Tiếng kêu cứu của động vật hoang dã

Các loài động vật hoang dã mang tính biểu tượng nhất thế giới như voi, tê giác, hổ, báo đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng do hoạt động săn bắt và buôn bán bất hợp pháp của con người.

Ngà voi và các bộ phận động vật khác bị tiêu hủy tại Naypyidaw, Myanmar ngày 4/10/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Vấn nạn này không chỉ làm tổn hại đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa mà còn tác động đến phát triển kinh tế bền vững toàn cầu. Hội nghị quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ngày 12/10 tại London (Anh), thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đã góp thêm một hồi chuông nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay và quyết liệt ngăn chặn vấn nạn mang tính toàn cầu này.

Các bộ phận của động vật hoang dã như sừng tê giác được con người tin là có thể chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo, hay cao nấu từ xương của các loài hổ và báo tốt cho sức khỏe. Các tiêu bản hổ, báo nhồi bông, các bộ phậnda, móng, hoặc nanh hổ, báo, ngà voi … cũng được coi là đồ trang trí và trang sức có giá trị cao. Do đó, buôn lậu động vật hoang dã và các bộ phận của chúng được coi là thị trường chợ đen lớn thứ 4 trên thế giới trị giá từ 17-26 tỷ USD, sau thị trường buôn bán ma túy, vũ khí và buôn người.

Vì lợi ích kinh tế khổng lồ trước mắt, những kẻ săn bắt trộm và buôn bán trái phép động vật hoang không từ thủ đoạn để thực hiện nhiều phi vụ xuyên biên giới. Theo tổ chức bảo vệ động vật FOUR PAWS UK, trong giai đoạn 1999-2016, lực lượng chức năng tại châu Âu đã thu giữ hơn 8.000 bộ phận khác nhau của loài hổ bị buôn lậu. Giới chuyên gia nhận định con số này chỉ bằng 1/10 số lượng giao dịch trái phép trên thực tế.

Hải quan Malaysia hồi tháng 8 vừa qua đã thu giữ lượng sừng tê giác được cho là lớn nhất từ trước tới nay tại quốc gia Đông Nam Á này với 50 chiếc sừng nặng 116kg và ước tính trị giá khoảng 12 triệu USD. Mới nhất là vụ phát hiện 90 con voi rừng bị giết hại dã man chỉ để lấy ngà tại một công viên quốc gia tại Botswana, châu Phi. Đây được đánh giá là vụ thảm sát voi với số lượng lớn nhất từ trước tới nay tại châu Phi. Thậm chí, các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng còn được rao bán công khai trên mạng Internet.

Các dữ liệu do Quỹ Quốc tế về bảo vệ động vật (IFAW) thu thập từ bốn nước Nga, Pháp, Đức và Anh, cho thấy tổng cộng 11.772 sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã hoặc cả các cá thể động vật hoang dã được rao bán công khai trong 5.381 mục quảng cáo trên 106 trang web và các diễn đàn xã hội, với tổng giá trị ước tính lên tới 4 triệu USD.

Thị trường buôn bán động vật hoang dã "phong phú" và “sôi động” như vậy càng thúc đẩy những kẻ săn bắt trộm bất chấp hậu quả tận diệt nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá này. Số lượng hổ tại châu Á đã giảm mạnh 96% trong 100 năm qua và tại khu vực này hiện nay chỉ còn khoảng 4.000 con hổ trong tự nhiên. Sư tử cũng đã biến mất trên khoảng 90% những vùng lãnh thổ chúng từng xuất hiện, đặc biệt số lượng sư tử châu Phi đã giảm 40% chỉ trong vòng 2 thập niên qua.

Nếu tình trạng đáng báo động trên tiếp tục diễn ra thì trong tương lai, con người sẽ không bao giờ còn có thể nhìn thấy hình bóng của những loài động vật săn mồi quyền uy này. Trong khi đó, số lượng tê giác trắng tại châu Phi hiện cũng chỉ còn 25.000 con và riêng ở Nam Phi, có khoảng 1.000 con bị giết hại mỗi năm để lấy sừng.

Không chỉ trực tiếp đe dọa sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã quý hiếm, con người còn tác động gián tiếp khi “góp phần” gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, làm mất sự đa dạng của các loại động vật hoang dã cũng như các hệ sinh thái quan trọng khác.

Nhận thức được thực trạng này, nhiều tổ chức quốc tế cũng như chính phủ các nước đã phối hợp và triển khai những biện pháp có ứng dụng công nghệ nhằm bảo vệ động vật hoang dã như tăng cường kiểm soát biên giới, kiểm tra hải quan và chú trọng công tác chống biến đổi khí hậu, tạo môi trường sống cho động vật hoang dã.

Công ty Vulcan do các nhà từ thiện tại Mỹ sáng lập vừa phát triển thành công nền tảng công nghệ EarthRanger hoàn toàn mới nhằm giúp lực lượng kiểm lâm tại châu Phi theo dõi thời gian di chuyển thực của loài voi rừng cũng như "đường đi" của các nhóm tội phạm chuyên săn voi lấy ngà để có thể đưa ra những phương án can thiệp kịp thời. Cũng nhờ sự trợ giúp của công nghệ, các tổ chức phi chính phủ về bảo tồn động vật ở Indonesia đang sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để lập bản đồ tuyến buôn bán các loài động vật được bảo vệ dựa trên mã vạch DNA nhằm bảo vệ động vật hoang dã.

Việt Nam cũng cam kết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã thông qua việc tăng cường hợp tác song phương và đa phương để thực hiện nhiều hành động tích cực nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng và xóa bỏ thị trường buôn bán trái phép các sản phẩm động vật hoang dã. Việt Nam tham gia và là thành viên tích cực của nhiều hiệp định liên chính phủ về vảo vệ động vật hoang dã quan trọng như Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Công ước đa dạng sinh học (CBD), Sáng kiến Hổ toàn cầu (GTI)…

Bên cạnh các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức và tuyên truyền, các cơ quan chức năng của Việt Nam còn tăng cường tuần tra, theo dõi trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là khu vực biên giới và cửa khẩu - điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Trong năm 2017, các cơ quan chức năng Việt Nam đã điều tra, phát hiện 483 vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động, thực vật hoang dã, tịch thu 11.554 cá thể và 10.125 kg động vật hoang dã. Trong 3 tháng đầu năm 2018, Việt Nam tiếp tục thu giữ gần 1 tấn ngà voi và hơn 7 tấn tê tê.

Dù rất nỗ lực để ngăn chặn nạn buôn lậu động vật hoang dã, song các biện pháp triển khai trên thực tế tại các nước chưa thực sự loại bỏ được vấn nạn này. Giới chuyên gia cho rằng các nước cần phải chú trọng nâng cao nhận thức người dân, đưa vấn đề bảo tồn động vật hoang dã vào chương trình giáo dục, làm tăng giá trị của những loài động vật này thông qua việc quảng bá, đồng thời tạo nhiều cơ hội cho các cộng đồng dân cư địa phương để cải thiện kế sinh nhai nhằm giảm thiểu hoạt động săn bắt theo lời dụ dỗ của những kẻ buôn lậu vì lý do kinh tế.

Hơn nữa, các nước cần đẩy mạnh nỗ lực bảo vệ các khu rừng nguyên sinh, ngăn chặn nạn phá rừng và thúc đẩy trồng rừng, nhằm giảm tốc độ biến đổi khí hậu để đạt được các mục tiêu bền vững, mà trước hết bảo vệ động vật hoang dã cũng là bảo vệ môi trường sống của nhân loại và tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.

Trần Quyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tieng-keu-cuu-cua-dong-vat-hoang-da-20181012163755048.htm