Tiếp sức cho hợp tác xã nông nghiệp

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn hạn chế về vốn, tài sản, trình độ quản lý nên gặp khó khăn về việc áp dụng máy móc, tiến bộ khoa học kĩ thuật. Để HTX hoạt động hiệu quả, ngoài việc cần nguồn vốn, các chính sách hỗ trợ và còn cần sự tham gia của doanh nghiệp.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết: Vào năm 2016, toàn vùng ĐBSCL có 1.251 HTX nông nghiệp nhưng đến hết năm 2022 thì tăng lên 2.615 HTX nông nghiệp và 20 Liên hiệp HTX nông nghiệp (chiếm 13,4% tổng số HTX nông nghiệp toàn quốc). ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển nhưng là vùng có số lượng HTX nông nghiệp bình quân/tỉnh ít (194 HTX nông nghiệp/tỉnh), chỉ hơn vùng Đông Nam Bộ (bình quân 120 HTX/tỉnh), còn lại đều thấp hơn so với các vùng khác của cả nước.

HTX là nền tảng sản xuất lớn để giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân.

HTX là nền tảng sản xuất lớn để giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân.

Hiện cả nước có 3,78 triệu thành viên tham gia HTX nông nghiệp, bình quân mỗi HTX có 174 thành viên. Kiên Giang có 512 HTX và 2.168 tổ hợp tác nhiều nhất trong khu vực, với 97.333 người tham gia vào 2 mô hình kinh tế hợp tác này. Có 14 HTX là chủ thể tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt từ 3-4 sao, có hơn 150 HTX liên kết với doanh nghiệp (DN) tiêu thụ nông sản, 156 HTX được cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời có hơn 10.500 lao động tham gia vào HTX với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

"Qua đánh giá của tỉnh vào năm 2022 thì chỉ có 41% HTX hoạt động khá tốt, 30% là trung bình, còn hơn 9,8% HTX hoạt động yếu kém cần tính toán sáp nhập hoặc giải thể, đây là một trăn trở của địa phương. Với quy mô HTX đông nhưng tổng số vốn chỉ 143 tỷ đồng, bình quân mỗi HTX chỉ có 320 triệu đồng nên rất khó nâng cao chất lượng dịch vụ…", ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, nhìn nhận.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, qua nhiều năm thực hiện kinh tế tập thể cho thấy HTX hạn chế năng lực về vốn, quản lý, tiếp cận thị trường, hoạt động chưa phong phú và chưa hiệu quả. "Qua tìm hiểu một số HTX thành công trên cả nước, tôi thấy những HTX này đều có gắn với DN. DN tham gia liên kết chặt, góp vốn, điều hành và tham gia trong cả chuỗi sản phẩm của HTX. Nhiều HTX không có sự tham gia của DN một phần do góp vốn ban đầu lớn, cũng có thể từ phía HTX mà chúng ta chưa mổ xẻ, điều này cho thấy liên kết không chặt chẽ. Chính sách cho HTX rất nhiều nhưng dàn trải, manh mún, khó khả thi", ông Trần Anh Thư đánh giá.

Đại diện HTX Trái cây sinh học OCOP (Hậu Giang) cho biết, HTX bao tiêu cho khoảng 400 nông dân nhưng chỉ có khoảng 200 nông dân góp vốn. Bên cạnh đó, ngân hàng cho vay hạn chế trong khi HTX muốn tăng quy mô phải cần vốn lớn.

Ông Nguyễn Hữu Tho, Phó giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng HTX hoặc Liên hiệp HTX là nền tảng giúp đơn vị này sản xuất lớn để giảm chi phí, tăng thu nhập cho người nông dân. Nhưng việc người nông dân không hợp tác với nhau để tham gia mô hình cánh đồng lớn, cùng trồng, cùng mua và cùng bán đã tạo ra sự manh mún, không có kế hoạch dài hạn, gây ra hao hụt và lãng phí trong toàn bộ quá trình sản xuất.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, mạnh hay yếu, bền vững hay không bền vững sẽ không chỉ giới hạn trong không gian thành viên HTX mà còn tác động đến sự bền vững của cả không gian sản xuất nông nghiệp, hình ảnh một nền nông nghiệp, thương hiệu nông sản. Khi có HTX bền vững thì mới có thể vượt qua thực trạng một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát; giúp hướng đến nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; mới có mối liên kết bền chặt với doanh nghiệp trên tinh thần hài hòa lợi ích, cùng kiến tạo chiến lược dài hạn để xây dựng thương hiệu.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/tiep-suc-cho-hop-tac-xa-nong-nghiep-i690133/