Tiếng sủa gây 'phiền' hay lời cảnh báo hiểm nguy?

Hỡi những ai, khi nghe chó sủa, đừng vì âm thanh náo loạn mà vội bực bội. Xin hãy lắng nghe chúng.

Kể, so với các loài vật nuôi khác, chó cũng thuộc dạng... "to mồm". Có con cơ thể chỉ bé bằng cái nắm tay mà tiếng sủa thì thật đinh tai, nhức óc. Cuộc sống phố phường chật chội bon chen, tiếng chó sủa chát chúa, gằn gọc, giằng dai… rất dễ gây cho con người những bực bội ức chế. Đến như các ông chủ bà chủ của chúng có lúc còn…cáu, huống hồ là các vị xóm giềng không một chút "duyên nợ" liên quan.

Nhưng có khi nào chúng ta bình tâm tự hỏi, từ đâu chó lại sủa dữ dội, và sủa dai dẳng vậy?

Trước sau tôi luôn nghĩ, loài chó không chỉ "mắt tinh, tai thính, mũi nhạy" mà ở chúng còn có một cái gì đó như là linh cảm, trực cảm rất mạnh. Chúng rất nhạy trong việc đánh hơi, "nhận biết" - không chỉ những mùi vị khác lạ - mà quan trọng hơn là mối nguy hiểm đang cận kề. Nhà nghiên cứu người Mỹ Williams từng đúc kết: "Chó hơn hẳn chúng ta về khả năng nhận ra mối đe dọa đến từ con người".

Thực tế, nhiều kẻ trộm chó hoặc có tà tâm với chúng, khi vào một thôn làng nào đó đã phải khiếp vía khi bị chó... phát hiện. Tiếng sủa của chúng đồng loạt rền vang tựa pháo nổ giao thừa khiến không ít kẻ quýnh quàng như sa vào "thiên la địa võng".

Người dân Cao Hạ (một làng có nghề "gia truyền" mổ chó với việc mỗi đêm làm thịt tới vài ba trăm con - thuộc xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) thậm chí còn kể: Dân làng này đi tới đâu, dù mũ mão áo quần tinh tươm cũng vẫn bị lũ chó "nhận diện", lồng lộn xua đuổi. Có khi đang trưa yên ả, vậy mà chỉ cần nhác bóng người dân Cao Hạ đi qua là chó sủa dậy làng.

Thử hỏi, có loài vật nào, thông qua tiếng sủa đay đả, dồn dập và có tính liên kết với nhau như vậy để mà cảnh báo một mối nguy hiểm sắp xảy ra... như loài chó? Hẳn vì cuộc sống đầy rủi ro, bất trắc đã trui rèn cho chúng một tinh thần "ứng trực" như thế. Chẳng qua con người chưa chú ý đúng mức đến tiếng sủa của chúng để cảnh giác với chính đồng loại của mình mà thôi.

Giáp Tết Mậu Tuất (2018), một vụ thảm án xảy ra tại một căn nhà ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh khiến dư luận tột cùng căm phẫn. Chỉ vì thù oán vặt với chủ nhà (chủ một cơ sở sản xuất máng xối inox), một gã trai làm thuê mới 18 tuổi đã ra tay giết sạch cả một gia đình, gồm người chồng là ông Mai Xuân Chinh (46 tuổi), người vợ Mai Thị Hồng (37 tuổi) và ba con nhỏ, cả trai lẫn gái (lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất mới 6 tuổi).

Thoạt đầu, một số báo còn đưa tin theo kiểu: Vì cả gia đình ông Chinh bị sát hại vào thời khắc đêm hôm, cửa nhà lại khép kín và im ắng nên mãi hai ngày sau, khi ngửi thấy mùi hôi thối từ các xác chết, người dân mới phát hiện ra vụ việc. Sự thật không phải vậy. Và nói thế là "oan" cho con chó cưng của các nạn nhân!

Theo một bài viết trên Tạp chí Kiến thức điện tử thì suốt trong 2 đêm 28 và 29 Tết, một số người dân sống trong con hẻm 131 nghe tiếng con Berger trong căn nhà nạn nhân liên tục sủa. Một hàng xóm với gia đình nạn nhân cho biết cụ thể: "Giữa đêm khuya vắng lặng, tôi và người hàng xóm nghe tiếng chó sủa inh ỏi trong căn nhà khóa cửa của vợ chồng ông Chinh.

Có nhiều lúc, tiếng chó nghe rất thảm não, nó tru lên liên hồi khiến ai cũng rợn người". Tiếc là, nghe thì nghe vậy song những người này lại nghĩ đơn giản: Chắc vợ chồng con cái ông Chinh rồng rắn đưa nhau về quê, quên không cho chó ăn nên nó mới kêu tợn thế.

Chú chó Kem (bên phải) bằng tiếng sủa "mách bảo" của mình đã có công cứu 6 người thoát nạn trong vụ cháy chung cư Carina hồi tháng 3/2018. Ảnh: Sưu tầm

Loài người từng ghi lại nhiều chuyện cảm động về ơn cứu hộ của loài chó thông qua tiếng sủa khẩn thiết của chúng. Năm 1993, ở bang Ohio (Mỹ), một phụ nữ tên là Mindi trong khi đang tắm chợt nghe chú chó cưng Papillon sủa ầm ĩ ở nhà trên.

Sợ cô con gái mới sinh của mình giật mình thức giấc, Mindi vội chạy ra xem. Và cô rất đỗi ngạc nhiên khi thấy chú chó nhấp nhổm chờ mình ngoài cửa phòng đứa nhỏ, mặt liên tục hướng vào trong mà sủa. Khi Mindi đẩy cửa phòng, chú chó lập tức chồm lên nôi đứa bé rồi cuống quít chạy quanh như mách bảo điều gì. Mindi chết lặng khi thấy mặt bé tái nhợt. Cô vội bế bé vào lòng, kiểm tra mạch đập thì phát hiện con bé đã ngưng thở.

Mindi hoảng hốt thực hiện hô hấp nhân tạo và vỗ vỗ lưng để thông đường hô hấp cho con. Sau vài phút, con bé bất ngờ cất tiếng khóc. Mindi vui mừng hết sức. Cô gọi xe cấp cứu... Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết chỉ chậm chút nữa thôi là cháu bé hết đường cứu chữa. Với mẹ con Mindi, chú chó Papillon thực sự là "ân nhân".

Tại Thành phố Cửu Giang, Trung Quốc, cũng vào thời điểm nói trên, một "cô chó" 3 tuổi tên là Trại Hổ đã ứa nước mắt chấp nhận hy sinh mạng sống của mình để cứu hơn 30 người khỏi bị ngộ độc.

Hôm ấy, ông chủ của Trại Hổ - một thầy giáo Trường đào tạo lái xe của Thành phố Cửu Giang mua được một con chó đã chết. Ông dặn nhà bếp chế biến thết đãi mọi người. Khi món thịt được nấu chín, vớt ra thì Trại Hổ xông tới trừng mắt, sủa inh ỏi.

Khi miếng thịt được gắp cho mấy con chó con thì Trại Hổ nhất quyết dùng chân giữ chặt miếng thịt. Không dừng ở đấy, nó liên tục hướng về phía nồi thịt, sủa inh ỏi, thậm chí còn cuống quít chạy vòng quanh nồi thịt như muốn cảnh báo điều gì.

Ngỡ Trại Hổ kêu vậy vì đói, nhân viên nhà bếp gắp cho nó mấy miếng thịt. Điều lạ là Trại Hổ không những không ăn mà còn giữ chặt mấy miếng thịt dưới móng, đồng thời không ngừng cất tiếng sủa ngày càng gấp gáp, khẩn thiết.

Đang không khí háo hức, hầu như không mấy người chú ý tới thái độ bất thường của con chó cái. Họ tụ tập mỗi lúc mỗi đông bên nồi thịt. Đàn con của Trại Hổ cũng lăng xăng vây quanh. Nhận thấy mọi người không đoái hoài tới điều mình cảnh báo, mắt Trại Hổ rưng rưng như muốn khóc. Cứ thế, nó cạ chiếc mũi ẩm ướt của mình hôn lên từng con chó con, đoạn lăn xả vào đám người, không ngừng dụi đầu vào chân họ. Đám người ngạc nhiên trước hành động của con vật, song không ai hiểu nó muốn gì.

Chợt Trại Hổ kêu lên thảm thiết rồi cúi đầu ăn một mạch hết ba miếng thịt. Chưa đầy 10 phút sau, con vật tội nghiệp đau đớn lăn lộn trên nền đất. Toàn thân nó liên tục co giật; máu tứa từ hai bên khóe mép. Lúc này mọi người mới tá hỏa nhận ra món thịt bị nhiễm độc.

Và Trại Hổ đã dùng mọi cách ngăn đàn con của mình cũng như đám người đụng vào món thịt. Vì không ai hiểu ý nên nó đã dùng cái chết của mình để đánh động cho mọi người. Nhờ cái chết của Trại Hổ mà hơn ba chục người dự tiệc hôm ấy đã thoát nạn!

Câu chuyện rất đỗi cảm động nói trên chắc hẳn sẽ bị nhiều người xem là "truyện sáng tác" nếu như không có việc, ở Nghĩa trang Hạ Gia Sơn (Thành phố Cửu Giang) hiện có một ngôi mộ dành cho cô chó dũng cảm. Bên trên là bức tượng Trại Hổ kèm tấm bia ghi công lao của nó: "Trại Hổ là một chó cái, thuộc giống chó săn, hơn 3 tuổi, sinh được 13 con… Cô chó trung thành này đã dùng cái chết của mình để cảnh báo mọi người trong thịt có độc, nhờ thế cứu sống được hơn 30 người. Nay chôn cất ở Hạ Gia Sơn".

Được biết, chính ông chủ của cô chó dũng cảm trước khi mất có di nguyện được chôn gần mộ Trại Hổ và di nguyện của ông đã được người nhà tôn trọng.

Trong vụ cháy chung cư Carina ở phường 16, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh vào rạng sáng ngày 23-3-2018, cũng đã có ít nhất hai gia đình vì nghe theo sự "mách bảo" của các chú chó mà thoát nạn.

Anh Nguyễn Ngọc Đằng (sinh năm 40 tuổi) kể: "Gia đình tôi nằm trong phòng, có máy lạnh nên không hề hay biết bên ngoài đang có đám cháy to. Đang ngủ, bỗng chúng tôi giật mình thức giấc vì tiếng cào cửa và tiếng sủa của chú chó nhà nuôi. Lúc này mọi người mới phát hiện khói mù mịt". Trên Fecebook, anh Đằng gọi chú cún cưng của mình là Bé, là "người hùng của gia đình tôi", "Không có bé kêu cửa phòng ngủ là gia đình mình sẽ chết cháy rồi đó".

Không may mắn như mấy trường hợp trên, tại tỉnh Papua (Indonesia), có chú chó chỉ vì liên tục sủa cảnh báo hiểm nguy cho chủ mà rồi mất mạng. Anh Achy Wijaya - chủ nhân của chú chó - kể lại trong đau đớn, day dứt: Trước đó mấy ngày, một nhóm trộm định đột nhập nhà anh. Việc của chúng không thành vì bị chú chó nhà phát hiện, sủa dữ. Vậy là nhóm trộm quyết định ra tay trừ khử chú chó để "dọn đường". Nhiều cư dân mạng đã không kìm được thổn thức khi xem đoạn clip ghi lại cảnh chú chó bị đánh bả chết. Trong phút hấp hối, con vật hiền lành vừa nằm nấc vừa hướng cái nhìn đẫm nước mắt về phía người chủ với ánh nhìn đầy yêu thương, tiếc nuối (và cả xót xa, bất lực), như muốn nhắn nhủ, cảnh báo về một mối hiểm nguy mà trước đó, người chủ của nó đã chủ quan, không chú ý tới.

Hơn chục năm nay, nhiều bạn trẻ Trung Quốc đã tới đặt hoa trước mộ và tượng đài "cô chó" dũng cảm có công cứu hơn 30 người khỏi ngộ độc thức ăn.

Một trường hợp thương tâm khác xảy đến với chú chó của một người đàn ông tên Huang, sống ở vùng núi phía Bắc của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ông này do quá tức giận vì bị tiếng sủa "liên hồi kỳ trận" của chú chó cưng phá vỡ giấc ngủ trưa, đã đuổi đánh con chó đến tử thương. Ông ta đâu hay, chỉ sau đấy ít phút, đất dưới chân ông rùng rùng chuyển động và cả khu làng nơi ông ở đã bị vùi lấp hoàn toàn. Thì ra, con chó sủa dữ, sủa dai vậy là muốn cảnh báo cho chủ một thảm họa thiên nhiên đang trực chờ. Người đàn ông may mắn thoát nạn nhưng chú chó, vì chân cẳng bị dính đòn nặng từ chủ, không chạy nổi đã bị đất đá vùi lấp. Từ cõi chết trở về, người đàn ông vô cùng ân hận. Ông lụi cụi đi tìm bằng được thi thể chú chó cưng và cất cho nó một nấm mộ bên sườn núi sau nhà. Để rồi những lúc buồn, ông lại ra mộ chú chó thủ thỉ tâm tình và nói những lời hối lỗi với nó.

Từ những câu chuyện trên, chúng ta có thể rút ra bài học: Với một loài đa sầu đa cảm và nhạy như loài chó, hãy chịu lắng nghe tiếng sủa, đặc biệt là những tiếng tru thống thiết của chúng. Không phải vô cớ, vu vơ đâu người ơi. Nó mang nhiều thông điệp, dự báo, cảnh báo lắm đấy. Và cần thiết cho con người lắm.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong bài "Bầy chó của tôi" (viết năm 1989) lại đặc biệt chú ý tới tiếng chó sủa (sau này ông còn trở đi trở lại đề tài này nhiều lần):

Bao năm rồi

Tôi lớn lên trong ngõ của tôi

Đã bao năm

Bầy chó ngửa mặt lên trời

Sủa cay đắng, thảm sầu, man rợ.

Bầy chó ơi, sủa vào đâu

Sủa vào trăng?

Sủa vào ngọn đèn dầu?

Hay sợ đêm mà sủa vào bóng tối

Hay sợ nhau mà sủa vào nhau.

Hỡi những ai, khi nghe chó sủa, đừng vì âm thanh náo loạn mà vội bực bội. Xin hãy lắng nghe chúng. Như với trường hợp con chó Berger tội nghiệp của gia đình nạn nhân Mai Xuân Chinh, nếu con người chịu lắng nghe, đặt vấn đề sao nó lại sủa, lại tru lên thống thiết suốt đêm như thế, chắc vụ án sẽ được phát hiện sớm hơn nữa, việc phá án sẽ diễn ra nhanh hơn nữa!
Phạm Khải

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/tieng-sua-gay-phien-hay-loi-canh-bao-hiem-nguy-523341/