Tiếng sóng...

Mới đó đã gần 30 năm xa quê, trong sâu thẳm tôi vẫn nhớ nhất tiếng sóng. Đó là tiếng nối quá khứ, hiện tại và tương lai…

Nơi tôi sinh ra là ngôi làng nhỏ nằm bên bờ biển Đông bao la. Nhớ lại những năm lên tuổi chín, mười, thời đó làng tôi nghèo lắm. Đêm mùa Đông, nhà tre, vách nứa, ngủ không chăn, lạnh co ro phải dùng rơm rạ thay đệm. Ngoài trời đêm, tiếng gió mùa rít trên những rặng tre sau nhà hòa vào tiếng sóng biển vỗ về. Hè đến, gió Nam Lào bỏng rát, nhưng cũng có những đêm vô cùng mát mẻ. Thời tiết trong veo, nằm nghe tiếng sóng biển du dương… ru chúng tôi chìm vào giấc ngủ sâu khi nào không biết nữa.

Biển với tôi thật nhiều kỷ niệm. Những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi lần đi chăn bò, lũ trẻ chúng tôi bao giờ cũng thả bò ăn cỏ trong đồng, rồi chạy ra biển chơi. Cảnh tượng mà chúng tôi thường thấy khi đấy là tuần nào cũng có sự hiện diện của xe tăng, xe bọc thép chạy ầm ầm ven biển.

Các chú bộ đội tuần nào cũng kéo pháo đến tập bắn đạn thật. Tôi chẳng hiểu gì, chỉ thấy vui, vì mỗi lần bộ đội tập bắn xong, chúng tôi lại có vỏ đạn pháo Mười hai ly bảy đi bán đồng nát lấy tiền mua bánh đa. Tối đến, có nhiều đêm thấy mẹ rang gạo cho vào trong hũ hoặc túi vải, chờ khi có hiệu lệnh (tiếng kẻng báo động) là tất cả chui xuống hầm.

Thời đó, ngoài hầm trú ẩn bên bờ biển do bộ đội đào, hầu hết nhà ai cũng có hầm tự đào. Thú thật, cứ mỗi lần có kẻng, chúng tôi thấy sợ hãi vô cùng! Không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ biết đấy là những cảm giác hồi hộp đến khó tả. Sau này lớn lên, tôi mới hiểu, thời điểm đó Trung Quốc đánh chiếm bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (1988), nên bộ đội ta liên tục tập luyện, huấn luyện phòng thủ bờ biển.

Lớn thêm chút nữa, học đến cấp 3 trung học, hầu như chiều nào tôi cũng ra biển, chờ những những chiếc thuyền cập bờ để lấy cá về ăn. Hình ảnh tôi không thể quên được là già Phượng. Ông có mái tóc bạc như cước, chòm râu dài và làn da đen quánh, như Tế Hanh viết: “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”. Nhìn ông vê điếu thuốc lào, bật lửa đưa lên rít một hơi rồi nhả khói trắng từng cuộn, từng cuộn trong chiều hoàng hôn tím ngắt, tôi càng cảm nhận được cảm giác thanh bình của quê hương.

Mỗi lần cùng ông chờ thuyền cập bến, là mỗi lần nghe ông kể chuyện về biển, về tổ tiên. Đặc biệt là cách ông truyền lại bí quyết để nhận ra khả năng bão tố hay trời yên biển lặng qua từng con sóng… Ông từng dặn chúng tôi rằng, tổ tiên ta sinh ta từ biển, biển cho con người, cho quê hương tôm, cá để nuôi sống chúng ta, vì thế hãy ra sức bảo vệ biển. Mỗi lần như thế, ông và tôi lại xuống biển, đắm mình trong từng cánh sóng bạc đầu…

Thời gian dần trôi, với tôi khi thoát ly gia đình, sống giữa chốn đô thành hoa lệ, vậy mà nhiều đêm, đặc biệt khi có chuyện buồn tủi, tiếng sóng biển từ miền xa thẳm lại vẳng về ru tôi vào giấc ngủ. Hè đến, xuân sang, mỗi lần đưa con về nội với ông bà, tôi đều dẫn con ra biển.

Tết này tôi lại về quê với biển, lại được nghe tiếng ru của sóng. Và tất nhiên, không quên ra biển. Nhìn những con sóng ngoài khơi nối đuôi nhau vỗ bờ; nhìn những chiếc thuyền nằm phơi trên cát trắng phau, trên nóc treo cờ Tổ quốc, tôi càng thấy yêu biển, yêu quê, yêu những cánh sóng bạc đầu nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Và tôi càng thêm yêu những tiếng rì rầm của sóng như nhắc nhở chúng ta hãy biết yêu và bảo vệ biển, hãy cùng nhau bảo vệ từng con sóng, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mến yêu!

“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, con tôi yêu biển đến lạ thường, lúc nào cũng thích tắm, cũng thích vẫy vùng với sóng. Cái cảm giác nhìn sóng làm con ngã dúi dụi, khiến tôi hạnh phúc, thầm nghĩ: “Sóng cũng như cuộc đời, vừa vỗ về, an ủi con, nhưng cũng làm cho con gục ngã để biết đứng dậy mạnh mẽ hơn”!

Có một câu con hỏi, khiến tôi phải nghĩ suy: “Bố ơi, sao biển mênh mông thế? Mênh mông thế có ai đến được đâu mà trong sách chúng con thấy hình ảnh các chú bộ đội canh giữ biển trời”? Câu hỏi bất ngờ của đứa trẻ ngây thơ, buộc tôi phải tư duy thật nhanh để vừa trả lời được câu hỏi của con, vừa làm sao để đứa bé lên tám hiểu được một chút về lịch sử, về tình yêu Tổ quốc và sự khát khao hòa bình…

Tôi bảo con: “Thế giới có năm châu, bốn biển. Biển bố con mình đang tắm là biển Đông thuộc biển Thái Bình Dương. Trong hệ sinh thái biển Thái Bình Dương, biển Đông có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhất, nào hải sản, nào dầu khí để làm xăng đổ vào xe máy cho bố con mình đi…

Từ thời xa xưa, dân tộc ta đã gắn liền với truyền thuyết cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ mà con đã học; tiếp đó đến các thời Lê, Nguyễn… cha ông ta đã vượt sóng ra khơi xác lập chủ quyền biển đảo quốc gia tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Thổ Chu, Phú Quốc…

Chính vì giàu tài nguyên và rộng lớn như vậy, nên phải có các chú bộ đội ngày đêm canh giữ biển trời để biển thả những con sóng bạc đầu cho mình có cơ hội tắm thế này con ạ”. “Ôi các chú bộ đội giỏi thế”; “Yêu các chú quá”! Con tôi trả lời, rồi lại vùi vào những con sóng để nghịch, để tắm cho thỏa thích.

Trong văn học, biển và sóng là đề tài được thể hiện nhiều nhất, nhưng có lẽ bài thơ “Sóng” của cố nữ thi sĩ Xuân Quỳnh là hay nhất: “Ở ngoài kia đại dương/Trăm nghìn con sóng đó/Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở/Cuộc đời tuy dài thế/Năm tháng vẫn đi qua/ Như biển kia dẫu rộng/Mây vẫn bay về xa/Làm sao được tan ra/Thành trăm con sóng nhỏ/Giữa biển lớn tình yêu/Để ngàn năm còn vỗ”! Và đêm nay, trong khí tiết đất trời chuẩn bị đón xuân sang, trên vô tuyến vang lên lời bài hát “Chút thư tình người lính biển” của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, với những giai điệu hào sảng, tự hào như đánh thức tâm khảm của mỗi chúng ta về tình yêu Tổ quốc, về tình yêu biển cả bao la: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người/Anh đứng gác trời khuya đảo vắng/Biển một bên và em một bên”…

Tết này tôi lại về quê với biển, lại được nghe tiếng ru của sóng. Và tất nhiên, không quên ra biển. Nhìn những con sóng ngoài khơi nối đuôi nhau vỗ bờ; nhìn những chiếc thuyền nằm phơi trên cát trắng phau, trên nóc treo cờ Tổ quốc, tôi càng thấy yêu biển, yêu quê, yêu những cánh sóng bạc đầu nối quá khứ, hiện tại và tương lai. Và tôi càng thêm yêu những tiếng rì rầm của sóng như nhắc nhở chúng ta hãy biết yêu và bảo vệ biển, hãy cùng nhau bảo vệ từng con sóng, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mến yêu!

Lê Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tieng-song-102215.html