Tiếp bài Cuộc chiến wolfram: UBND tỉnh Kon Tum lách luật?

TP - Những cảnh báo về đánh giá tác động môi trường bị bỏ qua trong việc cho phép thăm dò wolfram tại Vườn Quốc gia (VQG) Chư Mom Ray. Đồng thời, 198 ha rừng đặc dụng mà UBND tỉnh Kon Tum đề nghị các cơ quan chức năng xem xét cho phép thăm dò, khai thác wolfram có phải là chiêu lách luật?

>> Còn gì để dành >>Không thể và có thể >> Được cái này phải mất cái khác >> Cuộc chiến wolfram: Hệ sinh thái sẽ bị giết Ông Trần Thế Liên, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn - Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi UBND tỉnh Kon Tum đề nghị chuyển đổi hơn 1.686 ha rừng đặc dụng sang rừng sản xuất, trong đó chuyển 198 ha để thăm dò, khai thác khoáng sản, lãnh đạo bộ đã giao Cục Kiểm lâm và Cục Lâm nghiệp vào kiểm tra thực trạng để báo cáo. Theo Cục Kiểm lâm: “Khu vực dự kiến thăm dò, khai thác mỏ đá kim nằm trong Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray”. Cũng theo Cục Kiểm lâm việc này đòi hỏi phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác định rõ vị trí, ranh giới, quy mô dự án. Trong đó có các giải pháp an toàn về môi trường, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến môi trường; phương án tổ chức khai thác mỏ đá kim phải gắn với bảo tồn VQG. Cục Kiểm lâm cũng đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét, rà soát lại hiện trạng rừng khu vực dự kiến khai thác mỏ, nếu khu vực đó không đáp ứng các tiêu chí phân loại rừng đặc dụng thì báo cáo với Bộ NN&PTNT để nghiên cứu, góp ý thẩm định lại và trình Thủ tướng xem xét quyết định. Sau khi Chính phủ phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, UBND tỉnh phải chỉ đạo các ngành chức năng, chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tuy nhiên, theo ông Đào Xuân Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum (trả lời báo Tiền Phong, ngày 13-4), trong Giấy phép thăm dò wolfram Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN & MT), thì việc đánh giá tác động môi trường không được đặt ra. Tại Công văn số 2833/BNN-LN 15-10-2007, gửi UBND tỉnh Kon Tum, Bộ NNPT&NT khẳng định: Về phân cấp mức độ phòng hộ thì tiểu khu 663 chỉ có một khoảng đạt mức độ xung yếu, còn lại ở mức độ ít xung yếu; đồng thời tiểu khu 663 có trữ lượng wolfram khá lớn và đang bị khai thác trộm. Bộ NN&PTNT nhất trí với đề nghị của UBND tỉnh Kon Tum về việc chuyển 1.686 ha rừng đặc dụng tại tiểu khu 663 VQG Chư Mom Ray sang quy hoạch rừng sản xuất và đề nghị UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, trong văn bản này, những con số cụ thể về hiện trạng rừng (xung yếu, ít xung yếu) không được Bộ NN&PTNT nói rõ. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hà Công Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, về vấn đề này, phải lật lại hồ sơ, nghiên cứu kỹ mới có thể trả lời được. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, về quan điểm phải báo cáo Quốc hội theo Nghị quyết 66, là khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng trên 200 ha; tức là diện đó không còn là đất lâm nghiệp, không còn đất rừng nữa. Việc chuyển hơn 1.600 ha ở Chư Mom Ray không cần đến ý kiến của Quốc hội. Việc chuyển đổi từ rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, sản xuất, hoặc ngược lại đều theo cấp quyết định. Ở đây, quyết định có chuyển đổi VQG Chư Mom Ray hay không là do Chính phủ, như vậy là đúng thẩm quyền. Diện tích rừng mà UBND tỉnh Kon Tum đề nghị các cơ quan chức năng xem xét chuyển đổi để thăm dò, khai thác wolfram là 198 ha. Nếu theo cách hiểu của ông Tuấn, khi chuyển 200 ha rừng đặc dụng trở lên không còn đất rừng nữa mới trình Quốc hội, ở đây có phải là chiêu lách luật của UBND tỉnh Kon Tum? Mặt khác, ông Tuấn cho rằng, rừng đặc dụng có những quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn rừng sản xuất. Rừng sản xuất có thể được khai thác bền vừng, thậm chí những nơi rừng nghèo kiệt có thể cải tạo để trồng lại. Chính sách đối với rừng sản xuất cởi mở hơn vì rừng sản xuất là để kinh doanh. Tác động cho nó tốt lên thì có lợi, nhưng tác động, khai thác, tận thu quá mức thì rất bất lợi. Như vậy, việc cho phép chuyển 1.686 ha rừng đặc dụng sang rừng sản xuất, chẳng khác nào “cởi nút” cho doanh nghiệp vào rừng. Và khi hình thành công trường khai thác giữa VQG trù phú về đa dạng sinh học như Chư Mom Ray, liệu hệ sinh thái có còn cho mai sau? Nhiều diện tích rừng đặc dụng hiện nay đang được nhiều tỉnh đề nghị xem xét chuyển đổi sang rừng sản xuất. “Chúng tôi cũng nhận được nhiều đề nghị từ các địa phương cho chuyển loại rừng, mục đích sử dụng rừng. Nhưng không phải đề nghị nào chúng tôi cũng đồng ý; tất nhiên, nhiều cái, quyết định cuối cùng không phải là chúng tôi. Ở các VQG, khu bảo tồn là nơi có nhiều động thực vật quý, đồng thời có tiềm năng thủy điện, khoáng sản dưới rừng nên sức ép ghê gớm” - Ông Tuấn chia sẻ.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=191932&channelid=2