Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa

Hòa vào bối cảnh toàn cầu hóa, chuyên ngành nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học đang có hướng đi đầy triển vọng là tiếp cận tác phẩm từ góc nhìn văn hóa.

Ngày nay, văn hóa học thiên về đối thoại, mà cơ sở đối thoại là hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng sự khác, biết lắng nghe. Đây cũng có thể coi là nội dung của khoan dung văn hóa (tólerance). Vì thế mà tiếp cận văn học từ văn hóa thật cũng không đơn giản.

Cuốn sách mới của tác giả trẻ Xuân Hùng đi theo hướng tiếp cận này mang đến những tín hiệu hứa hẹn-tập tiểu luận phê bình có tên "Chạm". Tập sách chia làm 4 phần với những cái tên khá gợi: "Chúng tôi-Những người chiến sĩ"; "Muôn màu cuộc sống"; "Nốt trầm văn hóa miền sơn cước"; "Ngẫm và chạm"... Phần thứ nhất phân tích tác phẩm từ góc nhìn văn hóa, rõ hơn là đứng trên lập trường người lính cầm súng bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ lẽ phải, như các cuộc kháng chiến trước đây chống ngoại xâm của dân tộc ta. Lúc này, người lính cầm súng chống lại kẻ thù là hành vi đích thực văn hóa. Có một mẫu số chung cho mọi nền văn hóa là khái niệm “ứng xử văn hóa” hầu như được hiểu thống nhất "mà trong lẽ phải có người có ta” ("Truyện Kiều"), biết mình biết người, hiểu và tôn trọng lợi ích, không làm tổn hại người khác. Các phép ứng xử đều vươn tới khoan dung, thấu hiểu để thấu cảm, để những trái tim được hiểu gần gũi, chia sẻ với những trái tim. Vì lẽ này, văn chương luôn cần thiết ở bất cứ đâu. Tập sách giúp ta thấy phần nào điều đó. Tác giả tri âm với tập truyện ngắn "Biển khóc" của Lê Mạnh Thường để cùng nhắc mọi người có một ứng xử văn hóa với biển, đảo-một phần máu thịt trên cơ thể Tổ quốc. Tác giả muốn đi sâu vào cái lõi văn hóa của thơ Nguyễn Hồng Minh, của truyện ngắn Lê Văn Vọng, Nguyễn Hiền Lương, Phạm Minh Hà… là muốn đi tìm một phép ứng xử văn hóa của con người hôm nay với chiến tranh hôm qua, mà cụ thể là với những người đã từng đi qua đạn lửa, đã từng hy sinh phần đời đẹp nhất, đã từng gửi lại một phần cơ thể trên chiến trường. Tập sách muốn đặt đúng vị trí văn hóa phải có của tiểu thuyết "Làng Ba Họ" của Hoàng Giá vì ở đó đã kết tinh vẻ đẹp văn hóa chiến tranh nhân dân thời đương đại cùng với văn hóa truyền thống quá khứ để tạo ra những mẫu hình văn hóa mang bản sắc riêng, vừa vang vọng âm hưởng sử thi, vừa mang chiều sâu nhân bản có tính giáo dục cao.

Tác giả tập sách thể hiện tâm huyết và theo góc nhìn riêng đã đi giải mã văn hóa ở một số tác phẩm để đưa ra những cảm nhận khá tinh tế, thú vị. Anh đọc "Chín vía" của Nguyễn Thị Ngọc Hà và cho rằng ý nghĩa tác phẩm: “Chạm vào hồn vía của xã hội quan liêu hơn là chạm vào hồn vía của thế giới tâm linh”. Anh tri âm cùng "Những âm thanh đồng vọng" và "Văn hóa Việt cổ" của Hà Nguyên Huyến: “Một con người được sinh ra và nuôi dưỡng bởi không gian văn hóa cổ… suốt cuộc đời bằng lòng trân trọng quê hương đã lặn lội tìm tòi, nghĩ suy, trăn trở về tinh hoa văn hóa độc đáo của làng mình”. Ứng xử văn hóa cũng là chia sẻ, đồng vọng. Tác giả dường như ngẩn ngơ tiếc cùng Trần Văn Lợi trong "Mùa hoa xoan tím" về những điều đã đi qua trong những năm tháng tuổi thơ; cùng Ngô Bá Hòa thả hồn về miền quá khứ neo vào mùi thơm trên cánh đồng cỏ úa ngày xưa...

Trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt, đối thoại cũng là giãi bày, trao gửi suy nghĩ riêng, ý kiến riêng của cá nhân mình. Xuân Hùng có những ý kiến riêng đáng suy ngẫm khi nồng nhiệt ủng hộ những cây bút trẻ, nhất là người lính viết về người lính như: Ngô Tiến Mạnh, Lê Mạnh Thường, Minh Hương... Anh nhiệt thành và hy vọng vào những gương mặt mới như H’Siêu, H’PhiLa (Tây Nguyên); Hạnh Trần (Hòa Bình); Tống Ngọc Hân (Lào Cai); Nông Quang Khiêm (Yên Bái), Chu Thị Minh Huệ (Hà Giang)… Phần lớn trong số họ là người dân tộc thiểu số nhưng sớm có năng khiếu và hứa hẹn những cá tính sáng tạo mới. Hình như tác giả muốn khẳng định một nguyên lý, không phải để răn dạy mà đưa ra một bài học: Nhà văn, nhất là nhà văn trẻ cũng như cây xanh vậy, phải cắm sâu rễ vào mảnh đất văn hóa dân tộc mình để hút dưỡng chất từ truyền thống, phải vươn cao lá cành quang hợp ánh sáng lý tưởng, trí tuệ từ bầu trời văn hóa nhân loại thì mới có thể nở hoa và kết trái tác phẩm có ích cho đời.

Cuốn sách khép lại một cách rất logic với nội dung là câu chuyện về chữ "Tâm" trong văn chương “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” chưa bao giờ cũ. Vì văn chương là tiếng nói của trái tim. Đến với trái tim tốt nhất là bằng trái tim. Tập sách này cũng là tiếng nói của một trái tim. Một trái tim của người lính trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Một trái tim đầy sức trẻ, đang độ khỏe và nồng nàn ấm nóng!

NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tiep-can-van-hoc-tu-goc-nhin-van-hoa-557986