Tiếp nối 'đại chiến taxi' sẽ là 'đại chiến' xe ôm?

'Đại chiến' taxi chưa có hồi kết nhưng một cuộc 'đại chiến' khác có lẽ cũng sắp cận kề: 'Đại chiến' xe ôm. Hai cuộc 'đại chiến' này có sự khác nhau: 'Đại chiến' taxi là cuộc đối đầu giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ; còn 'đại chiến' xe ôm là giữa các thương hiệu xe ôm công nghệ với nhau.

"Chiếc bánh" thị trường xe ôm công nghệ đâu có nhỏ

Nếu ai đó nghĩ rằng giá trị thị trường xe ôm là không đáng kể thì đã nhầm. Trên thực tế, dịch vụ xe ôm có mặt ở khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước nhưng chưa có thống kê khả dĩ nào về tổng doanh thu hàng tháng, hàng năm của nó.

Nhưng có thể lấy một tham chiếu từ xe ôm công nghệ GrabBike hoặc UberMOTO, sẽ thấy được phần nào tiềm năng của "chiếc bánh" thị trường này.

GrabBike hiện được cho rằng có từ 40.000-50.000tài xế ở hai đầu Hà Nội và TP.HCM. Nếu chỉ lấy mức doanh thu của mỗi bác tài bình quân 100.000 đồng/ngày, thì tổng doanh thu khả thi của chỉ riêng thương hiệu này đã có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm.

Đó là chưa kể UberMOTO. Và trên thực tế thời gian qua, từ ngày xe ôm công nghệ ra đời, với các tài xế phục vụ chu đáo, lịch sự, giá cả cũng phải chăng chứ không chặt chém, thậm chí còn biết bắt chuyện, ứng xử khéo léo… thì thị trường xe ôm này không chỉ lấy dần thị phần của xe ôm truyền thống, mà còn lấy cả thị phần của taxi. Và quan trọng hơn, xe ôm công nghệ đã góp phần thúc đẩy nhu cầu, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, cho nên nhiều người đã chọn đi xe ôm công nghệ vừa lịch sự, vừa rẻ và linh hoạt, kịp giờ giấc.

Tham chiếu từ GrabBike, nếu dịch vụ xe ôm công nghệ được triển khai rộng trên cả nước, sẽ thay thế dần xe ôm truyền thống, và thậm chí dịch vụ này còn kiêm luôn công việc giao/chuyển hàng nội tỉnh, nội thị, thì "chiếc bánh" thị trường xe ôm công nghệ có thể lên đến vài ngàn tỉ đồng mỗi năm. Và tính bình quân mức chiết khấu các công ty vận hành ứng dụng đặt xe ôm công nghệ lấy của tài xế là 20%, thì mức thu nhập của họ cũng có thể lên đến hàng trăm hoặc cả ngàn tỉ đồng mỗi năm trong tương lai.

Hiện nay, thị trường xe ôm công nghệ gặp ít cạnh tranh và dễ thở hơn mảng taxi. Bởi vì xe ôm công nghệ lấy thị phần của xe ôm truyền thống, rải rác có sự va chạm hay hành hung tại các bến xe, song không có hiệp hội hay tổ chức nào của xe ôm truyền thống đứng ra kiến nghị hay vận động gây cản trở xe ôm công nghệ. Hay nói chính xác hơn, xe ôm truyền thống là nghề tự phát cá nhân chứ chưa hình thành nhóm lợi ích. Vì thế, xe ôm công nghệ không bị "điều tiếng" là cạnh tranh không lành mạnh, trong khi "chiếc bánh" thị trường lại có tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn.

"Đại chiến" xe ôm công nghệ sắp bắt đầu?

"Nhóm lửa" cho cuộc "đại chiến" xe ôm công nghệ sắp tới có lẽ là sự tham gia của công ty taxi Mai Linh, chính thức cung cấp dịch vụ taxi công nghệ có tên gọi MaiLinh Bike từ hôm nay, 20/11/2017. Theo thông tin từ công ty này, chỉ sau một thời gian ngắn mở đăng kí tham gia cho các tài xế, đã có đến hơn 30.000 xe ôm tham gia mạng lưới MaiLinh Bike.

Bước đầu, MaiLinh Bike áp dụng chính sách chiết khấu 0% đối với tài xế trong 2 tháng đầu, sau đó nâng lên mức chiết khấu 15%, nghĩa là vẫn thấp hơn GrabBike (20%) và UberMOTO (25%). Bước đi này cho thấy Mai Linh quyết huy động một lượng tài xế đông đảo ở các thành phố lớn để trước là cùng chia "miếng bánh" thị phần xe ôm công nghệ với Grab và Uber, sau là có thể cạnh tranh trên một mặt trận dàn rộng từ lĩnh vực taxi sang cả xe ôm, "gây khó" lại cho hai thương hiệu đến từ nước ngoài.

Nếu chỉ xét riêng mảng xe ôm, thì MaiLinh Bike là "lính mới" so với GrabBike và UberMOTO, vì thế bước đầu tất yếu sẽ gặp những khó khăn nhất định trong cạnh tranh. Tuy nhiên, thương hiệu Mai Linh cũng có thể hỗ trợ được ở mức nhất định cho ngành dịch vụ mới của công ty này. Bởi dù sao thì, Mai Linh cũng đã là một tên tuổi lớn trong làng taxi truyền thống, và thương hiệu của họ đã được người tiêu dùng biết đến lâu nay với uy tín và cách quản lí khá nghiêm khắc.

Vấn đề là, ngoài các chính sách ưu đãi để thu hút tài xế, thì MaiLinh Bike còn có được những chiêu độc nào để hấp dẫn người tiêu dùng cũng như quảng bá dịch vụ đến rộng rãi khách hàng? Giá cước có thể được sử dụng như một chiêu thức để cạnh tranh nhưng rõ ràng khó có thể "trấn áp" nổi núi tiền của Uber và đặc biệt là Grab hiện nay.

Trong khi các hãng taxi truyền thống đang gặp lao đao vì taxi công nghệ, thì việc mở ra thêm dịch vụ xe ôm công nghệ có thể giúp họ tăng nguồn thu bổ sung một cách tích cực cho sự sụt giảm doanh thu của mảng taxi. Và trên thực tế, nếu làm tốt dịch vụ mới, thì thu nhập mang lại cho các hãng taxi truyền thống cũng không phải là nhỏ. Ở một góc nhìn khác, đó là Mai Linh mở ra thêm một "mặt trận" để đối đầu với Grab và Uber trên thị trường, không để cho Grab và Uber dễ dàng có được "khẩu phần sư tử" như thời gian qua nữa.

Song điều quan trọng hơn, là trong cuộc "đại chiến" xe ôm công nghệ sắp tới sẽ không chỉ có mỗi MaiLinh Bike. Mà từ MaiLinh Bike, có thể dẫn dụ thêm nhiều hãng taxi truyền thống lớn khác tham gia với lợi thế đã có sẵn thương hiệu, nghiệp vụ điều hành cũng như kinh nghiệm trên thương trường, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ…

Thẩm Hồng Thụy

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/goc-nhin-vnreview/-/view_content/content/2330754/tiep-noi-dai-chien-taxi-se-la-dai-chien-xe-om