Tiếng kêu cứu của sông Mekong

Báo cáo mới có tên 'Dòng chảy thấp và tình trạng hạn hán của sông Mekong giai đoạn 2019-2023' do Ban Thư ký MRC công bố ngày 13/1 cho thấy trong 3 năm qua, các dòng chảy chính của sông Mekong đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm.

Hạn hán thấp nhất trong 60 năm qua

Báo cáo này nhấn mạnh kể từ năm 2015, chế độ thủy văn đã thay đổi, với dòng chảy mùa khô nhiều hơn và dòng chảy mùa mưa giảm do số lượng hồ chứa trong lưu vực tăng lên, điều mang lại những kết quả vừa tích cực vừa tiêu cực.

Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2021 rất khác thường do lượng mưa giảm nhiều và điều kiện khí hậu ngày càng xấu đi.

Theo báo cáo, những yếu tố trên kết hợp với nhau có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng thủy sản và nông nghiệp, gây áp lực lên sinh kế của người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đe dọa gây xáo trộn các hệ sinh thái mong manh của lưu vực sông Mekong.

Hạn hán thấp nhất trong 60 năm qua tại sông Mekong. (Ảnh minh họa)

Tiến sỹ An Pich Hatda, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký MRC, cho rằng không chỉ Trung Quốc mà tất cả các nước thành viên của MRC cũng cần chủ động hợp tác để cùng giải quyết những vấn đề này.

Theo Tiến sỹ Hatda, 6 nước dọc sông Mekong gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam có thể thực hiện ngay một số biện pháp để giảm thiểu khủng hoảng, bao gồm việc thiết lập cơ chế thông báo chung về những dao động bất thường của mực nước và trong tương lai, nghiên cứu khả năng phối hợp quản lý vận hành các hồ chứa và đập thủy điện.

Ngoài ra, các nước cũng cần xem xét các phương án xây dựng thêm hồ chứa để xử lý những tình huống hạn hán và lũ lụt khẩn cấp, cũng như một mô hình vận hành đối với toàn bộ lưu vực sông Mekong.

Sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu sẵn có của MRC về các chỉ số lượng mưa, dòng chảy và hạn hán quan sát được, báo cáo lưu ý rằng một số yếu tố tích lũy đã dẫn đến sự thay đổi chưa từng có về dòng chảy.
Thông thường, mùa gió mùa thường tạo ra một đỉnh lũ duy nhất, nhưng việc tích nước vào mùa mưa ở Lưu vực sông Mekong đã góp phần trì hoãn tất cả các đợt lũ quan trọng.

Báo cáo dài 100 trang nói trên cũng đánh giá tác động của dòng chảy thấp đối với dòng chảy ngược vào hồ Tonle Sap trong mùa mưa, một yếu tố quan trọng liên quan đến thủy văn của lưu vực rộng lớn hơn.

Trong khi dòng chảy ngược của năm 2019 gần với mức trung bình, dòng chảy ngược trong các năm 2020 và 2021 đứng ở mức thấp nhất được ghi nhận.
Tổng lượng dòng chảy ngược năm 2020 và 2021 lần lượt là 58% và 51% tổng lượng dòng chảy ngược bình quân trong giai đoạn 2008-2021.

Báo cáo cho rằng việc quản lý vận hành phối hợp các hồ chứa có thể là chìa khóa để giảm bớt những tác động tồi tệ nhất trong các năm hạn hán, chẳng hạn như 2019-2021, cho biết Ban Thư ký MRC đang làm việc với các nước ven sông Mekong để hỗ trợ sáng kiến này.

Lưu vực sông Mekong đang có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước

Báo cáo tóm tắt kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Thái Lan và Myanmar cho thấy, Chính phủ các nước đã có sự quan tâm, chú trọng và đưa ra nhiều nỗ lực, giải pháp trong công tác quản lý nguồn nước sông Mekong gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Lưu vực sông Mekong đang có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các báo cáo kiểm toán cũng phản ánh tình trạng suy thoái nguồn nước sông Mekong kèm theo những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, sinh kế, đời sống của người dân đã và đang diễn ra tại cả ba quốc gia. Kết quả kiểm toán cho thấy chất lượng nước tại một số khu vực thuộc lưu vực sông Mekong đang có dấu hiệu ô nhiễm.

Tại Việt Nam, tình trạng chất lượng nước mặt, nước ngầm có dấu hiệu bị ô nhiễm vi sinh, nhiễm phèn và có độ mặn cao cũng đã xuất hiện tại một số địa phương. Đặc biệt là vào mùa khô và tại các khu vực thành thị, các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến, sản xuất hoặc các khu vực tiếp giáp biển.

Nguyên nhân được xác định có thể là do tác động từ hoạt động xả thải trong quá trình sản xuất, sinh hoạt cũng như tình trạng suy giảm lượng nước sông Mekong, dẫn đến thiếu nước ngọt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng tự làm sạch và rửa mặn tự nhiên của dòng sông

Về lượng nước, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và Kiểm toán Nhà nước Thái Lan đều ghi nhận tình trạng thiếu nước tại các quốc gia này có xu hướng ngày càng gia tăng.

Trên cơ sở phân tích các số liệu đo đạc, thống kê về mực nước, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chỉ ra, lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Đồng bằng sông Cửu Long đang có chiều hướng suy giảm, lượng nước năm 2020 thấp hơn 157 tỷ m3 so với cùng kỳ năm 2011; lượng phù sa, bùn cát về từ thượng nguồn năm 2020 cũng giảm tương ứng 14 triệu tấn so với năm 2017.

Về sinh kế của người dân, Kiểm toán Nhà nước Thái Lan đánh giá “Hiệu ứng dòng nước đói” là nguyên nhân gây ra xói mòn và phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân dọc theo ven bờ sông, đồng thời đưa ra cảnh báo việc thiếu hụt phù sa cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hệ thống sinh thái trên sông. Kết quả khảo sát của Ủy hội sông Mekong quốc tế cho thấy, 79% hộ gia đình làm nghề nông và ngư nghiệp ở 8 tỉnh dọc theo sông Mekong bị giảm thu nhập do sự biến đổi của nguồn nước.

Các cơ quan kiểm toán nhà nước của ba quốc gia đã đưa các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro và hệ quả của tình trạng suy thoái tài nguyên nước sông Mekong, kiến nghị những giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao trực tiếp đến Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Các báo cáo cho biết, những kết quả và kiến nghị kiểm toán sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế và tăng cường tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý tài nguyên nước, gắn với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của từng quốc gia nói riêng và toàn thể cộng đồng lưu vực sông Mekong nói chung.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tieng-keu-cuu-cua-song-mekong-63261.html