người và loài chó.

Phim "Tiếng gọi nơi hoang dã" (tựa gốc: The Call of the Wild, được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của cố nhà văn Jack London, đang chiếu tại các rạp của Việt Nam) kể về Buck - thú cưng của một thẩm phán giàu có, bị kẻ trộm dụ bắt, bán lên tận vùng Alaska lạnh giá.

Chịu đựng mọi khổ cực, trải qua nhiều người chủ, Buck dần nhận ra mình không còn phù hợp với cuộc sống với con người, đi theo tiếng gọi nơi thiên nhiên hoang dã, nhất là khi mối liên hệ duy nhất giữa nó với con người bị đứt gãy sau cái chết của John Thornton - người mang đến cho Buck tình yêu thương ấm áp.

Buck và Harrison Ford trong vai John Thornton trong “Tiếng gọi nơi hoang dã” Ảnh: HOLLYWOOD REPORTER

Buck và Harrison Ford trong vai John Thornton trong “Tiếng gọi nơi hoang dã” Ảnh: HOLLYWOOD REPORTER

Phim mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc về tình yêu thương giữa con người và loài chó. Tình cảm đó thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau khi là thú cưng, khi là cộng sự, khi là vật nuôi đơn thuần và khi là tri kỷ. Với John Thornton - người chịu đau khổ, tổn thương vì cái chết đột ngột của con trai, Buck không chỉ là bạn đồng hành mà còn là tri kỷ.

Ngoài cảnh thiên nhiên hùng vĩ, công nghệ mô phỏng hình ảnh máy tính CGI tạo nên Buck và đàn chó sinh động trên màn ảnh, khán giả còn được chiêm ngưỡng diễn xuất điêu luyện của tài tử gạo cội Harrison Ford. Ông lột tả tốt tâm trạng của John Thornton, chuyển biến từ trước khi gặp Buck và sau cuộc phiêu lưu cùng Buck để dần tìm thấy sự giải thoát ở tâm hồn. Với cốt truyện đơn giản, thông điệp tích cực, phim tràn đầy tình cảm ấm áp. Mọi thứ được đặt vừa vặn để phù hợp với mọi lứa tuổi khán giả.

Tuy nhiên, nếu so với tiểu thuyết, bản phim thiếu yếu tố khốc liệt, giảm nhẹ những cảnh bạo hành động vật, đấu tranh sinh tồn gian khổ của Buck. Nhân vật phản diện trong phim mang tính một chiều, chẳng có nhiều tác động đến toàn bộ câu chuyện. Chính điều này khiến hành trình tìm về nguồn cội, về với thiên nhiên hoang dã của Buck chưa thuyết phục được người xem như những gì tiểu thuyết miêu tả.

Tính nhân văn, thông điệp ẩn dụ thông qua hình ảnh của Buck cũng trở nên nhạt màu hơn. Những người hâm mộ tiểu thuyết muốn chứng kiến một Buck chiến đấu ác liệt để giành giật sự sống, nổi giận và trỗi dậy hoàn toàn bản tính hoang dã sau cái chết của John Thornton có lẽ phải chờ vào một tác phẩm chuyển thể khác sau này. Thêm vào đó, công nghệ CGI đã giúp rất nhiều cho các nhà làm phim, nhất là phim về động vật, không cần tốn thời gian, công sức tìm kiếm, đào tạo các diễn viên "bốn chân".

Tuy nhiên, cũng chính CGI gây ra nhiều tranh cãi khi tạo ra những động vật y như thật nhưng lại có biểu cảm đa dạng, cơ mặt linh hoạt, diễn xuất nhân cách hóa trở nên đậm chất... "người". Trong "Tiếng gọi nơi hoang dã", Buck có ngoại hình rất thật nhưng nét diễn nhân cách hóa linh hoạt đôi khi lại đánh mất vẻ chân thật. Dẫu có không ít vấn đề đáng bàn luận, "Tiếng gọi nơi hoang dã" vẫn là tác phẩm đáng xem, nhất là với những ai yêu chó và đã từng say mê Buck trong tiểu thuyết của Jack London.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tieng-goi-noi-hoang-da-lan-toa-tinh-yeu-thuong-20200223205357035.htm