Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hải quân Nhân dân Việt Nam

Những chiến công của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Những người chiến sỹ của Hải quân Nhân dân Việt Nam sẵn sàng tư thế chiến đấu tại Đảo Len Đao trong mọi thời điểm. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Những người chiến sỹ của Hải quân Nhân dân Việt Nam sẵn sàng tư thế chiến đấu tại Đảo Len Đao trong mọi thời điểm. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Cách đây 68 năm, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày nay.

Sự kiện này đánh dấu một mốc son quan trọng trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, mở đầu cho thời kỳ xây dựng và phát triển của Quân chủng Hải quân anh hùng.

Từ năm 1955 đến năm 1975 đánh dấu bước phát triển của Hải quân Nhân dân Việt Nam cả về quy mô tổ chức và sức mạnh chiến đấu, là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, chiến đấu trên chiến trường sông, biển, hải đảo của Tổ quốc; thể hiện ý chí làm chủ, giành quyền làm chủ vùng biển của Tổ quốc cũng như khai thông luồng lạch, góp phần bảo đảm giao thông thông suốt, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Những chiến công của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử dân tộc, lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Đó là chiến thắng trận đầu ngày 2/8 và ngày 5/8/1964; chiến thắng vang dội của lực lượng đặc công hải quân trên chiến trường sông, biển; chiến công của những con tàu không số làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển...

Với những chiến công đó, bộ đội Hải quân xứng đáng với thư khen của Bác Hồ: “Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, tích cực tiêu diệt địch, bắn rơi máy bay, đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.”

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang Quân khu 5 “Thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ” tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

Sau năm 1975, khí phách anh hùng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc lại được cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam tô thắm.

64 liệt sỹ đã nằm lại rạn đá Gạc Ma trong sự kiện Trường Sa 1988. Các anh đã kê cao thêm nền Tổ quốc giữa đại dương bao la, để biển, đảo Việt Nam một màu xanh bất tử. Sự hy sinh cao cả vì Tổ quốc của cán bộ, chiến sỹ Hải quân đã tạo nên khí phách Trường Sa. Đó là lòng yêu nước, trí tuệ con người Việt Nam; truyền thống nhân nghĩa, hữu nghị; mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Quân chủng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.”

Quân chủng Hải quân được Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên phát triển nhanh về tổ chức biên chế, mạnh về vũ khí trang bị, tàu thuyền.

Cùng với phát triển lực lượng, đóng quân trên các địa bàn trọng điểm, cửa ngõ của đất nước, Hải quân Nhân dân Việt Nam được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, thế hệ mới.

Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong bối cảnh hiện nay đang đặt ra nhiều thử thách, phức tạp và yêu cầu ngày càng cao. Do đó, nhiệm vụ của Quân chủng Hải quân cũng ngày càng nặng nề, khó khăn hơn.

Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, sự động viên to lớn của các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; với bản lĩnh, kinh nghiệm, truyền thống đoàn kết, trí tuệ, sáng tạo, đổi mới, phát triển; phát huy truyền thống 68 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành nên từng cán bộ, chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam luôn nêu cao cảnh giác cách mạng, thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu kịp thời, chính xác cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về những chủ trương, chính sách, giải pháp xử lý có liên quan đến tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên hướng biển.

Mới đây, Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, đã nhấn mạnh Bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là ý chí, nguyện vọng, tình cảm và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt. Xác định rõ trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang này, kế thừa truyền thống lịch sử của Quân đội, Quân chủng Hải quân anh hùng, những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Quân chủng Hải quân luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo Chuẩn Đô đốc Trần Thanh Nghiêm, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, Quân chủng tập trung thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, giải pháp.

Tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về mọi mặt, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu.

Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm để Quân chủng luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Quân chủng cũng thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Các chiến sỹ của Hải quân Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Quân chủng cũng đang đẩy mạnh xây dựng, phát triển lực lượng hải quân gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững mạnh.

Trong đó, lực lượng hải quân đẩy mạnh rà soát, kiện toàn tổ chức, biên chế các lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh,” đồng bộ về con người, vũ khí, trang bị kỹ thuật và cơ sở bảo đảm.

Quân chủng tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động nhằm nâng cao khả năng tuần tra, kiểm soát, quản lý vùng biển trong thời bình và phòng thủ, chi viện, tác chiến bảo vệ biển, đảo trong điều kiện chiến tranh xảy ra.

Quân chủng cũng chú trọng kiện toàn tổ chức, lực lượng hậu cần hải quân gắn với xây dựng tiềm lực hậu cần nhân dân, hậu cần khu vực phòng thủ ven biển nghiên cứu đổi mới phương thức, nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật cho các lực lượng, nhất là lực lượng hoạt động dài ngày trên biển, lực lượng được trang bị hiện đại.

Quân chủng phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của các cấp, ngành và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Quân chủng phối hợp với các địa phương xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ biển vững mạnh, có phương án sẵn sàng động viên, huy động các lực lượng này tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tạo điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” trên biển ngày càng vững chắc./.

Những chiến sỹ Hải quân chiến thắng trong trận đánh đuổi tàu khu trục Maddox ngày 2/8/1964 được tặng Bằng khen của Quân chủng Hải quân. 58 năm đã trôi qua, bài học về chiến thắng trận đầu đã truyền lửa cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân, là biểu tượng của bản lĩnh, ý chí, trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam "dám đánh, biết đánh và đánh thắng", bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Đoàn Tý/TTXVN)

Tàu khu trục Maddox của Mỹ xâm phạm vùng biển của Việt Nam ngày 2/8/1964. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát)

Báo vụ viên Lại Văn Tùng, chiến sỹ thuộc hạm thuyền A, phân đội X Hải quân trong trận đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Mỹ ngày 2/8/1964 đã nhận và chuyển chính xác các mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên tới đơn vị chiến đấu. (Ảnh: Đoàn Tý/TTXVN)

Lực lượng Công binh hải quân bám biển, nghiên cứu tìm phương pháp rà phá, tháo gỡ thủy lôi, bom từ trường, khai thông luồng lạch trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc. (Ảnh: TTXVN)

Với tinh thần cảnh giác và quyết tâm đánh thắng, trong trận đầu ra quân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân quy mô lớn của Mỹ ra miền Bắc, Hải đội 111, Vùng 1 Duyên hải đã giáng cho không quân Mỹ những đòn nặng nề. (Ảnh: Nguyễn Thụ/TTXVN)

Bộ đội ta bên xác máy bay phản lực A4D, do Trung úy Hải quân Mỹ Everett Alvarez lái, bị bắn hạ tại thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh) ngày 5/8/1964. (Ảnh: TTXVN)

Trong kháng chiến chống Mỹ, thực hiện “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu”, những con tàu “Không số” của Hải quân nhân dân Việt Nam đã xuyên qua bão dông, vượt qua bao cuộc vây ráp của kẻ thù, chuyên chở hàng vạn tấn vũ khí, trang thiết bị và hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường lớn miền Nam, tạo nên huyền thoại “đường mòn Hồ Chí Minh” trên Biển Đông. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Lực lượng Hải quân đánh bộ hiệp đồng đổ bộ với nhiều lực lượng trong chiến dịch đổ bộ Tà Lơn, tiến đánh giải phóng cảng Kampong Som và cảng Ream, mở đầu cho công cuộc giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Pol Pot, tháng 1/1979. (Ảnh: TTXVN)

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đoàn 125 thành lập biên đội gồm 3 tàu để chở lực lượng đặc công hải quân ra giải phóng hầu hết các đảo trong quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Lữ đoàn 125 Hải quân bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ được chủ quyền tài nguyên và các trạm dịch vụ khoa học, kinh tế phía Nam quần đảo. (Ảnh: Tứ Hải/TTXVN)

Chiến sỹ Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 luyện tập đột nhập đánh chiếm mục tiêu giả định trong điều kiện đêm tối. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đặc công hải quân thường xuyên huấn luyện thể lực, rèn luyện sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai trên sông, trên biển; kết hợp huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, ý thức chấp hành mệnh lệnh, kỷ luật chiến trường. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Lực lượng Hải quân đánh bộ phối hợp hiệp đồng đổ bộ tấn công cùng lực lượng xe tăng. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiến sỹ mới thực hiện nghi thức hôn lá Quân kỳ trong buổi lễ tuyên thệ chiến sỹ mới của Vùng 2 Hải quân. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Đặc công hải quân huấn luyện sát thực tế chiến trường, vừa huấn luyện, vừa kiểm nghiệm, bổ sung phương án tác chiến. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Hải quân đánh bộ - lực lượng tác chiến đặc biệt tinh nhuệ luôn phát huy truyền thống anh hùng, ngày đêm luyện tập, sử dụng thành thạo nhiều loại trang bị, vũ khí mới, nâng cao sức mạnh chiến đấu và hiệp đồng, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiến sỹ Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 luyện tập đổ bộ đánh chiếm mục tiêu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Đặc công hải quân thường xuyên huấn luyện thể lực, rèn luyện sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai trên sông, trên biển; kết hợp huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, ý thức chấp hành mệnh lệnh, kỷ luật chiến trường. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiến sỹ Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chiến sỹ Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân luyện tập vòng quay nhằm làm quen với điều kiện sóng gió ngoài biển và làm việc trong cabin kín. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiến sỹ đảo chìm Thuyền Chài (huyện đảo Trường Sa) tập luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Lực lượng Hải quân đánh bộ huấn luyện hiệp đồng đổ bộ lên đảo. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Hoạt động huấn luyện, bắn đạn thật trên biển của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. (Ảnh: TTXVN)

Sự ra đời của Lữ đoàn Tàu ngầm 189 đã tăng cường sức mạnh của Hải quân Việt Nam, góp phần xây dựng lực lượng quân đội Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức tự vệ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Toàn bộ 6 chiếc tàu ngầm hiện đại lớp Kilo 636 được đưa vào đội hình chiến đấu của Lữ đoàn Tàu ngầm 189, sẵn sàng tham gia các phương án tác chiến cao nhất; kịp thời đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Cán bộ, chiến sỹ Hải quân vùng 4 chào tạm biệt đất liền lên đường nhận nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ tham gia duyệt binh hạm đội trên biển với sự hiện diện của 27 tàu thuộc các lực lượng trên biển của Malaysia và 15 tàu khác đến từ các nước trong và ngoài khu vực, ngày 27/3/2019. (Ảnh: TTXVN)

Hoạt động huấn luyện, bắn đạn thật trên biển của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. (Ảnh: TTXVN)

Cán bộ chiến sỹ Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây tuần tra, theo dõi mục tiêu trên biển. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tiep-noi-truyen-thong-ve-vang-cua-hai-quan-nhan-dan-viet-nam/861135.vnp