Tiếp lực cho doanh nghiệp tư nhân

Khu vực kinh tế tư nhân đã, đang ngày càng thể hiện rõ vai trò trong nền kinh tế nước ta, hướng tới trở thành 'một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa' như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TƯ, ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có thêm hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Riêng 9 tháng năm 2019, cả nước có thêm hơn 102.000 doanh nghiệp tư nhân thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 1.290 nghìn tỷ đồng, tăng 34% về vốn so với cùng kỳ năm 2018. Mỗi năm cũng có hàng chục nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Với sự phát triển đó, khối kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 40% GDP, thu hút tới 85% lực lượng lao động, huy động đáng kể nguồn lực và góp phần bảo đảm an sinh xã hội...

Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, theo đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới thì Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã vươn lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong bối cảnh thế giới bất ổn, đây là thành công lớn và đội ngũ doanh nhân có đóng góp quan trọng.

Thành tích, đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân là không thể phủ nhận. Nhưng, như Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, kết quả đó có được là nhờ Đảng, Chính phủ đã luôn trăn trở cùng doanh nghiệp, đã có những nỗ lực toàn diện tạo hệ sinh thái và môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ doanh nghiệp mà người dân và cộng đồng quốc tế cũng đã khẳng định, thừa nhận những nỗ lực, ý chí quyết tâm, quyết làm, gỡ bỏ những “rào cản” về cơ chế, chính sách của cả hệ thống chính trị qua việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân và đòi hỏi từ hội nhập kinh tế quốc tế. Hàng loạt “giấy phép con” đã liên tục được các bộ, ngành, địa phương cắt bỏ; cơ chế “một cửa” ASEAN, cơ chế “một cửa” quốc gia và tạo thuận lợi thương mại được đẩy mạnh, mở ra cơ hội đáng kể cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh… Điều đó cũng giúp Việt Nam đứng thứ 8 trong nhóm 20 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư năm 2019 theo công bố của U.S. News&World Report.

Hiệu quả từ cải cách chính sách, thủ tục hành chính là rất rõ, nhưng trên thực tế, đâu đó vẫn còn những lời phàn nàn của doanh nghiệp và người dân đối với các cơ quan quản lý, về cơ chế, chính sách chưa sát với thực tế, cản trở phát triển sản xuất, kinh doanh; rào cản, vướng mắc trong cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ kịp thời. Với việc ký kết, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bên cạnh cơ hội là không ít khó khăn, thách thức đang chờ đợi, nhất là với doanh nghiệp trên tiến trình vươn ra biển lớn. Mặt khác, khi cơ chế, cách thức quản lý chưa hiệu quả cũng là cơ hội để số doanh nghiệp hoạt động thiếu ổn định, chộp giật, thậm chí lừa đảo,… vẫn tồn tại, làm ảnh hưởng tới cộng đồng doanh nghiệp chân chính…

Trong bối cảnh đó và trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu kịp thời phản ánh từ thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11-10-2019 phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, 6 nhóm giải pháp cụ thể đã được đề ra gồm: Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm bảo đảm duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững của doanh nghiệp khu vực tư nhân; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp khu vực tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân một cách hiệu quả. Cũng tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan cụ thể hóa các nhóm giải pháp.

Thực hiện tốt, hiệu quả 6 nhóm giải pháp trên, chắc chắn sẽ tiếp thêm nguồn lực giúp doanh nghiệp tự tin vươn ra biển lớn. Đây thực sự là tin mừng với các doanh nghiệp nhưng cũng đặt trên vai các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trách nhiệm nặng nề, đặc biệt là trong thực hiện nhóm giải pháp thứ nhất. Sẽ không thể có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nếu các cơ quan gác cửa không tinh thông, am tường kiến thức lĩnh vực phụ trách để có thể hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, đúng luật pháp cả trong nước và quốc tế. Sẽ không thể có môi trường thuận lợi nếu cơ quan gác cửa bảo thủ, trì trệ, kém năng động, chậm tiến hơn doanh nghiệp. Sẽ không thể có môi trường kinh doanh thuận lợi nếu còn sự bất bình đẳng trong đối xử, tiếp cận chính sách giữa doanh nghiệp nhà nước - tư nhân...

Doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể được tiếp lực thực sự khi 6 giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra được thực thi đồng bộ, hiệu quả. Trọng trách đang trên vai các cơ quan chức năng và chính quyền mỗi địa phương.

Anh Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suy-ngam/948949/tiep-luc-cho-doanh-nghiep-tu-nhan