Tiếp sức kịp thời cho doanh nghiệp

Nguồn vốn khuyến công kịp thời hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất trước tác động và diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh.

Công nhân Công ty TNHH Peco Food đang vận hành thiết bị vừa được đầu tư từ nguồn vốn khuyến công. Ảnh: QUỲNH TRANG

Hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất

Đến xưởng sản xuất dây thép của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phúc Châu Anh (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang), ai cũng bất ngờ khi công suất sản xuất 3-4 tấn dây thép/ngày của nhà xưởng mà chỉ có 5 công nhân làm việc. Bà Bạch Thị Mỹ Châu, Giám đốc công ty chia sẻ, hai vợ chồng bà khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, tiền thân là cơ sở sản xuất đinh Châu Anh, thành lập năm 2004.

May mắn là trong năm nay, công ty thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công địa phương để đầu tư máy kéo liên hoàn 5 đầu và lò ủ mềm với tổng trị giá 620 triệu đồng. Sau một thời gian chạy thử, hệ thống máy móc mới đầu tư đã cho kết quả rõ rệt. Năng suất lẫn hiệu suất sản xuất tăng gấp 3 lần, tiết kiệm điện, giảm số lượng lao động từ 12 người xuống chỉ còn 5 công nhân tay nghề cao để điều hành máy móc.

Dự kiến, doanh thu của công ty sẽ tăng thêm 1 tỷ đồng/năm; đồng thời tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường đang tăng. “Hiện, công ty nhận một số đơn hàng lớn cho năm 2023 và nhập dự trữ 10- 15 tấn nguyên liệu để gia công, máy móc cũng đã sẵn sàng. Chúng tôi rất hy vọng vào mùa thi công xây dựng (tháng 2 đến tháng 8 hằng năm), 2 dàn máy được hỗ trợ sẽ phát huy hết công suất”, bà Châu hào hứng nói.

Ông Nguyễn Khoa Trương, Giám đốc Công ty TNHH Peco Food (thôn Nhơn Thọ, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) bày tỏ niềm vui khi nhận được nguồn vốn thụ hưởng đến 300 triệu đồng để đầu tư máy xông khói thực phẩm Fessmann. Thiết bị giúp sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền chế biến hiện đại, khép kín, giám sát chất lượng tối ưu và đạt năng suất cao nhất, hạn chế các sản phẩm lỗi, bảo đảm tối đa vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, tiết kiệm được những khâu làm thủ công, gây lãng phí về thời gian và chi phí nhân công; sản xuất được số lượng lớn, giúp công ty chủ động trong khâu sản xuất, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, Công ty TNHH Mattress H&T (thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) chuyên sản xuất các loại nệm cao su non, hiện giải quyết việc làm cho 30 lao động nông thôn. Doanh nghiệp vừa được thụ hưởng nguồn vốn khuyến công 300 triệu đồng để đầu tư máy đổ mút ép và máy cắt nằm mâm xoay.

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc công ty cho biết, lợi ích khi đầu tư thiết bị này là giảm thiểu các rác thải từ mút, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo ra các sản phẩm nệm có giá thành cạnh tranh; chủ động được thời gian giao hàng cho đối tác; hạn chế được nguyên liệu tồn kho; tiết kiệm được chi phí vận chuyển, bốc xếp, kho bãi; cho ra thành phẩm có chất lượng và tính thẩm mỹ cao.

“Khi chưa đầu tư máy móc thiết bị, việc vận chuyển 150 phôi nệm từ Thành phố Hồ Chí Minh về xưởng tốn kinh phí 40 triệu đồng, khi đầu tư hoàn thiện dây chuyền sản xuất tại xưởng sẽ giảm còn 15 triệu đồng; tăng doanh thu gấp 3 lần cho doanh nghiệp so với trước khi đầu tư thiết bị. Sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, công ty đang hướng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia lân cận và thế giới trong năm 2023”, ông Toàn thông tin.

Hiệu suất của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phúc Châu Anh tăng gấp 3 lần từ khi đầu tư máy móc, thiết bị. Ảnh: QUỲNH TRANG

Góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố, nguồn vốn khuyến công năm 2022 có 8 đơn vị được nhận thụ hưởng. Trong đó, 1 đơn vị thụ hưởng hỗ trợ của khuyến công quốc gia là Công ty TNHH Peco Food và 7 đơn vị được thụ hưởng hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, gồm: Công ty TNHH Phúc Châu Anh, Công ty TNHH Mattress H&T, Hợp tác xã Nấm Nhơn Phước, Công ty TNHH Mỹ Phương Food, Hợp tác xã Nhiên Tâm, hộ kinh doanh Hương Quê và Công ty CP Tập đoàn Tấn Tiến Phát.

Tổng kinh phí đầu tư máy móc của 8 đơn vị là hơn 5,22 tỷ đồng. Trong đó, chương trình khuyến công hỗ trợ hơn 1,53 tỷ đồng (nguồn khuyến công quốc gia 300 triệu đồng và khuyến công địa phương hơn 1,23 tỷ đồng), còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy trình phê duyệt các đề án khuyến công địa phương năm nay có phần chặt chẽ hơn, thêm thủ tục thẩm định giá máy móc, thiết bị khiến công tác phê duyệt kéo dài thời gian hơn mọi năm.

Quyết định phê duyệt hỗ trợ cho các đơn vị được ban hành ngày 20-10- 2022 nên thời gian triển khai không nhiều, các đơn vị thụ hưởng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và ký kết hợp đồng với nhà cung cấp thiết bị cũng như thủ tục thanh quyết toán.

Theo ông Lê Thanh Hạ, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thành phố, nội dung của các đề án năm nay là hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị theo chương trình khuyến công và phát triển sản phẩm lưu niệm nhằm khuyến khích cho các cơ sở, doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và lưu niệm du lịch. Đồng thời, làm cơ sở để giải quyết việc làm ổn định cho lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế, du lịch và nâng cao thương hiệu thành phố Đà Nẵng khắp trong và ngoài nước.

Ông Ngô Ngọc Trúc, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Vang cho rằng, chương trình khuyến công đã hỗ trợ doanh nghiệp của huyện nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, tăng chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô, sản xuất sạch hơn… Những hỗ trợ của chương trình khuyến công không chỉ giúp doanh nghiệp huyện Hòa Vang phát triển mà còn là trợ lực quan trọng để các cơ sở sản xuất sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện hoàn thiện chất lượng sản phẩm hơn khi có thiết bị máy móc hiện đại.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Thúy Mai đánh giá, hỗ trợ khuyến công là chương trình thường niên của thành phố để tạo cú hích cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn nâng cao năng lực sản xuất. Các đề án khuyến công được các đơn vị thụ hưởng triển khai tốt, bước đầu đã phát huy được lợi ích, hiệu quả. “Nguồn vốn khuyến công của Đà Nẵng không thiếu. Điều quan trọng là các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị các dự án khả thi, hiệu quả để đăng ký tham gia. Sở sẵn sàng hướng dẫn cụ thể, mong muốn có nhiều đề án khả thi được thụ hưởng chính sách khuyến công của thành phố”, bà Mai nói.

QUỲNH TRANG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5404/202212/tiep-suc-kip-thoi-cho-doanh-nghiep-3933382/