Tiếp nhận thơ Xuân Quỳnh qua diễn ngôn mới

Ngày 22/10, hội thảo 'Xuân Quỳnh - Một cách nhìn khác' được tổ chức tại Bảo tàng Văn học Việt Nam với sự tham gia của nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu... Hội thảo mong muốn khởi xướng một cách đọc khác, một cách nhìn khác với nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988), từ đó tạo tiền đề cho các diễn ngôn mới xuất hiện.

Xuân Quỳnh trở thành nữ văn sĩ đầu tiên của Việt Nam được Google vinh danh (năm 2019).

Xuân Quỳnh trở thành nữ văn sĩ đầu tiên của Việt Nam được Google vinh danh (năm 2019).

Đóng góp cho hội thảo có những tham luận đến từ các nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng như: Lại Nguyên Ân, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, PGS.TS Lưu Khánh Thơ, TS Hồ Khánh Vân, TS Hà Thanh Vân... Một số tham luận được trình bày tại hội thảo đã chỉ ra các cách tiếp cận thơ Xuân Quỳnh theo các góc nhìn mới: từ tiểu sử văn học, góc độ giới, tâm lý học, lý thuyết giới,... đến so sánh liên hệ với nữ nhà thơ Marina Tsvetaeva, nàng Kiều cùng nhiều khía cạnh khác. Mỗi nghiên cứu là một hướng nhìn mới để độc giả có một cách đọc mới khi tiếp nhận thơ Xuân Quỳnh, cảm nhận những vần thơ một cách khách quan hơn.

TS Hồ Khánh Vân (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM) trong tham luận “Đọc lại tính nữ (femininity) trong thơ Xuân Quỳnh: Ai khiến Quỳnh nữ tính? (Một bổ khuyết vào hành trình tiếp nhận thơ Xuân Quỳnh từ góc nhìn của lý thuyết giới)” đã dựa trên khái niệm của lý thuyết giới và phê bình nữ quyền để đặt tính nữ và tính nam trong một hệ nhị giới. “Nhà thơ Xuân Quỳnh thể hiện nữ quyền theo kiểu nửa bước, điều đó không có nghĩa là bà lạc hậu, tụt lùi hay tân tiến mà đó là cách lựa chọn biểu đạt của bà. Chúng ta cần chú ý đến tính cá nhân của chủ thể sáng tạo trong đặc trưng riêng biệt của cá nhân đó”, TS Hồ Khánh Vân phân tích.

Chia sau khi nghe bản tham luận của TS Hồ Khánh Vân, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - Trưởng ban tổ chức sự kiện cho rằng đây là một trong những bài tham luận gần nhất với mục đích của hội thảo. “Về bản chất tôi cho rằng cách đọc, cách hiểu, cách nhìn của diễn ngôn truyền thống đối với Xuân Quỳnh là đã tạo ra hình ảnh có thể không sai nhưng chưa đủ tính công bằng đối với thi sĩ. Tôi cho rằng cách đọc lại và đọc khác, phá vỡ khuôn mẫu, định kiến về giới sẽ có ích không chỉ cho trường hợp mình nhìn vào nhà thơ Xuân Quỳnh. Điều đó còn có ích cho những người đọc cũng như nhà nghiên cứu trong việc nhìn vào di sản của tất cả các nhà văn nhà thơ mà không có phân biệt nhà thơ nam hay nữ”, nữ đạo diễn nói.

Cũng tại hội thảo, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân đưa ra cách tiếp cận về góc nhìn “Bản “tiểu sử văn học” tự khai của nhà thơ Xuân Quỳnh”. Ông cho rằng muốn nhìn nhận và đánh giá về sự nghiệp của một nhà văn, nhà thơ trước hết cần tiếp cận các tài liệu tự thuật của họ, các tài liệu càng gần gũi, càng gắn với tác giả bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Đây cũng là một cách tiếp cận hữu dụng mà cực kỳ hữu ích trong việc tiếp cận nghiên cứu sự nghiệp của bất kỳ nhà văn, nhà thơ nào.

Chia sẻ về cảm nhận khi tham gia buổi hội thảo, ông Lưu Tuấn Anh - con trai nhà thơ Xuân Quỳnh tâm sự: “Tôi rất mừng vì những giá trị về thơ văn mà mẹ tôi đã tạo ra trước đây dường như vẫn có ích cho những thế hệ độc giả hôm nay. Tôi rất thích tinh thần của hội thảo khi đưa ra những góc nhìn mới về mẹ tôi, tôi cho rằng các góc nhìn mà các diễn giả, các nhà nghiên cứu đưa ra rất thú vị như phân tích nữ tính của mẹ trong thơ ca đặt trong phạm vi nữ quyền, rộng và bao quát hơn rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn có thêm nhiều thời gian để đối thoại giữa khán giả và các nhà nghiên cứu. Không nên chỉ để các nhà nghiên cứu nói về thơ Xuân Quỳnh vì cái quan trọng thơ của mẹ tôi bây giờ làm được gì cho thế hệ trẻ hôm nay, những người trẻ mới bắt đầu hành trình tạo ra giá trị sống thì hãy để họ nói và họ đưa ra cách nhìn của họ. Họ không phải là nhà nghiên cứu nên cảm nhận mà họ đưa ra sẽ thú vị hơn so với góc nhìn học thuật và góc nhìn của xã hội. Tôi nghĩ chúng ta cần một sự giao hòa của các thế hệ thì mới thật sự có được những cái mới”.

Hội thảo “Xuân Quỳnh - Một cách nhìn khác” như một chỉ dẫn mang tính khơi gợi về một cách đọc khác trước di sản thi ca của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Bạn đọc không nên chỉ nhìn theo một chiều hướng của nhà thơ trữ tình, lãng mạn, bởi trong thơ Xuân Quỳnh còn chất chứa nhiều điều hơn thế…

PHẠM NGỌC HÀ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tiep-nhan-tho-xuan-quynh-qua-dien-ngon-moi-5700092.html