Tiếng trống trường và nước mắt học trò tiễn đưa thầy Văn Như Cương

Hàng trăm người xếp hàng tiễn đưa PGS Văn Như Cương về nơi yên nghỉ. Tại trường THPT Lương Thế Vinh, 3.500 học sinh hát bài ca truyền thống hòa cùng nước mắt trong phút tiễn biệt.

Hình ảnh xúc động trong lễ tang thầy Văn Như Cương Sáng 12/10, hàng trăm người yêu mến cùng nhiều thế hệ học trò đến nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội), tiễn biệt PGS Văn Như Cương về cõi vĩnh hằng.

"Bài học đầu tiên
Cảm ơn thầy, thầy đã dạy
Con đường tới tương lai xây đất nước đẹp giàu ...

Bài học đầu tiên, con đã thuộc rồi thầy ơi
Là bài ca yêu Tổ quốc
Không bao giờ con quên...".

Lời bài hát Bài học đầu tiên vang lên tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội), sáng 12/10 khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Hôm nay, những cựu học sinh trường Lương Thế Vinh đã ôn lại bài học ngày nào để tri ân và tiễn đưa người thầy lớn.

Theo di nguyện của PGS Văn Như Cương, sau lễ truy điệu, ông được đưa về hai cơ sở của trường THPT Lương Thế Vinh để thăm học trò lần cuối. Tiếng trống trường vang lên, những giọt nước mắt lăn dài trên má đám học trò tiễn đưa người ông, người cha, người thầy đáng kính.

"Là bầu trời xanh chim rộng cánh bay, là biển mênh mông cho buồm gió căng, là bài thơ hay em kính dâng tặng thầy. Mai này khôn lớn, mai này khôn lớn, em mãi nhớ về trường Lương Thế Vinh thân yêu", hàng nghìn học sinh một lần nữa hát vang bài ca truyền thống, chào vĩnh biệt.

Học sinh trường THPT dân lập Lương Thế Vinh đứng hai bên đường hát bài ca truyền thống chào vĩnh biệt thầy Văn Như Cương. Ảnh: Tiến Tuấn.

Con người tình nghĩa

“Nhận tin PGS Văn Như Cương mất từ khoa Toán - Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi rất sốc”, GS nữ đầu tiên của Việt Nam - TS Hoàng Xuân Sính (84 tuổi) - nghẹn ngào không nói nên lời.

PGS Văn Như Cương đã cùng GS Hoàng Xuân Sính biên soạn cuốn Đại số tuyến tính và hình học năm 1987. Cùng chung lý tưởng cải cách giáo dục, PGS Văn Như Cương thành lập trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam thời kỳ sau đổi mới, còn GS Hoàng Xuân Sính mở trường đại học dân lập đầu tiên: ĐH Thăng Long.

PGS Hoàng Xuân Sính kể câu chuyện thời đi dạy lương thấp, hàng ngày, bà phải dậy từ 4h sáng, đi bộ cả chục km mới tới lớp. PGS Văn Như Cương cũng từng tâm sự: "Hồi cấp ba, tôi chỉ có hai cái quần, một mới, một cũ. Cái quần mới thì đã cũ, quần cũ thì đã rách... Dù thế, cuộc đời học sinh vẫn rất vui tươi và đầy mộng ước".

Dòng người vào viếng PGS Văn Như Cương có bà Tú Vi, Thúy Lan, cùng những bạn bè đã ngoài 80 tuổi, tóc bạc trắng, lưng còng, chân chậm. Bà là bạn học của vợ PGS Văn Như Cương khi ở trường Trưng Vương, cũng là học trò của thầy.

Bà Vi kể thầy Cương sống rất tình nghĩa. Hơn 60 năm trôi qua, nhiều người có thể quên bạn cắp sách lúc thiếu thời, nhưng thầy thì không. Năm nào, thầy Cương cũng kết nối, mời mọi người gặp mặt và tổ chức liên hoan ở trường.

Năm ngoái, họ còn gặp nhau ở trường Lương Thế Vinh, cơ sở Tân Triều, kể chuyện thời 16, 17 tuổi. Năm nay chưa kịp gặp nhau, thầy đã đi mãi mãi.

Ông Hoàng Trần Thạch, 75 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội cựu giáo chức khoa Toán Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội, tâm sự PGS Văn Như Cương từng nhiều năm làm thư ký công đoàn, là người vui vẻ, cá tính.

“Thời ấy, điều kiện kinh tế khó khăn, giáo viên bị nợ lương triền miên từ tháng này qua tháng khác. Thầy Cương tổ chức cuộc họp và kiến nghị nếu tháng sau không có lương của tháng trước, chúng tôi sẽ không làm nữa. Sau đó, đời sống của anh em được đảm bảo”, ông Thạch kể lại.

Ký ức về PGS Văn Như Cương đối với những người tóc bạc là năm tháng chiến tranh, ĐH Sư phạm Vinh, Nghệ An, bị tàn phá. Giáo viên, học sinh phải sơ tán về những vùng quê khó khăn.

Bấy giờ, PGS Văn Như Cương vẫn cùng GS Đinh Thế Hào và các thầy cô tổ chức lớp về hình học, giải tích, xác suất. Các buổi học vẫn diễn ra hàng tuần, kể cả dưới hầm tránh bom.

Những giọt nước mắt tiễn đưa thầy Văn Như Cương. Ảnh: Tiến Tuấn.

'Thầy Cương ảnh hưởng lớn đến cuộc đời tôi'

Với thế hệ học trò của thầy Văn Như Cương, người lớn tuổi nhất năm nay đã gần 50, trẻ nhất mới 11 tuổi. Họ đều cảm nhận rõ khoảng trống mất mát mà thầy mình để lại.

Anh Nguyễn Hà Bình - học sinh trường Lương Thế Vinh khóa đầu tiên (1998-2001) - đến nhà tang lễ và chờ ở cổng trường Lương Thế Vinh để vĩnh biệt thầy giáo cũ.

“Chương trình của trường Lương Thế Vinh khi ấy bám sát khung của Bộ GD&ĐT và thầy Văn Như Cương luôn có những giáo trình để truyền cho các em đam mê, cách học sáng tạo, thay vì đọc chép. Thời gian sau đó, thầy thường xuyên có phát biểu liên quan cải cách giáo dục đầy tâm huyết. Thực chất, các cuộc cải cách của thầy đều được thực hiện từ ngôi trường Lương Thế Vinh và đạt kết quả trong nhiều năm”, anh Bình bày tỏ.

Chị Nguyễn Thị Thúy - học sinh trường Lương Thế Vinh khóa 1994-1997 - kể học sinh cũ từng được thầy dẫn về quê hương của nhà Toán học Lương Thế Vinh trong bài giảng về truyền thống, đó là kỷ niệm không bao giờ quên.

“Với tôi, thầy Cương có sức ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, nhân cách, cuộc đời sau này”, chị Thúy nói.

Ai sẽ cài áo cho mẹ trước khi tới trường?

Trong lời tiễn biệt bố, con gái trưởng Văn Liên Na nói sau hơn 3 năm chiến đấu với bệnh tật, PGS Văn Như Cương đã ra đi, là sự mất mát lớn không thể nào bù đắp.

Con gái cả đọc những câu thơ PGS Cương viết mừng thọ GS Nguyễn Phúc Hào tròn 70 tuổi:

"Trăm năm tính mãi cuộc vuông tròn
Để lại danh gì với nước non?
Chẳng thiết mưu danh cùng kiếm lợi
Không cần trát phấn với bôi son".

Với bà Văn Liên Na, cả cuộc đời cha mình đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, là người thầy trí tuệ, nhân cách lớn trong tình yêu thương học trò. Ông là người chồng tinh tế, người cha bao dung, người ông, người cụ đầy tình yêu thương.

“Bố ơi, từ nay ai sẽ cài áo mẹ mỗi sớm mai tới trường? Ai sẽ nắm tay dắt mẹ đi qua những khó khăn? Từ nay, chúng con trở về nhà, sẽ sà vào lòng ai? Các cháu, các cháu sẽ không còn ai để chào ông, chào cụ”, bà Liên Na bật khóc, nói.

Hát 'Bài học đầu tiên' tưởng nhớ PGS Văn Như Cương Trong giờ phút chia tay, học trò của PGS Văn Như Cương đồng thanh hát "Bài học đầu tiên" để tưởng nhớ công lao của người thầy đáng kính. Nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Quyên Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tieng-trong-truong-va-nuoc-mat-hoc-tro-tien-dua-thay-van-nhu-cuong-post786914.html