'Tiếp sức' để HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng bứt phá

Việc luôn đồng hành và có những cách làm hay từ Liên minh HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng đã giúp các HTX, tổ hợp tác, Liên hiệp HTX hái được những trái ngọt. Vì vậy, tạo thêm cơ hội từ chính sách và giúp HTX phát triển đa dạng ở các ngành nghề sẽ giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX khu vực này bứt phá mạnh mẽ.

Chiều 18/11, tại Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua năm 2023 và ký kết giao ước thi đua năm 2024 Liên minh HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng được tổ chức tại Hà Nam, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng, Liên minh HTX trong Cụm Đồng bằng sông Hồng đã làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ các HTX phát triển. Chính vì vậy, nhiều HTX đã xây dựng được các chuỗi giá trị, đưa nông sản được vào siêu thị.

“Nếu các HTX trong khu vực cùng đẩy mạnh liên kết hơn nữa để tạo ra những chuỗi giá trị hàng hóa lớn hơn, bền vững hơn sẽ nâng cao được sức cạnh tranh cho hàng hóa và chính HTX trên thị trường”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nói.

Đồng hành cùng HTX

Thống kê của Liên minh HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng cho thấy, tính đến hết tháng 10 năm 2023, toàn Cụm có 2.288 tổ hợp tác đang hoạt động, trong đó số tổ hợp tác được thành lập mới trong năm 2023 là 56 tổ hợp tác. Ngoài ra còn có 4647 HTX với 1,6 triệu thành viên. Trong Cụm Đồng bằng sông Hồng đã có nhiều HTX sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa hiệu quả. Tiêu biểu như HTX nông nghiệp nghĩa Bình (Nam Định) với chuỗi sản xuất chế biến gạo huyết rồng, gạo nếp bắc; HTX Hoàng Trà (Hà Nam) với các sản phẩm chè sen, chè sung trồng tự nhiên trên vùng nguyên liệu 2.000 m2…

Xác định mở rộng đầu ra cho các HTX là một trong những vấn đề quan trọng, các Liên minh HTX trong Cụm Đồng bằng sông Hồng đã chủ động phối hợp để hỗ trợ HTX liên kết tiêu thụ hàng hóa, đưa nông sản đi giới thiệu, quảng bá tới các vùng miền trong và ngoài nước.

Ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nam, cho biết tính từ đầu năm 2023 đến nay, Liên minh HTX các tỉnh thành trong Cụm đã tổ chức được 35 đợt với 677 lượt HTX tham gia các hội chợ triển lãm, tổ chức 17 hội nghị xúc tiến, kết nối cung cầu, tọa đàm, xúc tiến thương mại... Việc tìm kiếm các kênh bán hàng, phân phối khác nhau đã được Liên minh HTX các tỉnh thành quan tâm, tổ chức ngày càng nhiều với các tỉnh thành, vùng miền từ Bắc vào Nam.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá cao vai trò của Liên minh HTX các tỉnh thành trong việc hỗ trợ các HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng phát triển.

Ngoài xúc tiến thương mại, để hỗ trợ các HTX trong Cụm Đồng bằng sông Hồng phát triển, Liên minh HTX các tỉnh thành đã đẩy mạnh tham mưu với cơ quan quản lý để tạo hành lang pháp lý cho HTX hoạt động thuận lợi.

Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, cho biết Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đặt vấn đề hàng đầu đó là tham mưu chính sách kinh tế tập thể, HTX cho các ban ngành theo đề án nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho HTX phát triển. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo chuỗi giúp nâng cao và thay đổi nhận thức cho người dân về kinh tế tập thể, HTX.

Hiện nay, các HTX định hướng phát triển theo chuỗi thì khâu sản xuất đã cơ bản hoàn thiện, đảm bảo chất lượng nông sản nhưng khâu chế biến, bảo quản của các HTX vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như thiếu máy móc, công nghệ. Chính vì vậy, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình thời gian gần đây luôn chú trọng hỗ trợ các HTX hoàn thiện các khâu sau thu hoạch để nâng cao giá trị kinh tế. Tiêu biểu như chuỗi giá trị dê Ninh Bình đang hoàn thiện và sẽ mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với hình thức chăn nuôi dê thông thường.

Ông Ngô Ngọc Khánh, Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Hải Phòng thông tin, từ đầu năm 2013 đến nay, Liên minh HTX thành phố đã tổ chức được 6 cuộc sinh hoạt với HTX thành viên trên tất cả các quận, huyện để lắng nghe các 'nút thắt' của các HTX. Việc các HTX được giãi bày những khó khăn, vướng mắc đã giúp Liên minh HTX thành phố tập trung được 100 ý kiến, kiến nghị gửi lên các sở ngành để tìm hướng tháo gỡ cho các HTX.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá cao mô hình câu lạc bộ HTX mà Liên minh HTX Hải Phòng đang thực hiện.

Bên cạnh đó năm 2023 là năm đầu tiên Thường trực thành ủy thành phố Hải Phòng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, HTX. Trong đó, Liên minh HTX thành phố đã đưa 4 ý kiến kiến nghị cho khu vực kinh tế tập thể, HTX của thành phố và được hướng dẫn giải quyết. “Điều này cho thấy việc đồng hành với các HTX, thành viên là rất quan trọng”, ông Ngô Ngọc Khánh nêu ý kiến.

Một trong những điểm nhấn trong phát triển kinh tế tập thể, HTX ở Hải Phòng là thành phố đã thành lập 2 câu lạc bộ HTX. Các thành viên khi tham gia câu lạc bộ được chia sẻ, kết nối và được nói lên tiếng nói của mình. Từ hiệu quả của mô hình này, năm 2024, Liên minh HTX Hải Phòng sẽ hướng đến mục tiêu, đó là trên tất cả nhóm ngành có liên quan đến nhau sẽ hình thành các câu lạc bộ, hướng đến thành lập các liên hiệp HTX nhằm tạo thuận lợi cho HTX, doanh nghiệp thành viên liên kết sản xuất kinh doanh.

Tạo sức mạnh đa chiều cho HTX

Có thể thấy, các HTX trong Cụm Đồng bằng sông Hồng đang có lợi thế trong xúc tiến thương mại, giao thương, liên kết để mở rộng đầu ra. Đi liền với đó, các HTX ở khu vực này có nhiều tiềm năng phát triển về nông nghiệp hàng hóa, tạo lợi thế cho sản xuất theo hướng hàng hóa, đa dạng sản phẩm và hình thành các chuỗi giá trị.

Vậy nhưng, trong quá trình phát triển, không ít HTX trong Cụm Đồng bằng sông Hồng vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng do vướng mắc nhiều khó khăn. Cụ thể là các chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX từ Trung ương đến địa phương đã có nhưng khi đưa chính sách vào thực tiễn vẫn còn khoảng cách khá lớn.

Bà Lê Thị Tâm dẫn chứng, Quyết định 167/QĐ-TTg về hỗ trợ phát triển HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả nhưng hiện nguồn lực hỗ trợ chưa đến được địa phương. Nguồn lực hỗ trợ HTX theo Quyết định 1804/QĐ-TTg về đào tạo cán bộ HTX rất khó đi vào thực tiễn nên Liên minh HTX các tỉnh thành phải lồng ghép trong nhiều chương trình, dự án mới có nguồn vốn để xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ HTX.

Phát triển HTX ở các lĩnh vực như giáo dục, logistics, công nghệ... được Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân gợi mở cho Liên minh HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, việc HTX tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX vẫn còn khó khăn vì quy định trong vay vốn là HTX phải có hồ sơ chứng từ (dấu đỏ) khiến HTX mất thêm chi phí hoàn thiện hồ sơ, tạo gánh nặng cho các HTX.

Cũng chia sẻ về khó khăn của các HTX, ông Ngô Ngọc Khánh cho biết thêm, hiện Luật HTX 2023 đã khẳng định “Liên minh HTX Việt Nam là một tổ chức hội đặc thù” nhưng các chính sách cho kinh tế tập thể, HTX lại chưa mang tính đặc thù nên các HTX rất khó tiếp cận chính sách. Chính vì vậy, cần có chương trình, chính sách đặc thù về hỗ trợ cho HTX cũng như bộ máy tổ chức thì mới tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển.

Để tạo thuận lợi cho HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng cũng như kinh tế tập thể, HTX cả nước phát triển, đại diện các HTX đều cho rằng, cần phải có chương trình riêng về phát triển kinh tế tập thể, giống như chương trình riêng về giảm nghèo, nông thôn mới… mới có thể giúp việc triển khai chính sách phát triển về kinh tế tập thể từ Trung ương đến từng địa phương được thuận lợi. Tránh gây khó khăn cho các địa phương trong huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ HTX phát triển.

Gợi mở những cơ hội cho khu vực kinh tế tập thể, HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng phát triển, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, Cao Xuân Thu Vân, cho biết cần có nhiều cuộc hội thảo, tập huấn để tháo gỡ khó khăn, định hướng, tìm cơ hội về cơ chế chính sách, môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh cho các HTX. Đi liền với đó, các tỉnh thành cần có những “ngày hội kinh tế hợp tác, HTX” để vừa tìm đầu ra cho sản phẩm, vừa tìm cơ hội cho HTX.

“Ngay như Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua năm 2023 và ký kết giao ước thi đua năm 2024 Liên minh HTX Cụm Đồng bằng sông Hồng hôm nay có thể mở rộng thành ngày hội kinh tế hợp tác, để mở rộng cơ hội cho HTX”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, vai trò to lớn của mô hình HTX đó chính là nơi tạo việc làm, thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo, người dân khu vực nông thôn. Vì vậy, việc mở rộng mô hình HTX ở các lĩnh vực là điều hết sức cần thiết. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nói rằng, các tỉnh thành cần phải tính toán hình thành và phát triển các HTX giáo dục để con em thành viên HTX cũng có cơ hội tham gia mô hình này. Tiêu biểu như Hàn Quốc đã có mô hình này, hoạt động rất hiệu quả. Các HTX giáo dục ngày càng nâng cao chất lượng, thể hiện được vai trò của mình trong nền kinh tế và cạnh tranh trực tiếp với trường công.

Ngoài ra, cần thành lập các HTX chăm sóc sức khỏe, HTX giao thông, HTX chuyển đổi số, HTX logistics để thích ứng và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường cũng như lấp những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng hàng hóa mà các HTX đang tham gia trực tiếp.

"Việc thành lập các câu lạc bộ HTX như Hải Phòng, hướng đến thành lập liên hiệp HTX là rất cần thiết nhằm tạo cơ hội cho HTX trao đổi kinh nghiệm cũng như tháo gỡ khó khăn. Đi liền đó cần nghiên cứu thành lập Liên đoàn HTX để giúp khu vực HTX Việt Nam hội nhập sân chơi HTX quốc tế", Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Huyền Trang-Văn Mạnh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/apos-tiep-suc-apos-de-htx-cum-dong-bang-song-hong-but-pha-1096706.html