Tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ bán hàng đa kênh

Lần đầu tiên 12 doanh nghiệp là các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ nền tảng cho bán lẻ trực tuyến cùng bắt tay tiếp sức cho các thương hiệu Việt dịch chuyển lên môi trường bán hàng đa kênh, đồng thời tìm kiếm cơ hội thúc đẩy doanh số.

Thương mại điện tử trên di động là xu thế của kinh doanh bán lẻ hiện đại. Ảnh: Tuyết Ân

Liên kết tiếp sức doanh nghiệp nhỏ

Chương trình "21 tỷ hỗ trợ 700 doanh nghiệp Việt" được iFind khởi xướng (https://ifind.vn/21ty). iFind là mô hình phát hành giftcode, e-voucher cung cấp bằng ứng dụng điện tử để khách hàng trực tiếp giao dịch với nhà bán lẻ thông qua mã giao dịch thay cho voucher truyền thống.

Mô hình này như một cầu nối để các nhà bán hàng tiếp cận điểm bán, website bán trực tuyến hoặc ứng dụng riêng của chính nhà bán lẻ.

Bà Trương Tố Linh - CEO của iFind chia sẻ, việc khởi xướng chương trình và liên kết với nhiều đối tác nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà bán lẻ Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ, giúp họ bắt kịp xu hướng kinh doanh đa kênh và bán lẻ hiện đại của thế giới.

Chương trình dành riêng cho các sản phẩm thương hiệu Việt, theo đó mỗi gói hỗ trợ trị giá 30 triệu đồng, bao gồm quyền lợi truyền thông trên các kênh kỹ thuật số, truyền thông tại điểm bán và hỗ trợ từ các đối tác như công cụ marketing, phần mềm quản lý bán hàng, tiếp thị số, chăm sóc khách hàng, phát nhạc bản quyền. "Bằng chương trình hỗ trợ rất thực tế này, chúng tôi mang lại hàng ngàn lượt sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho các nhà bán lẻ ngay khi họ tham gia", bà Linh cho biết.

Thông qua mạng liên kết này, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ dịch vụ chia sẻ của đối tác tham gia từ nền tảng, kiến thức bán hàng, marketing, xây dựng website, ứng dụng phần mềm quản lý để dịch chuyển sang môi trường bán hàng đa kênh thuận lợi hơn.

Chẳng hạn Haravan tham gia 700 gói miễn phí/năm cho giải pháp Harapage (công cụ quản lý bán hàng trên Facebook/Zalo) cùng 700 voucher giảm 50% cho các giải pháp xây dựng website thương mại điện tử hoặc bán hàng đa kênh của Haravan.

S-Wifi, Nextify cung cấp dịch vụ quảng cáo email marketing, iPOS, KiotViet hỗ trợ gói ứng dụng phần mềm quản lý bán hàng, Chili.vn với dịch vụ thiết kế website bán hàng, ODS miễn phí 3 tháng và giảm 30% tất cả gói dịch vụ email doanh nghiệp, Lala cung ứng gói giao hàng miễn phí 3 tháng và gói phí đặc biệt cho giai đoạn kế tiếp.

Tiền đề cho chuyển đổi số

Theo ông Liêu Hưng Tiến - Giám đốc Kinh doanh Haravan, thị trường bán lẻ Việt Nam có quy mô đến 180 tỷ USD. Tuy nhiên, kênh thương mại điện tử mới chiếm khoảng 4%, trong khi những doanh nghiệp lớn có lợi thế tổ chức kênh riêng thì nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ hay nhà bán hàng nhỏ lẻ thường ôm hết các dịch vụ khiến chi phí tăng và lãng phí nguồn lực.

Họ gặp thách thức từ quảng cáo, tiếp thị, giao nhận, thanh toán cho đến quản lý đơn hàng, tồn kho. Vấn đề là giúp họ am hiểu lợi thế của kênh kinh doanh số bằng các giải pháp chia sẻ được nguồn lực, tự động hóa tiếp thị, bán hàng, giảm chi phí. Khi nhận thấy lợi ích, họ sẽ chuyển đổi số và mở rộng bán hàng đa kênh.

Câu hỏi đặt ra là việc nâng cao năng lực cạnh tranh trực tuyến liệu có quá sức doanh nghiệp vừa và nhỏ? Theo bà Linh, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường và liên tục mở rộng quy mô với cách bán hàng chuyên nghiệp và bài bản đang dần lấn át những nhà bán lẻ Việt Nam.

Đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ không chỉ khó khăn về mặt bằng hay vận hành mà còn thiếu kinh nghiệm về tiếp thị và bán hàng trên các kênh kỹ thuật số và di động. "Thông qua gói hỗ trợ này, chúng tôi kỳ vọng chứng minh được giải pháp, ứng dụng hiệu quả do doanh nghiệp Việt cung cấp để giúp nhà bán lẻ giải quyết bài toán kinh doanh của họ”, bà Linh nói.

Báo cáo mới nhất của Iprice cho thấy, lượt truy cập di động tại Việt Nam trong năm qua tăng 19%, chiếm 72% tổng lượt truy cập các trang thương mại điện tử. Thống kê hơn 33.000 website khách hàng của Sapo Web cũng chỉ rõ, có tới 60% truy cập từ thiết bị di động, tăng 5% so với năm trước.

Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đổi trung bình trên PC cao gấp 1,7 lần trên thiết bị di động, giá trị giỏ hàng dựa trên tỷ lệ chuyển đổi cho thấy các đơn hàng trên PC có giá trị cao hơn trên di động với mức chênh lệch từ 8 - 20%.

Theo ông Trần Trọng Tuyến - CEO của nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo.vn, doanh nghiệp hiện nay đều biết việc khách hàng mua hàng qua di động đã trở nên phổ biến nhưng chưa nhiều người biết cách tối ưu hóa để tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng đến mức cao nhất.

Điều đó cho thấy họ chưa thực sự hiểu đúng và làm chuẩn trong phân khúc bán hàng trên di động, đánh mất doanh thu do chưa chú trọng hoặc chưa biết cách cải thiện tốt hơn trải nghiệm mua sắm và tối ưu chuyển đổi trên di động.

Còn bà Trương Tố Linh thì cho rằng, xu hướng kinh doanh bán lẻ đang dần cá nhân hóa, thông tin sẽ tập trung vào nơi gần nhất với nhu cầu của từng khách hàng. Việc áp dụng nền tảng công nghệ số và trên môi trường di động là cách tiếp cận để thấu hiểu người dùng, các công cụ sẽ giúp doanh nghiệp đo lường hiệu quả kinh doanh, theo đó tinh chỉnh để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho từng người dùng. Trên cơ sở đó đưa ra giải pháp quảng bá hiệu quả, dẫn khách hàng đến điểm bán với chi phí thấp.

Việc khai thác tối đa kênh bán hàng trực tiếp lên môi trường trực tuyến (O2O) tạo sự năng động trong các phương thức tiếp thị và bán hàng để doanh nghiệp nhỏ dần nâng cao sức cạnh tranh trong xu thế kinh doanh thương mại trên di động (m-commerce).

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/chuyen-lam-an/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-nho-ban-hang-da-kenh-1086760.html