Tiếp nhận người từ vùng dịch về quê: Các địa phương phải cùng ngồi lại với nhau

Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, các địa phương không nên có tâm lý chỉ biết mình an toàn chống dịch mà cần ngồi lại với nhau để cùng giải quyết.

Giữa thời điểm dịch COVID-19 ở các tỉnh phía Nam vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều lao động nghèo từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… ùn ùn trở về quê hương tránh dịch. Trong khi đó, các địa phương tỏ ra thiếu thống nhất trong việc tiếp nhận công dân từ vùng dịch phía Nam trở về.

Tiếp nhận người về từ vùng dịch

Tại chương trình bình luận trực tiếp với chủ đề “Hồi hương mùa dịch: Đường về nhà sao quá gian nan” do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đây là tình huống chưa bao giờ có trong lịch sử nước ta. Tuy nhiên, so với thế giới thì Việt Nam vẫn đang may mắn, thuận lợi hơn.

Ông nhấn mạnh: “Trong bối cảnh này, các địa phương cần thay đổi tư duy chống dịch cục bộ và chia cắt. Bất kỳ nơi nào trên đất nước Việt Nam còn dịch nghĩa là chúng ta còn dịch bệnh. Do đó, không nên có tâm lý chỉ biết địa phương mình an toàn chống dịch mà không quan tâm, tiếp nhận hỗ trợ địa phương khác”.

Cần xác định rõ, những người xa quê hương đi kiếm sống cũng vẫn là một phần của các địa phương đó. Việc phối hợp giữa các địa phương có công dân đang lao động tại các tỉnh đang giãn cách ở khu vực phía Nam lúc này là rất cần thiết.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Để phối hợp hiệu quả việc tiếp nhận người dân trở về quê hương, ông Hiểu cho rằng, các địa phương cần một lượng lớn các cơ sở y tế, khu cách ly. Tuy nhiên, nhiều địa phương, đặc biệt khu vực Tây Nguyên điều kiện kinh tế còn nghèo. Do đó, đây sẽ là bài toán quan trọng, có thể đưa vào các chương trình nghị sự trong chống dịch COVID-19. Nó không còn là vấn đề đơn lẻ giữa các địa phương với nhau mà cần sự thống nhất và chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo Trung ương.

Trên cương vị vừa là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vừa là Đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông Hiểu cho biết, trong số người dân hồi hương, người lao động, công nhân chiếm số lượng lớn, đây là các đối tượng dễ bị tổn thương. Do đó, ông sẽ kiến nghị để Chính phủ quan tâm hơn về vấn đề hồi hương an toàn thời gian tới.

Đồng thời, từ câu chuyện của TP.HCM và các tỉnh phía Nam, chúng ta rút ra bài học về vấn đề di chuyển của người lao động, nhân dân trong bối cảnh dịch bùng phát như hiện nay.

Cần có quy định, chỉ đạo chung từ Chính phủ để giải quyết vấn đề này. Trên cơ sở định hướng đó, các địa phương sẽ cùng ngồi lại với nhau để tìm hướng đi.

Ông Hiểu lấy ví dụ, Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Bên cạnh các quận huyện có dịch, nhiều nơi vẫn đang an toàn, chưa có dịch bệnh lây lan.

Khi những người ở nơi an toàn đó muốn trở về quê hương thì phải làm sao? Do đó, cần khu biệt từng khu vực, từng đối tượng để đánh giá mức độ nguy cơ lây nhiễm đối tượng. Căn cứ vào đó, các địa phương tính toán đến việc hỗ trợ người lao động trở về địa phương.

Nếu ai an toàn thì chỉ cần xét nghiệm và tự cách ly, còn ai có nguy cơ cao khi về địa phương cần bắt buộc cách ly, theo dõi. Đó cũng là giải pháp để các địa phương không quá áp lực.

Hỗ trợ người lao động

Về việc hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, từ ngày 19/5 khi tình hình dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh phức tạp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành quy định hỗ trợ các đối tượng lao động F0, F1, F2, người đang trong khu vực bị phong tỏa không thể tham gia sản xuất.

Trong đó, F0 được hỗ trợ 3 triệu đồng, các đối tượng khác hỗ trợ 500.000 đồng và các nguồn lực xã hội hóa. Nhờ đó mà hàng trăm nghìn công nhân ở hai tỉnh trên vượt qua đợt dịch lớn.

Chốt kiểm soát việc di chuyển của người dân.

Tương tự, với các tỉnh phía Nam, Tổng Liên đoàn đang triển khai hai gói hỗ trợ lớn tập trung vào các khoản tiền và nhu yếu phẩm. Vì thế, người lao động, công nhân có thể yên tâm ở lại TP.HCM và các nơi đang thực hiện giãn cách.

Ông Hiểu lưu ý, nếu người lao động muốn trở về quê hương, thì nên cân nhắc tới trường hợp sau khi trở lại làm việc sẽ đối diện nguy cơ cao mất việc. Bởi vì khi dịch bớt “nóng”, doanh nghiệp đi vào hoạt động, nếu không có đủ lao động thì họ sẽ tuyển người mới.

Để việc hỗ trợ người lao động đạt hiệu quả cao hơn nữa thời gian tới, ông Hiểu cho rằng, cần sự phối hợp và vào cuộc của các địa phương cùng đảm bảo hậu cần cho người lao động. Đồng thời, lúc này rất cần phát huy tinh thần đùm bọc của hội đồng hương, nguồn lực xã hội hóa và sự phối hợp với chính quyền địa phương.

Nếu chúng ta chỉ tính đến chuyện “mớ rau con cá”, địa phương nào hỗ trợ người của địa phương đó thì không thể đảm bảo tính kịp thời. Sẽ rất khó kiểm đếm chính xác số lượng người lao động đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong thời gian ngắn, kịp thời hỗ trợ trong đợt dịch. Do đó rất cần các địa phương cùng chung tay tăng nguồn lực cho TP.HCM giải quyết bài toán nội tại trước”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Đồng thời, cũng cần thêm những hướng dẫn y tế của các cơ quan chuyên môn đến với người dân hơn nữa, nhất là trong việc tự cách ly của F1, F0 thể nhẹ tại nhà, giảm tải gánh nặng cho các bệnh viện, đơn vị điều trị COVID-19.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tiep-nhan-nguoi-tu-vung-dich-ve-que-cac-dia-phuong-phai-cung-ngoi-lai-voi-nhau-ar628183.html