Tiếp cận rượu bia tại Việt Nam dễ nhất thế giới

Trong khi ở một số nước người dân muốn mua đồ uống có cồn phải mua theo khung giờ nhất định thì tại Việt Nam mọi người có thể mua được loại đồ uống này ở bất cứ đâu, bất cứ giờ nào và số lượng không hề bị hạn chế. Việt Nam được đánh giá là sẵn có rượu bia và dễ tiếp cận nhất thế giới.

Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 do Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thực hiện cho thấy: Tỷ lệ uống rượu bia ở vị thành niên, thanh niên là 79,9% ở nam và 36,5% ở nữ; có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần.

Đồng thời, tỷ lệ uống ở mức nguy hại tăng nhanh. Năm 2010 có 25,1% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại. Đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên gấp gần 2 lần (44,2%).

Trong khi đó, thị trường sản xuất, tiêu thụ rượu bia kiểm soát lỏng lẻo, thiếu đồng bộ, nội dung chế tài thiếu cụ thể, không được thiết kế chặt chẽ và có hệ thống khoa học… Rượu bia ở Việt Nam sẵn có và dễ tiếp cận nhất thế giới. Sản phẩm rượu bia luôn sẵn có, đủ dạng mặt hàng, giá cả, nguồn gốc sản xuất trong nước, nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch,, xách tay.

Bất cứ địa điểm, cơ sở nào cũng sẵn có rượu, bia để bán cho người dân từ các quán rượu, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, khách sạn, cửa hàng giải khát, kinh doanh ăn uống, quán nước vỉa hè… thậm chí tại căng-tin của cơ quan, doanh nghiệp cũng có bán rượu, bia.

Đồng thời, thời gian bán, số lượng rượu bán để uống tại chỗ không bị hạn chế. Trẻ em mua và uống rượu bia vẫn diến ra và người bán không có biện pháp để cảnh báo hoặc từ chối bán trong các trường hợp này.

Dẫn chứng cho nhận định này, tại Hội thảo “Rượu bia, nghèo khổ và Quỹ nâng cao sức khỏe” do Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs) phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tổ chức ngày 29-8, ông Trịnh Đức Sỹ, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam chia sẻ: Theo tổng hợp của Trung tâm y tế xã, cả xã Thanh Hải có khoảng 100 cửa hàng bán lẻ tạp hóa, kinh doanh ăn uống thì 100% các cửa hàng này đều có kinh doanh mặt hàng rượu bia. Đã kinh doanh thì phải bán bất kể trẻ em, người lớn, người già đều có thể mua rượu bia bất cứ thời gian nào trong ngày.

Độ tuổi uống rượu tại Việt Nam đang dần trẻ hóa

Hậu quả của uống rượu, bia gây hậu quả như tai nạn giao thông, chửi mắng vợ con, đập phá tài sản gây mất an ninh trật tự thôn xóm, thiệt hại về kinh tế của gia đình-đặc biệt là tổn hại về sức khỏe. Ông Sỹ dẫn chứng: Qua theo dõi và tình hình thực tế hội cựu chiến binh xã Thanh Hải những năm gần đây nổi lên vấn đề mỗi năm hội có khoảng 14-15 đồng chí cựu chiến binh qua đời. Số các đồng chí cao tuổi không nói, số hội viên ở độ tuổi trên 50 hoặc ngoài 60 có tới 80% tiền sử uống nhiều rượu bia. Năm 2016 có 4 trường hợp, năm 2017 có 5 trường hợp, năm 2018 có 5 trường hợp.

Chung nhận định này, bác sỹ Đinh Hồng Tảo, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho rằng: Ở xã Thanh Hải tình hình sử dụng rượu bia nhiều và được bán tới tận thôn xóm, ở tất cả các hàng quán lớn nhỏ, nhiều hộ gia đình tự sản xuất nấu rượu thủ công để bán cung cấp cho cộng đồng. Do đó việc sử dụng rượu bia rất dễ tìm dễ mua phần nào đã tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường uống rượu bia phát triển. Từ mức độ sử dụng rượu bia ra tăng nó cũng làm tăng mức độ ảnh hưởng bệnh tật và xã hội khác.

“Tôi đã trực tiếp khám và tư vấn cho 3 bệnh nhân bị mắc bệnh xơ gan do uống nhiều Rượu bia, có gia đình đã nhờ tôi nhiều lần tư vấn góp ý để cho bệnh nhân hạn chế và thôi uống. Trước mặt tôi hứa bỏ mỗi lần hứa được 2-3 hôm xong lại uống tiếp gia đình nói không được nên bệnh ngày càng nặng dẫn đến tử vong. Một trường hợp khác nghe lời khuyên của tôi đã hạn chế uống và kiên trì thì bệnh ổn định nay đỡ vẫn tham gia lao động nhẹ được”, bác sỹ Tảo chia sẻ.

Theo bác sỹ Tảo, việc phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia chưa mang tính hệ thống, chưa đồng bộ, còn chồng chéo, giữa các ngành và cấp. Như trong lĩnh vực ATTP từ huyện trở lên có phân rõ ngành nào quản lý mặt hàng nào, nhưng ở xã không có cán bộ chuyên trách mà cũng không có quy định phân theo ngành mà ngành y tế chịu trách nhiệm tất cả và tham mưu cho UBND xã. Trạm Y tế chỉ là cơ quan tham mưu giúp việc cho Ban chỉ đạo, việc kiểm tra cũng chỉ mang tính chất đôn đốc, tuyên truyền nhắc nhở là chính…

Đồng thời, cán bộ chuyên trách để đảm nhiệm lĩnh vực ATTP và rượu bia không có mà chỉ là kiêm nhiệm học hỏi không bài bản về công tác quản lý ATTP. Bên cạnh đó, chưa có nguồn kinh phí để chi cho các hoạt động cấp cơ sở các xã rất khó khăn cho công tác thực thi về việc phòng, chống tác hại của rượu bia nói riêng và trong lĩnh vực ATTP nói chung.

Để tạo điều kiện cho tuyến xã thực hiện tốt công tác ATTP nói chung, công tác phòng, chống tác hại của rượu bia nói riêng thì tuyến xã rất cần các cơ quan ban hành khung pháp lý cụ thể hóa, chuyên môn hóa ví như phân ra y tế tuyến xã chỉ đảm nhiệm lĩnh vực nào trong công tác VSATTP quyền hạn và trách nhiệm đến đâu. Hàng năm phải có phân bổ kinh phí cho các hoạt động VSATTP trong đó có phòng, chống tác hại rượu bia…, bác sỹ Tảo đề xuất.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/tiep-can-ruou-bia-tai-viet-nam-de-nhat-the-gioi-121427.html