Tiếng lòng của người dân tộc thiểu số

Đến từ 15 dân tộc trên cả nước, hơn 50 thành viên thuộc Nhóm Mạng lưới Tiên Phong luôn đoàn kết bởi trong số họ, ai cũng tâm niệm sẽ góp phần nói lên tiếng lòng của người dân tộc thiểu số.

Gặp gỡ Nhóm trong một buổi hội thảo tại Hà Nội, tôi rất ấn tượng khi thấy những người con vùng dân tộc thiểu số, trải lòng về những câu chuyện người nghèo nơi họ đang sinh sống. Từ sự nỗ lực của họ, tôi tin những con người ấy có thể truyền cảm hứng về tinh thần Tự hào – Tự tin – Tự chủ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Chuyện hộ “siêu nghèo”

Chia sẻ với tôi, anh Á A Pho (Sa Pa, Lào Cai) thành viên của nhóm cho biết, Mạng lưới Tiên Phong được thành lập từ năm 2011. Hơn 7 năm hoạt động, mạng lưới đã mang tiếng nói của người dân tộc thiểu số đến các diễn đàn góp phần bảo tồn, phát huy tri thức và các giá trị truyền thống của dân tộc. Nổi bật nhất là Festival “Tôi tin tôi có thể” được Mạng lưới khởi xướng, đã thành công và gây tiếng vang lớn với công chúng.

Tiếp nối thành công của những hoạt động trước, từ tháng 7 - 10/2018, nhóm tổ chức hoạt động gặp gỡ hơn 100 hộ nghèo của 10 tỉnh thuộc đối tượng của đề án 30A và 135 (Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững). Họ muốn đến từng vùng, tìm hiểu những câu chuyện thực tế về hiệu quả của các hoạt động xóa đói giảm nghèo.

Thành viên nhóm Mạng lưới Tiên Phong trao đổi với người dân vùng cao trong một chuyến đi. (Ảnh: NVCC)

Đề án 30A và 135 đã đi được nửa chặng đường, diện mạo vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều hộ dân gặp khó khăn chưa thể tháo gỡ được. Ba tháng ròng, bất kể mưa hay nắng, các thành viên của nhóm đã thu thập được những câu chuyện thực tế nhiều cảm xúc.

Chia sẻ về cuộc sống của người dân tộc Mông tại Sa Pả - một xã miền núi đặc biệt khó khăn thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, anh Á A Pho không nén được xúc động. Ở vùng núi cao xứ sở của giá rét, mây mù bao phủ quanh năm này, người dân chỉ biết dựa vào vài mảnh ruộng bậc thang. Được mùa thì vừa đủ ăn nhưng mất mùa coi như chẳng còn gì.

Thương nhất có lẽ là câu chuyện về những người phụ nữ tại vùng cao Sa Pa. Ngày ngày, họ phải gánh gồng trên lưng những đứa con nhỏ cùng những chuyến hàng lên nương, xuống chợ. Người dân tộc miền núi Tây Bắc vẫn nói rằng, cưới được vợ còn quý hơn vàng bởi phụ nữ là lao động chính trong nhà, gánh nặng mưu sinh trên đôi vai gầy. Người phụ nữ vùng cao xét tuổi bằng khoảng cách gần giữa mặt với đất. Khi mặt càng gần đất thì tuổi càng nhiều, lại không thể gánh gồng được nữa. “Làm lụng bao nhiêu cũng chẳng đủ, cái đói cái nghèo vẫn bám riết lấy họ”, anh Á A Pho ngậm ngùi.

Kể về những khó khăn của bà con xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, chị Lý Thị Hồng Kiều người dân tộc Khmer vừa nói vừa sụt sùi khóc. Nhiều trẻ em trong vùng không được đi học hay học nửa chừng thì bỏ vì gia đình quan niệm đi làm mới kiếm được tiền. Người dân cũng không dám đi khám bệnh, có những gia đình có người già ốm đau không đi bệnh viện vì không có bảo hiểm y tế, không có tiền trả viện phí.

Chia sẻ thêm, anh Trương Văn Quyết tâm sự về hoàn cảnh gia đình ông Bùi Văn Tám ở thôn Giầu Cả, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Theo anh Quyết, ngôi nhà ông Tám đã xuống cấp nghiêm trọng, được quây lại bằng bạt ni lông.

“Tôi có tiếp xúc trực tiếp và nói chuyện với ông Tám thì được biết, ông không có tiền xây nốt ngôi nhà còn dang dở. Theo tìm hiểu, gia đình ông Tám cũng được hỗ trợ các chính sách như phát gạo dịp tết, phát muối, bột canh.... phục vụ cho hoạt động sinh hoạt, nhưng cũng chỉ được phần nào”, anh Quyết bộc bạch.

Lắng nghe từ lòng dân

Cũng là một thành viên tham gia đi thực tế, chị Hồ Thị Ngựp - dân tộc Pa Kô, huyện Đắk Nông, tỉnh Quảng Trị tâm sự: “Mỗi lần đi thực tế đều không có kinh phí. Tất cả đều tự túc tiền ăn và tiền xăng xe. Khó khăn nhất là tôi không có xe, phải đi nhờ xe người trong nhóm. Mỗi thôn cách nhau 20 – 30 km, đường đi tương đối khó khăn”. Nhưng chị Ngựp cũng mừng vì người dân rất hồ hởi, nhiệt tình trò chuyện, chia sẻ cùng chị. Khát khao lớn nhất của chị Ngựp cũng như hơn 50 thành viên trong nhóm là có thể cung cấp thêm góc nhìn đa chiều, hướng tới những thảo luận mở về việc xây dựng chính sách phù hợp trong công tác giảm nghèo bền vững tại Việt Nam.

Trong quá trình đi thực tế, các thành viên trong nhóm cũng nhận thấy có nhiều chương trình trong đề án 30A và 135 gây lãng phí. Những con đường liên thôn xây mỏng, mương dẫn nước sụt đất gây thất thoát nước sạch hay những cây giống được phát không phù hợp với nhu cầu người dân.

Bên cạnh đó, người dân trong chương trình này vẫn còn quan niệm “Nhà nước cho”, “Nhà nước hỗ trợ”, điều đó trở thành rào cản trong việc phát huy tinh thần tự lực của người dân. Những định kiến về người dân như “dân biết gì mà bàn” xảy ra khá phổ biến ở những người triển khai, thực thi và tiếp nhận chính sách.

Khi người dân không được tham gia vào các chính sách xóa đói giảm nghèo đúng nghĩa, họ luôn ở trong tâm thế người thụ hưởng, không coi các chương trình, dự án thuộc sở hữu của mình. Điều đáng nói là sự thờ ơ này sẽ không dừng lại, nó có thể biến thành sự tư lợi, tính toán cho lợi ích cá nhân.

Đưa ra giải pháp, ông Kray Sức đến từ Quảng Trị khẳng định, điều quan trọng nhất là những người triển khai chính sách hỗ trợ cần phải tin vào người dân. Bằng những kinh nghiệm tại địa phương, người dân có thể tự làm được nhiều việc phù hợp với điều kiện thực tế tại cộng đồng.

“Khi có sự giúp đỡ thích hợp của Nhà nước cùng với sự cố gắng của người nghèo thì mọi khó khăn đều có thể được giải quyết. Bởi vậy, phải để người dân tự đi trên đôi chân của họ”, ông Kray Sức bày tỏ mộc mạc.

Linh Nguyễn

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tieng-long-cua-nguoi-dan-toc-thieu-so-80720.html