Tiếng hát át tiếng sóng

Giữa biển khơi nơi tuyến đầu Tổ quốc, một khúc nhạc cũng làm chiến sĩ yên lòng. Với chúng tôi và những nghệ sĩ theo tàu HQ-936 của Vùng 4 Hải quân ra phục vụ các chiến sĩ nhà giàn là chuyến hành trình đặc biệt.

Tàu đến nhà giàn Huyền Trân 7 đã quá trưa. Trước mắt chúng tôi là nhà giàn nhỏ bé, hiên ngang giữa đại dương mênh mông. Do sóng lớn, tàu cách nhà giàn chừng 60 m nhưng không sao vào được. Tất cả chiến sĩ đứng trên lan can nhà giàn vẫy chào, như chào người thân ruột thịt.

Biết không thể lên thăm các chiến sĩ được, phó trưởng đoàn công tác - đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân, đến ca-bin của tàu, dõng dạc nói qua máy I-com: "Đoàn công tác của Quân chủng cùng các cơ quan Dân - Chính - Đảng đến thăm các đồng chí nhưng vì sóng to gió lớn, chúng tôi không lên được. Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng luôn tin tưởng, nhân dân cả nước luôn gửi gắm niềm tin vào các đồng chí. Chúc các đồng chí đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thềm lục địa của Tổ quốc. Hôm nay có nhiều anh chị nghệ sĩ, ca sĩ, họ sẽ hát cho các đồng chí nghe".

Chúng tôi không ai bảo ai, mắt đỏ hoe nhìn về hướng nhà giàn. Bỗng dưng, một giọng nữ vang lên qua I-com: "Các anh ơi, các anh có nghe rõ em nói không. Ra đây em mới hiểu các anh gian khổ và khó khăn hơn nhiều. Sóng to quá, không lên nhà giàn được, các anh tập trung lại, nghe em hát nhé. Em là Mai Hoa - Đoàn Nghệ thuật Nam Định đây"...

Các chiến sĩ nhà giàn trổ tài cùng với các nghệ sĩ đến từ đất liền

Các chiến sĩ nhà giàn trổ tài cùng với các nghệ sĩ đến từ đất liền

Rồi Mai Hoa say sưa hát, nước mắt tuôn trào: "Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi, nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ...". Chị xúc động đến tột cùng, những ca từ không còn tròn trịa nữa, chỉ còn lại những tiếng nấc nghẹn ngào.

Nhìn những con sóng dữ dằn lừng lững trước mặt, nhìn lên nhà giàn nhỏ bé, cảm giác thương cảm các chiến sĩ trào dâng. Cứ tưởng chừng ra đến nhà giàn là thăm được các chiến sĩ nhưng những ước mong nhỏ nhoi ấy vuột mất bởi những sóng to gió lớn bất thường. Những giọt nước mắt yêu thương vô bờ tràn vào sóng biển.

Rời nhà giàn Huyền Trân 7, tàu đưa chúng tôi đến 2 nhà giàn khác nữa nhưng ở cụm nhà giàn này sóng gió còn lớn hơn. Lần này, lại phải hát qua bộ đàm.

Vượt qua 50 hải lý, chúng tôi đến nhà giàn thứ 4 trong chuyến hải trình. Mặc dù sóng còn to, song thuyền trưởng quyết định lên bằng xuồng chuyển tải. Hai ca sĩ trẻ Mai Khôi và Thanh Thúy được ưu tiên lên hát cho chiến sĩ nghe. Chúng tôi lên giàn bằng dây ròng rọc, tức là ngồi vào cái "quang" để các chiến sĩ nhà giàn kéo lên.

Đêm ấy, không có ánh đèn sân khấu, không trang phục biểu diễn, trên là bầu trời rộng lớn, dưới là biển nước bao la, chiếu cói trải giữa sàn công tác, quà là dứa hộp, lương khô và cá kìm chấm me chua, chúng tôi ngồi vòng tròn hát cho nhau nghe. Tiếng hát át cả tiếng sóng!

Ca sĩ Mai Khôi trải lòng: "Trên sân khấu mình là nghệ sĩ, còn ở nhà giàn mình là chiến sĩ, là đồng nghiệp của các anh. Tiếc gì không cho một nụ hôn, tiếc gì không để lại trong lòng một kỷ niệm". Nói xong, Mai Khôi tặng mỗi chiến sĩ một nụ hôn, gửi gắm tình thương chất chứa.

Chúng tôi rời nhà giàn sau hành trình đáng nhớ. Xuống tàu trở về, ca sĩ Thanh Thúy mắt đỏ hoe nhìn các chiến sĩ. Chị ôm chầm lấy chiến sĩ Lê Văn Tài như chia sẻ bao khó khăn và tiếp thêm cho các anh sức mạnh. Giọng chị như lạc đi: "Tạm biệt các anh nghe. Năm sau chúng em lại ra. Các anh nhớ tập hát để song ca nha".

Bài và ảnh: Tuấn Cường

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/bien-dao/tieng-hat-at-tieng-song-2019110823053563.htm