Tiếp sức cho kinh tế hợp tác xã từ chính sách tài chính

Sau gần 05 năm triển khai Luật Hợp tác xã (năm 2012), khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã bước đầu đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Để khu vực hợp tác xã tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế, cần có sự ưu đãi về thuế và cơ chế tài chính cho thành phần kinh tế này.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi về thuế cho các hợp tác xã. Nguồn: Internet

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi về thuế cho các hợp tác xã. Nguồn: Internet

Trong những năm qua, hợp tác xã được coi là thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho hàng chục triệu hộ gia đình, để tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, gắn kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ, chế biến.

Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ khu vực hợp tác xã phát triển, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết 05 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012 (2012-2017), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giaoBộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi về thuế cho các hợp tác xã; Đề xuất phương án xử lý nợ (nợ thuế, nợ ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, nợ doanh nghiệp nhà nước...) của hợp tác xã ngừng hoạt động, tạo cơ sở cho việc giải thể, chuyển đổi.

Đồng thời, Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tài sản không chia của hợp tác xã khi giải thể, chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác; Quy định về đánh giá và thanh lý tài sản không chia của hợp tác xã trong trường hợp tài sản hư hỏng, không còn khả năng sử dụng. Chủ trì, phối hợp với Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam hướng dẫn việc kiểm toán hợp tác xã theo quy định tại khoản 3 Điều 61 Luật Hợp tác xã năm 2012; Trình Chính phủ ban hành Quyết định về Quy chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã địa phương; Nghị định bảo hiểm nông nghiệp...

Thêm vào đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án liên thông giữa thủ tục đăng ký hợp tác xã và đăng ký thuế; Tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020, bố trí thành dòng riêng để hỗ trợ phát triển các hợp tác xã.

Với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Nghiên cứu đề xuất đổi mới mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường, liên kết và thống nhất về cơ chế hoạt động của hệ thống Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động để cung ứng các dịch vụ về công nghệ, quản trị và xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã trên cơ sở cơ cấu lại các đơn vị hiện có; Xây dựng thí điểm một số mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị ở các địa phương để tạo sức lan tỏa và làm cơ sở cho việc tuyên truyền phát triển hợp tác xã. Tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã hàng năm…

Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành chính sách, đề xuất cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng; Sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đề xuất cơ chế định giá tài sản khi vay vốn và cho phép hợp tác xã được dùng tài sản hình thành trên đất sau khi định giá để thế chấp vay vốn tín dụng; Hướng dẫn xử lý các khoản nợ các tổ chức tín dụng của hợp tác xã khi giải thể, phá sản…

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/tin-tuc/tiep-suc-cho-kinh-te-hop-tac-xa-tu-chinh-sach-tai-chinh-133623.html