Tiếp bài 'cảng chui' và xe quá tải hoành hành ở Gia Lâm, Hà Nội: 'Con voi chui lọt lỗ kim' như thế nào?

Sau khi 'ăn hàng' ở bến Lời (Đặng Xá, Gia Lâm) những 'binh đoàn' xe tải đeo lô gô 'T' và 'HT' có dấu hiệu quá tải, lặc lè 'trườn qua' đê sông Đuống và vượt qua các 'chốt' của lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Gia Lâm và tỉnh Hưng Yên một cách dễ dàng. Người dân gọi đó là những chiếc 'xe vua'.

Theo người dân ở xã Đặng Xá, nhiều năm trở lại đây, khu vực bến Lời bỗng hoạt động như một cảng hàng hóa với nhiều tàu trọng tải lớn xuất hiện, kéo theo đó là những “binh đoàn” xe tải vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng liên tục quần thảo, hoành hành trên đê sông Đuống và đường giao thông liên xã không kể ngày hay đêm. Việc này đã khiến cuộc sống của người dân địa phương xáo trộn, bất an.

Đáng nói, hoạt động của “binh đoàn” xe tải này đã diễn ra nhiều năm nay và người dân đã có nhiều kiến nghị, phản ánh đến chính quyền địa phươn nhưng tình trạng không hề được cải thiện.

"Binh đoàn” xe tải có gắn lô gô "HT" đều có dấu hiệu chở quá tải và hoạt động theo kiểu “xe vua” bất chấp quy định của pháp luật.

Để làm rõ sự việc này, nhóm phóng viên đã nhiều ngày quan sát, đeo bám quá trình hoạt động của “binh đoàn” xe tải có gắn lô gô “HT”. Theo đó, đoàn xe tải hoạt động rầm rộ tại bến Lời (xã Đặng Xá, Gia Lâm) thuộc sở hữu của một doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đoàn xe “HT” có giờ hoạt động khá linh hoạt, tuy nhiên, lúc cao điểm, đoàn xe này liên tục chạy từ 9 giờ sáng cho đến đêm khuya.

Ước tính có khoảng 6 xe tải, loại xe sơ mi rơ-moóc 6 cầu trục thường xuyên tham xuất hiện tại bến Lời (xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) để “ăn hàng” chuyển về phố Nối (Hưng Yên).

Khu vực Dốc Lời (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm) đang trở thành một “bến cảng” tập kết, trung chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng

Sáng ngày 13/10, có mặt tại khu vực bến Lời thuộc xã Đặng Xá, phóng viên ghi nhận tại đây có gần chục chiếc sà lan chở đầy thép cuộn đang neo đậu gần đó chờ bốc hàng. Trên bến, mặc dù chỉ là bến thủy chủ yếu tập kết vật liệu xây dựng nhưng xuất hiện 1 chiếc cần cẩu lớn chuyên dụng để cẩu những cuộn thép có trọng lượng lên đến vài chục tấn. Dưới chân chiếc cần cẩu là những chiếc xe tải sơ mi rơ-moóc loại 6 cầu trục mang BKS: 89C-053.69; 89C-156.08; 89C- 07907,... đang chờ sẵn để bốc hàng.

Sau khoảng nửa tiếng, mỗi chiếc xe này được chất lên 3 cuộn thép tấm tròn có trọng lượng xấp xỉ 20 tấn/cuộn. Như vậy, tổng tải trọng cả hàng và xe xấp xỉ trăm tấn. Những cuộn thép này không được chằng buộc và che đậy theo quy định. Sau khi “ăn” hàng, đoàn xe này lừng lững tiến lên đê hữu sông Đuống. Sau đó, đoàn xe rẽ xuống đường Ỷ Lan và hướng ra QL 5 về Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên).

Không đầy 1 giờ có tới 8 lượt xe như trên ra vào bến Lời chở thép từ khu vực bến Lời đi về Hưng Yên.

Điều đáng nói, trên tuyến đê sông Đuống đi qua địa phận xã Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đặt biển hạn chế tải trọng là 10 tấn. Nếu chỉ tính riêng tải trọng các xe này đã vượt mức tải trọng cho phép, chưa kể mỗi xe còn "cõng" thêm khoảng 60 tấn thép.

Quá trình theo chân đoàn xe này, phóng viên nhận thấy đoàn xe trên không hề vấp phải sự kiểm tra, xử lý của bất kỳ lực lượng chức năng nào. Mặc dù hành trình của đoàn xe dài trên 30km đi qua địa bàn 2 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên; thậm chí khi đoàn xe ra đến quốc lộ 5 còn đi qua Trạm CSGT của Hà Nội và đặc biệt làm Trạm CSGT được đặt tại Km 30+500 QL5 Hưng Yên; nhưng đoàn xe di chuyển chỉ dừng “chào hỏi” trong chớp nhoáng và nhanh chóng rời đi. Với khoảng thời gian “chào hỏi” siêu tốc như vậy, có lẽ việc lập biên bản các xe vi phạm là điều không thể đối với lực lượng CSGT tại đây?

Theo người dân, gần đây, đoàn xe tải chở thép không chỉ chạy vào ban ngày mà còn chạy cả ban đêm, thậm chí chạy cả vào giờ cao điểm, giờ học sinh tan học...

Trong quá tình tìm hiểu, phóng viên đã làm quen và được một tài xế lái tên T* thường xuyên vào bến Lời để lấy bốc hàng, cho biết, theo yêu cầu của công ty, anh thường xuyên phải chở quá tải dù biết đi trên đê sông Đuống rất nguy hiểm. “Xe 17 tấn nhưng phải tận dụng chở khoảng 40 tấn, gấp hơn 2 lần tải trọng. Đưa lên bàn cân, thì xe này phạt 50 triệu đấy nhưng lo xong rồi”.

Để chứng minh điều vừa nói, anh T* cho chúng tôi đi chung xe và điều khiến chúng tôi khá bất ngờ là chiếc xe tải của anh T* dễ dàng “thông chốt” CSGT trên QL . Dù thời điểm chúng tôi đi qua QL5, một tổ công tác của CSGT đang làm nhiệm vụ, nhiều xe bị dừng kiểm tra, nhưng xe anh T* thì vẫn “bình an vô sự”.

Anh T* cho biết, để qua được chốt an toàn là do nhờ xe có lôgô ký hiệu ‘HT’. Đó là “bùa” hộ mệnh mà chủ doanh nghiệp đã trang bị cho anh, tránh tình trạng bị kiểm tra, xử lý khi thực hiện hành trình Gia Lâm – Hưng Yên.

Để làm làm rõ hoạt động của "binh đoàn" xe tải "HT" trên địa bàn huyện Gia Lâm, phóng viên đã phản ánh thông tin đến ông Trần Việt Hải - Đội trưởng Đội Tranh tra Giao thông huyện Gia Lâm (Hà Nội) nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.

Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc này...

Nhóm phóng viên

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/tiep-bai-cang-chui-va-xe-qua-tai-hoanh-hanh-o-gia-lam-ha-noi-con-voi-chui-lot-lo-kim-nhu-the-nao-6236/