'Tiếp sức' cho hộ mới thoát nghèo

Một trong các chương trình tín dụng ưu đãi có ý nghĩa lớn đang được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bảo Thắng triển khai là hỗ trợ vay vốn đối với hộ mới thoát nghèo. Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã kịp thời 'tiếp sức' cho hàng nghìn hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện có cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, chống tái nghèo.

Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bảo Thắng hướng dẫn hộ dân sử dụng vốn vay hiệu quả.

Gia đình anh Phạm Văn Miên, xã Gia Phú là hộ mới thoát nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội. Trước đây, gia đình anh được vay vốn từ chương trình hộ nghèo để phát triển sản xuất. Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Năm 2020, gia đình anh đã thoát nghèo và tiếp tục được vay ưu đãi 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo. Sau hơn 2 năm, anh đã xây dựng cho gia đình mô hình kinh tế hiệu quả.

Trong ngôi nhà vừa được xây dựng khang trang, anh Miên cho biết: Nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội, gia đình tôi có thêm điều kiện mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống phát triển chăn nuôi. Hiện mỗi năm, gia đình nuôi hơn 4 nghìn con gà thịt, 600 con ngan, vịt và 70 con lợn thịt, đem lại nguồn thu gần 200 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Nguyên, xã Xuân Giao là một trong những hộ mới thoát nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Không giấu được niềm vui, chị Nguyên tâm sự: Tôi được vay 50 triệu đồng từ chương trình vốn vay hộ cận nghèo năm 2016 để đầu tư chăn nuôi gia súc, năm 2019 thoát nghèo, trả nợ đến hạn theo quy định. Tuy nhiên, trong lòng luôn lo sợ vì trả nợ xong, nguồn vốn tái sản xuất chẳng còn là bao, nếu không may gặp rủi ro trong chăn nuôi rất dễ bị tái nghèo. Đúng lúc đó, tôi được bình xét vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 100 triệu đồng. Có vốn, tôi cải tạo chuồng trại, mua thêm bò, lợn về chăn nuôi. Nhận thấy hiệu quả từ cây thanh long, gia đình tôi đã chuyển đổi 0,2 ha đất vườn đồi để trồng loại cây này. Với mô hình kinh tế tổng hợp, chăn nuôi, kết hợp trồng rừng, cây ăn quả, đem lại cho gia đình thu nhập ổn định trên 160 triệu đồng mỗi năm.

Những năm qua, chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ có điều kiện sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra tình trạng chỉ sau một thời gian thoát nghèo, không ít hộ lâm vào tình cảnh khó khăn và tái nghèo.

Trước thực trạng trên, từ năm 2015, chương trình cho vay vốn hộ mới thoát nghèo được triển khai thực hiện (theo Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Đối tượng được vay vốn là những hộ đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định, với mức cho vay 50 triệu đồng/hộ. Từ năm 2019, chương trình này được nâng mức cho vay lên 100 triệu đồng/hộ với mức lãi suất 8,25%/năm, không phải bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay do ngân hàng và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 10 năm. Chương trình là một trong những giải pháp để giảm nghèo bền vững vì hầu hết những hộ mới thoát nghèo, điều kiện kinh tế tuy đã khá hơn trước nhưng thiếu ổn định, dễ rơi vào tình trạng tái nghèo.

Để thực hiện hiệu quả chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bảo Thắng đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn quy trình, thủ tục cho vay nhằm đảm bảo tổ chức bình xét cho vay đúng đối tượng, việc lập hồ sơ vay vốn kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát phương án sản xuất, kinh doanh, giúp người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Tính đến hết năm 2021, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện đạt hơn 74 tỷ đồng (chiếm 13,4% tổng dư nợ các chương trình vay), với 1.225 hộ khách hàng vay. So với các đối tượng vay là hộ nghèo, cận nghèo thì các hộ mới thoát nghèo có khả năng quản lý và sử dụng đồng vốn vay tốt hơn, vì vậy, không có trường hợp nào nợ xấu. Nguồn vốn này đã kịp thời “tiếp sức” cho các hộ mới thoát nghèo tiếp tục có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững.

Bà Đỗ Thị Hường, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bảo Thắng khẳng định: Nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các hộ. Việc cho hộ mới thoát nghèo vay vốn đã mang lại cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng cho nhiều hộ trên địa bàn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352729-tiep-suc-cho-ho-moi-thoat-ngheo