Tiếp bước trăm năm

Cải lương tròn trăm tuổi, 'Dạ cổ hoài lang' cũng đã một thế kỷ vấn vương, đờn ca tài tử còn dạn dày hơn thế. Trên mảnh đất Cầm Thi Giang hôm nay, các em thiếu nhi đang được trao truyền để vững vàng tiếp bước trăm năm.

Học sinh tìm hiểu các loại nhạc cụ trong đờn ca tài tử qua sự hướng dẫn của nghệ nhân.

Học sinh tìm hiểu các loại nhạc cụ trong đờn ca tài tử qua sự hướng dẫn của nghệ nhân.

Cầm tờ rơi giới thiệu về đờn ca tài tử, nhóm học sinh của Trường THCS Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) cứ nhẩm những “câu chữ lạ lùng”: “Xê cống hò cồng hò xự xang. Xự hò cống xê xang cống xê”. Em thì đoán đây là lời bài hát, em nói đó là bài ca, có em thì than sao khó đọc quá chừng, cứ “líu lưỡi”. Vậy rồi khi Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kiều Nga lý giải rằng đó là chữ đờn, là lòng bản - giống như nhạc phương Tây có 7 nốt Đô - Rê - Mi - Fa - Sol - La - Si, lòng bản có 5 nốt Hò - Xự - Xang - Xê - Cống, các em hiểu ra, tự tin cất giọng xướng âm theo bắt nhịp của cô. Sau một hồi xướng âm đã thuộc, các em ca bài ca có lời, đó là bài “Thu Hồ”, với mấy câu rất hay: “Mới đáng nên cháu con Tiên Rồng. Dùng tài đức vun bồi cho quốc gia”. Trong buổi sáng chào cờ, cả trường rần rần tiếng vỗ tay. Các em không nghĩ rằng, một sáng nọ mình bỗng trở thành “nghệ nhân tài tử”.

Tại 9 ngôi trường THCS khác của thành phố được chọn triển khai mô hình quảng bá, giới thiệu di sản đờn ca tài tử cũng có những giờ ngoại khóa đặc biệt như thế. Thầy cô là các nghệ nhân đờn mùi mẫn, ca ngọt lịm. Các em say sưa nghe NNƯT Kiều Nga diễn giải về lịch sử hình thành và phát triển đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ, về bài bản, nhịp phách… “Lần đầu em ca tài tử, rất là thú vị” - Bùi Huỳnh Thanh Ngân, học sinh Trường THCS Mỹ Khánh, chỉ kịp nói như thế rồi lại cúi xuống nhìn tờ giấy mà hát “cồng líu ú liu…”.

Mô hình quảng bá, giới thiệu di sản đờn ca tài tử trong trường học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ thực hiện. Vào giờ chào cờ đầu tuần, các em được các nghệ nhân kể về đờn ca tài tử, các bài bản, điệu thức và tập 1 bài ca. Chỉ vài mươi phút, khó có thể trao truyền hết cái đẹp của di sản trăm năm nhưng những đôi mắt say sưa, những giọng ca chập chững khi lần đầu chạm ngõ di sản, là ngọn gió mát lành để tiếng đờn, lời ca thổi về phía tương lai.

Các học sinh TP Cần Thơ tham gia chương trình “Sân khấu học đường” năm 2019 trình diễn trích đoạn cải lương “Nội tôi”.

Hôm chương trình diễn ra tại Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều), chúng tôi gặp lại những người quen. Đó là các “nghệ sĩ cải lương nhí” tham gia chương trình “Sân khấu học đường” hè vừa rồi. Trích đoạn cải lương “Nội tôi” do các em biểu diễn đến nay còn ấn tượng với nhiều người. Vậy mà hôm nay các cô chú nghệ nhân đến nói về đờn ca tài tử, cải lương, các em vẫn chăm chú nghe, chăm chú ca theo. Phạm Tuyên, học sinh từng tham gia “Sân khấu học đường” vẫn xướng âm lòng bản, dù em vừa mới vỡ giọng nên gặp khó ở những cao độ, luyến láy. Chẳng ngại ngùng, chẳng tính đến chuyện dở hay, “được ca là em thấy vui lắm” - Phạm Tuyên nói.

“Sân khấu học đường” và đưa di sản đờn ca vào trường học là hai mô hình bảo tồn và phát huy di sản được Cần Thơ thực hiện gần đây. Ban đầu, nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ không khỏi lo khi mà các em đa phần chưa từng xem một đoạn cải lương hoặc nghe một khúc nhạc tài tử, lại thêm thời gian tập luyện khá ngắn nên không dễ hình thành sở thích cho các em. Nhưng rồi “hữu xạ tự nhiên hương”, từ lạ lẫm, các em lại biết thương cung đàn điệu hát quê hương. NNƯT Thanh Tùng chia sẻ, khi dạy các em nhỏ hát, anh như thấy mình trẻ lại. Sự đam mê, hào hứng, nghiêm túc của tuổi măng non khi tiếp nhận di sản khiến anh xúc động và nguyện hết sức trao truyền.

Qua mỗi ngôi trường mà chương trình quảng bá di sản đờn ca được thực hiện, chúng tôi thấy hình ảnh những người thầy, người cô mỉm cười thích thú nhìn học trò ca tài tử, bởi di sản đờn ca đến với học trò một cách nhẹ nhàng và đáng yêu như thế. Thầy Hồ Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Khánh (huyện Phong Điền), nói: “Nhiều khi tiếp cận quá nhiều phương tiện giải trí, các em không chú ý đến âm nhạc dân tộc. Việc đưa di sản đờn ca vào trường học thật ý nghĩa, để các em hiểu và gìn giữ văn hóa của cha ông”.

Học thì mới hiểu, hiểu để rồi yêu thương, trân quý và tự hào về âm nhạc truyền thống. Trăm năm trước, tiền nhân gầy dựng di sản đờn ca như một cội rễ vững chắc để qua từng bước vinh thăng, di sản ấy lại thêm hoa thơm trái ngọt. Người Cần Thơ hôm nay tiếp bước trăm năm, vun bồi cội rễ đờn ca thêm tốt cành, xanh lá.

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/tiep-buoc-tram-nam-a117583.html