Tiếp sức cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn phát triển

Xây dựng mối liên kết, xúc tiến thương mại,… đây là 2 trong nhiều giải pháp để hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khu vực phía Bắc phát triển.

Nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đã được triển khai

Khu vực phía Bắc nước ta gồm 28 tỉnh, thành phố; phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Đây là khu vực có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước, địa hình đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy phát triển khá đồng bộ và liên tục được đầu tư mới, nâng cấp phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Hội trợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía bắc tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa

Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Bộ Công Thương; Thành ủy/Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đơn vị; sự chủ động, nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp, hoạt động công nghiệp, thương mại khu vực phía Bắc đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Trong đó, phải kể đến công tác triển khai các hoạt động khuyến công, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.

Năm 2023, tổng kinh phí khuyến công của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 176,4 tỷ đồng, đạt 94,6% so với kế hoạch năm (186,5 tỷ đồng). Từ nguồn kinh phía này, nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đã được triển khai. Cụ thể, đã hỗ trợ xây dựng 11 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 399 cơ sở ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; 34 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ tư vấn, đánh giá, áp dụng sản xuất sạch hơn.

Bên cạnh đó, đã hỗ trợ 2.451 gian hàng tiêu chuẩn cho 1.038 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ bình chọn 342 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp cho 239 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn; 15 cơ sở công nghiệp nông thôn được được hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và 14 cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn;...

Đồng thời, các địa phương đã hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn, công tác truyền thông; hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công và các hoạt động khuyến công khác;…

Tiếp tục trợ lực doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn phục hồi và phát triển sản xuất

Theo các chuyên gia, 6 tháng cuối năm 2024, nền kinh tế trong nước được nhận định vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư,...

Để vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội để nâng cao chất lượng chính sách, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở trong đầu tư phát triển sản xuất; góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng tăng trưởng, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, ngày 16/5/2024, Sở Công Thương thành phố Hà Nội phối hợp Cục Công Thương địa phương tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII.

Hội nghị với sự tham dự của khoảng 550 đại biểu đến từ các Cục, Vụ Bộ Công Thương; đại diện các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; các hội, hiệp hội ngành nghề; doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ; các nghệ nhân, thợ giỏi ngành thủ công mỹ nghệ... của Thành phố Hà Nội và khu vực phía Bắc, các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ cùng nhau đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác khuyến công, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết hợp tác bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, đề ra các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khuyến công tại các địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đánh giá thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực khuyến công, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong các làng nghề tại địa phương; Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung… cho phù hợp. Đánh giá lại mô hình tổ chức bộ máy khuyến công các tỉnh, thành phố để đề xuất, các cơ quan có thẩm quyền ban hành thống nhất thực hiện trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Công thương địa phương – Bộ Công Thương tổ chức Hội chợ Triển lãm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc – Hà Nội, năm 2024 từ 16 - 19/5/2024 (4 ngày) tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng Quốc gia; Số 01 Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo đó, với quy mô 250 gian hàng đến từ trên 40 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia, Hội chợ quy tụ các sản phẩm tinh hoa về công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh trong khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ. Các sản phẩm tham gia Hội chợ triển lãm sẽ bao gồm: Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong và ngoài khu vực; sản phẩm công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, công nghiệp chế biến, chế tạo, tư liệu sản xuất; hàng tiêu dùng và thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề; nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, thiết bị máy móc, điện tử và công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, ngân hàng... Các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho các doanh nghiệp/cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất và kết nối tiêu thụ.

Các sản phẩm trưng bày, giới thiệu và kinh doanh tại Hội chợ sẽ phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã đúng theo tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ các quy định theo Luật Thương mại.

Trong khuôn khổ của hội chợ sẽ diễn ra Lễ tôn vinh và giao Giấy chứng nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024. Trong những năm qua, công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã thu được nhiều kết quả tích cực.

Với quyết tâm phục hồi và phát triển sản xuất công nghiệp tại khu vực nông thôn, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, việc tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII và Hội chợ Triển lãm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc – Hà Nội năm 2024 sẽ tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư phát triển sản xuất; mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương; góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tiep-suc-cho-doanh-nghiep-san-pham-cong-nghiep-nong-thon-phat-trien-319865.html