Tiếp sức cho y tế cơ sở

Y tế cơ sở (YTCS) bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, quận, huyện, thị xã, là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp, gần dân nhất. Thời gian gần đây, hệ thống YTCS từng bước được củng cố và phát triển, thể hiện rõ vai trò, hiệu quả của mình.

Nâng cao chất lượng trạm y tế xã

Trạm Y tế xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) được xây mới cùng trang thiết bị khá đồng bộ, đạt chuẩn quốc gia về YTCS. Chỉ với 4 cán bộ (một bác sĩ, hai y sĩ, một điều dưỡng), nhưng toàn bộ 22 chương trình, nội dung hoạt động của trạm y tế xã được thực hiện tốt. 100% trẻ em trong độ tuổi, phụ nữ mang thai trên địa bàn xã được tiêm vắc-xin đầy đủ. Cụ Triệu Văn Ngô, người dân xã Bằng Lãng, nói với chúng tôi: "Trước đây, mỗi lần bị ốm, tôi phải lên tận Bệnh viện huyện Chợ Đồn để khám nên vừa vất vả, vừa tốn kém. Bây giờ, trạm y tế xã có bác sĩ, cơ sở vật chất tốt nên mỗi khi ốm đau, tôi chỉ cần đến đây để khám, thuận lợi rất nhiều...”.

Khám. chữa bệnh cho người dân ở xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Văn Thuấn, Phó trưởng Trạm y tế xã Bằng Lãng, cho biết: "Trước đây, do không có bác sĩ, thiếu trang thiết bị nên nhiều người chỉ mắc các bệnh thông thường cũng phải chuyển lên tuyến trên. Bây giờ, tại trạm y tế, chúng tôi đã đủ khả năng điều trị được nhiều mặt bệnh nên người dân rất tin tưởng".

Hà Nội cũng là địa phương thực hiện chương trình xây dựng 26 trạm y tế điểm của Bộ Y tế. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền: Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tại tuyến cơ sở: Bố trí nhân lực ít nhất một bác sĩ/trạm y tế; thường xuyên mở lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế; đầu tư kinh phí cải tạo hoặc xây mới; trang bị đầy đủ cơ sở vật chất... Đến nay, hầu hết các trạm y tế xã, phường trên địa bàn Hà Nội đều được trang bị máy siêu âm, các xét nghiệm sinh hóa cơ bản... Theo đó, hiện nhiều trạm y tế xã, phường trên địa bàn Hà Nội đã triển khai quản lý các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường), nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, để các trạm y tế xã có thể nâng cao chất lượng KCB, Cục Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Y tế đã đề xuất triển khai y tế từ xa qua hệ thống Telemedicine. Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT: Việc triển khai thí điểm CNTT tại 26 trạm y tế xã nhằm mục đích quản lý hoạt động chuyên môn cũng như từng bước thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử (y bạ điện tử, bệnh án điện tử) và phần mềm quản lý trạm y tế xã theo tiêu chuẩn chung để bảo đảm kết nối liên thông các phần mềm này với nhau. Nhờ ứng dụng CNTT, Bộ Y tế đã chỉ đạo một số bệnh viện tuyến Trung ương triển khai Telemedicine, hỗ trợ các bệnh viện vệ tinh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện bước đầu có kết quả rất tốt. Các bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối, như: Bạch Mai, Hữu Nghị, Việt Đức, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Chợ Rẫy… thường xuyên hội chẩn trong KCB với các bệnh viện tuyến tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả cấp cứu, phẫu thuật. Hệ thống Telemedicine đi vào hoạt động góp phần xử lý kịp thời ca bệnh khó, các tình huống bệnh nguy kịch, hiểm nghèo, cần xử lý gấp ở bệnh viện tuyến dưới mà không kịp chuyển lên bệnh viện tuyến trên, nhất là tại các bệnh viện vùng biên giới, hải đảo.

Mở rộng chi trả bảo hiểm y tế tại tuyến xã

Để nâng cao chất lượng KCB tại tuyến xã, thời gian tới, ngành y tế tập trung đổi mới cơ chế chi trả KCB bằng bảo hiểm y tế (BHYT). Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Rào cản ảnh hưởng đến quyền lợi của người có thẻ BHYT và cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân vượt tuyến là danh mục thuốc BHYT ở trạm y tế rất ít, thiếu nhiều loại thuốc. Hơn nữa, một số trạm y tế không có bác sĩ nên hạn chế việc chỉ định sử dụng các loại thuốc. Do không có bệnh nhân nên không dự trù được thuốc (do chưa quản lý được một số bệnh không lây nhiễm). Một số thuốc trị huyết áp, tiểu đường được chỉ định ở tuyến huyện trở lên, còn tuyến xã chưa được chỉ định... Do vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các trạm y tế xã được chọn thí điểm; bảo đảm đủ thuốc theo phân tuyến, thuốc đã quy định trong gói dịch vụ y tế cơ bản.

Theo ông Lê Thành Công, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế): Trước đây, trong danh mục thuốc cấp phát ở xã không có thuốc cho các bệnh như: Tiểu đường, huyết áp... thì nay sẽ chuyển thuốc này xuống y tế tuyến xã (dùng thuốc theo chỉ định của trung tâm y tế huyện nhưng sẽ cấp phát tại tuyến xã). Các dịch vụ khác mở rộng thực hiện ở tuyến xã cũng được bảo đảm chi trả 100%. Việc tăng chất lượng dịch vụ và mở rộng quyền lợi cho người bệnh khi KCB ở YTCS nhằm làm giảm tải cho tuyến trên, bớt lãng phí xã hội. Đồng thời, người dân cũng được tiếp cận với các dịch vụ y tế ban đầu giúp phát hiện bệnh sớm, giảm chi phí điều trị.

Bài và ảnh: THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/tiep-suc-cho-y-te-co-so-550035