Tiếp theo là gì sau cuộc cãi vã

Tình yêu sẽ dần phai nhạt, thậm chí tiêu tan hoàn toàn nếu đôi bên không biết cách ứng xử khéo léo sau mỗi lần bất đồng.

Cư xử khéo léo sau mỗi cuộc cãi vã sẽ giúp tình yêu của cả hai bền lâu hơn. Ảnh minh họa: Ivan Samkov/Pexels.

Tranh cãi là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi yêu đương. Nếu biết giải quyết đúng đắn, cả hai sẽ thấu hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc đôi co, không phải ai cũng dễ dàng giữ được sự sáng suốt của mình. Hậu quả, họ làm ra những hành động thiếu tinh tế và càng gây thêm tổn thương cho nửa kia.

Dưới đây, Reader’s Digest làm việc với nhiều chuyên gia giúp chỉ ra những việc làm tiêu cực cần hạn chế sau khi tranh cãi để tình yêu bền chặt và lành mạnh.

Bạn nên tránh ngó lơ tranh cãi. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Tỏ vẻ như chưa có gì xảy ra

Lờ đi nguyên nhân và giả vờ như không có cuộc cãi vã nào xảy ra không phải là một hành động khôn ngoan.

Nỗ lực tìm hiểu và hòa giải sau cãi vã mới có thể đem về kết quả hài lòng cho đôi bên. Thêm vào đó, rút kinh nghiệm sau mỗi cuộc tranh cãi là một trong những chìa khóa cho tình yêu bền chặt, Lesli M. W. Doares, nhà tư vấn kiêm huấn luyện viên về hôn nhân ở North Carolina (Mỹ), cho biết.

Ngoài ra, nếu không cho đối phương biết điều làm bạn bất mãn, cơn nóng giận của bạn có thể trở nên tồi tệ hơn nữa. Nhân tố gây nên tranh cãi cần phải được giải quyết nhanh chóng, Laurel House, huấn luyện viên về hẹn hò và truyền cảm hứng tại E!’s Famously Single, chương trình truyền hình về tình yêu, nói thêm.

Theo Andrea Syrtash, chuyên gia về các mối quan hệ, điều bạn bỏ qua trong tranh cãi có thể phát triển thành những vấn đề đáng lo ngại hơn nhiều.

Kể lể về tranh cãi với người yêu lên mạng xã hội có thể phản tác dụng: Ảnh minh họa: SHVETS production/Pexels.

Chia sẻ công khai

Tìm kiếm sự đồng cảm và an ủi từ gia đình, bạn bè hay những người sẵn sàng lắng nghe tâm sự của bạn là điều bình thường. Tuy nhiên, tranh cãi cá nhân không dành cho công chúng.

Hành động này có thể gây tổn hại đến lòng tin người yêu dành cho bạn. Một khi đưa lên mạng xã hội, bạn khó có thể vãn hồi sự việc. Mọi người còn có khả năng săm soi mối quan hệ của bạn, thường không theo hướng quá tích cực, Marni Feuerman, nhà trị liệu tâm lý, cho hay.

Bên cạnh đó, đối phương còn dễ dàng rơi vào thế bị động khiến họ khó bỏ qua và tha thứ cho bạn về sau. Trong trường hợp này, bạn nên giữ tranh cãi của hai người riêng tư. House khuyến khích trò chuyện với một người bạn thật sự tin cậy để lời khuyên đưa ra khách quan và trung thực nhất.

Bạn khó hàn gắn lại vết thương nếu để thời gian xử lý trôi qua quá lâu. Ảnh minh họa: Monstera/Pexels.

Để thời gian giải quyết trôi qua quá lâu

Theo Antonia Hall, nhà tâm lý học kiêm chuyên gia về các mối quan hệ, cảm giác giận dữ và tổn thương sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu chúng không được giải quyết kịp thời.

Thêm vào đó, bất đồng tiếp diễn còn bạn sẽ phải chịu đựng căng thẳng kèm theo nếu như để thời gian trôi qua mà không có phương hướng xử lý thích hợp, Stacey Laura Lloyd, nhà văn về sức khỏe và các mối quan hệ, cho biết.

Điều này còn gây khó khăn cho cả hai trong việc xác định căn nguyên của xung đột và thống nhất cách xử lý.

Một khi bình tĩnh, bạn hãy nhanh chóng xem xét lại vấn đề và tìm phương án xử lý kịp thời.

Cố chấp với tranh cãi sẽ khó đem lại kết quả đẹp trong tình yêu. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Bướng bỉnh và từ chối lời xin lỗi

Bạn nên tránh ôm oán giận vào người và khăng khăng từ chối lời xin lỗi của đối phương.

Khi họ chân thành và tinh tế, bạn hãy cố gắng mở lòng đón nhận. Nếu không, bạn sẽ tiếp tục chìm đắm trong cảm xúc tiêu cực kéo dài. Bạn nên hiểu rằng không ai hoàn hảo tuyệt đối và tha thứ là một thói quen cần thiết để xây dựng mối quan hệ bền chặt.

Quá bướng bỉnh sẽ chỉ làm nỗi bất đồng trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài làm đối phương thêm đau lòng, không chấp nhận lời xin lỗi còn là dấu hiệu của một vấn đề sâu xa hơn. Tình yêu không phải luôn có người thắng và kẻ thua. Thực tế, cả hai nên ở vị trí đồng điệu với nhau.

Nếu không thể bỏ qua cho người yêu, bạn hãy thử tham vấn tâm lý hoặc làm điều gì đó giúp khôi phục lòng tin của bạn với họ.

"Nhai" lại chuyện cũ sẽ không giải quyết được bất mãn trong tình yêu. Ảnh minh họa: Timur Weber/Pexels.

Gợi lại tranh cãi

Nếu đôi bên thường xuyên lặp lại các cuộc cãi vã giống nhau, bất đồng sẽ không có hồi kết. Mối quan hệ khó còn chỗ cho niềm vui và yêu thương.

Ngoài ra, liên tục gợi chuyện tiêu cực không phải là hành vi tích cực cho mối quan hệ lành mạnh, Doares nói.

Nếu đối phương từng làm bạn khó chịu, đừng tiếp tục chỉ trích họ ngay cả khi cả hai đã làm hòa.

Điều này khiến bạn rơi vào vòng luẩn quẩn và chẳng giải quyết được gì. Thực chất, khi khơi gợi lại bất đồng cũ, bạn rất có thể rơi vào một cuộc tranh cãi mới, Lloyd cho hay.

Thẳng thắn đối mặt với lời nói của bản thân là thiết yếu. Ảnh minh họa: PNW production/Pexels.

Đổ lỗi và thanh minh

Nếu bất mãn điều gì, bạn cần làm rõ với người yêu của mình thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, Mike Goldstein, người sáng lập và huấn luyện viên hẹn hò hàng đầu của trang web hướng dẫn hẹn hò EZ Dating Coach, cho hay.

Những lời bào chữa kiểu này khiến bạn có vẻ như đang muốn trốn tránh trách nhiệm, Jim Walkup, nhà tư vấn hôn nhân chuyên nghiệp, nói thêm.

Thêm vào đó, thảo luận trực tiếp với đối phương sẽ giúp bạn tìm cách giải quyết nhanh hơn thay vì tìm cớ bao biện cho sự việc.

Dù cố ý hay không, lời đã nói ra không thể rút lại. Theo đó, liên tục thanh minh không thực sự đem lại hiệu quả. Thay vào đó, bạn nên cố gắng nhận thức và thẳng thắn thừa nhận rằng bản thân đã có những lời lẽ không phải, Walkup khuyên.

Bạn có thể bắt đầu chữa lành bằng những sự thân mật nhẹ nhàng hơn. Ảnh minh họa: Anastasia Shuraeva/Pexels.

Làm tình để hòa giải

“Tình dục gắn liền với tình yêu, sự gần gũi và kết nối. Theo đó, để cuộc yêu suôn sẻ, thời điểm và cảm xúc phải thực sự thích hợp”, Charles Schmitz và Elizabeth Schmitz, hai chuyên gia về tình yêu và hôn nhân, cho hay.

Làm tình có thể là phương thức chữa lành hiệu quả chỉ khi đôi bên đều sẵn sàng. Nếu bạn gượng ép thân mật với đối phương, vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn. Bạn còn dễ dàng cảm thấy bản thân như bị lợi dụng, House nói thêm.

Theo Hall, có lẽ tất cả những gì bạn cần ban đầu là một cái ôm đơn giản. Quan hệ tình dục khi bạn không thực sự mong muốn là một ý tưởng tồi. Lúc này, bạn sẽ có thể dần đánh đồng hình thức thân mật lành mạnh với với sự đe dọa và thao túng, Doares nói.

Tìm kiếm giải pháp hòa giải là điều nên làm thay cho đào bới nguyên nhân. Ảnh minh họa: Timur Weber/Pexels.

Xoáy quá sâu vào nguyên nhân tranh cãi

Thay vì liên tục gợi lại nguyên nhân cãi vã, bạn hãy chú ý hơn đến giải pháp cho vấn đề. Walkup cho hay nhận diện lí do bất mãn chỉ có ích khi được thực hiện với tinh thần thấu hiểu và sẵn sàng rút kinh nghiệm.

Chẳng hạn, nếu nhận thấy người yêu liên tục quên làm việc gì đó, bạn có thể nhắn nhủ họ rằng: “Em nhận thấy anh thường xuyên quên sắp xếp quần áo. Em có thể làm gì để anh có thể nhớ việc hơn đây?”.

Tóm lại, bạn nên cố gắng hỗ trợ người yêu thay vì phán xét họ, Lisa Hochberger, chuyên gia về tình dục và mối quan hệ, cho biết.

Bạn không nên giữ im lặng hoàn toàn sau tranh cãi. Ảnh minh họa: Anete Lusina/Pexels.

Im lặng

Liên tục phớt lờ người yêu sẽ chỉ gây thêm tức giận và tổn thương. Bạn không nên lạnh nhạt với đối phương mà không giải thích thêm điều gì. Điều này sẽ chỉ khiến họ cảm thấy như đang bị xa lánh.

Dolares cho hay im lặng khi tranh cãi có thể xem là một hình thức lạm dụng tình cảm. Hành vi này còn có phần thiếu tôn trọng và mang tính thao túng tâm lý đối phương.

Thay vào đó, bạn hãy giải thích rằng mình cần thêm thời gian để “hạ nhiệt” trước khi quay lại trò chuyện. Feuerman đề xuất phản hồi như sau: “Anh cần thêm thời gian để bình tĩnh lại. Khi đó, anh sẽ thảo luận vấn đề này nghiêm túc hơn với em”.

Ngoài ra, nếu không nói rõ với đối phương, họ sẽ quen thuộc với việc kìm nén cảm xúc chân thật của mình.

Tự dằn vặt bản thân không giúp giải quyết vấn đề. Ảnh minh họa: Sofia Alejandra/Pexels.

Tự đổ lỗi

Bạn không nên quá tự trách bản thân vì một cuộc tranh cãi. Điều này còn có nghĩa là bạn đang tự hạ thấp sự tự tin cũng như lòng tự trọng của mình, Lloyd cho hay.

Dù đôi bên khó có thể đồng điệu với nhau mọi lúc, điều quan trọng là sau mỗi lần cãi vã, cả hai đều thấu hiểu nhau hơn.

Thêm vào đó, liên tục mắc kẹt trong sự buộc tội bản thân thường không lành mạnh và hiếm khi đem lại kết quả tốt đẹp, Doares bổ sung.

Bạn nên mềm mỏng và tinh tế hơn trong giao tiếp khi yêu. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels.

Nặng lời

Goldstein khuyên sau mỗi cuộc cãi vã, bạn nên tránh buông lời lẽ chỉ trích và gây tổn thương đến đối phương.

Thay vào đó, bạn có thể sử dụng những câu đơn giản và dễ hiểu để nửa kia thấu hiểu bạn hơn.

Ví dụ: Bạn có thể nói: “Em cảm thấy rất tủi thân vào những hôm anh đi làm về mà không nói một lời nào với em”.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiep-theo-la-gi-sau-cuoc-cai-va-post1406404.html