Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Tại phiên Quốc hội thảo luận về Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tuần qua, một số đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến về các vấn đề như trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán; vai trò của các bộ, ngành trong quản lý thuế giao dịch liên kết và vấn đề khoanh nợ, xóa nợ thuế. Trước vấn đề này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế đã có trao đổi tại buổi họp báo của Tổng cục Thuế mới diễn ra ngày 16/11.

Ông Lưu Đức Huy.

Thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến xung quanh vai trò của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại dự thảo Luật. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này?

Theo quy định hiện hành, cơ quan KTNN chỉ kiểm toán đối với các đơn vị có sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Hiện nay, được biết KTNN đang đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán bằng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quy định chi tiết Điều 4, Điều 55 của Luật KTNN theo hướng KTNN thực hiện kiểm toán tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Vấn đề này sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến. Do đó, Luật Quản lý thuế không quy định nội dung này.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chỉ quy định việc xử lý kết luận của thanh tra, KTNN khi thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế và có kết luận, kiến nghị về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Ban soạn thảo hoàn toàn đồng tình với ý kiến các đại biểu: Trường hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế phải thực hiện theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan thuế, cơ quan Thanh tra hoặc KTNN chỉ thực hiện đối chiếu nghĩa vụ của người nộp thuế thông qua các hồ sơ mà người nộp thuế nộp cho cơ quan thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp. Việc kiểm toán tại trụ sở cơ quan quản lý thuế chỉ lập biên bản kiểm tra, đối chiếu số liệu với người nộp thuế tại cơ quan quản lý thuế thì tính hiệu lực pháp lý chưa cao.

Việc dự thảo Luật chỉ tập trung phân cấp thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế cũng đang gây nhiều ý kiến băn khoăn. Là thành viên Tổ soạn thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ông có thể lý giải cụ thể hơn vì sao lại có quy định như vậy?

Về thẩm quyền xóa nợ, Luật Quản lý thuế hiện hành chỉ quy định các trường hợp được xóa nợ thuế là người nộp thuế đã chết, mất tích; doanh nghiệp phá sản hoặc đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các khoản nợ này đã quá 10 năm. Đồng thời, quy định thẩm quyền xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã phá sản, hộ gia đình, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép và khoản nợ đã quá 10 năm là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Trường hợp DN nợ thuế quá 10 năm và đã bị thu hồi giấy phép thì thẩm quyền xóa nợ là Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Dự thảo Luật sửa đổi lần này chỉ tập trung phân cấp thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và Cục trưởng Cục thuế địa phương để giảm bớt các trường hợp sự vụ lên Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị giao chính quyền địa phương xóa nợ thuế để đảm bảo khách quan và phân cấp tối đa cho chính quyền địa phương. Ban soạn thảo xin ghi nhận và tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội về việc phân cấp xử lý xóa nợ đối với doanh nghiệp.

Về vấn đề hiệu quả của công tác chống chuyển giá, trốn thuế thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng hiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam vẫn thiếu đồng bộ nhưng dự thảo vẫn chưa có các quy định xử lý được lỗ hổng pháp lý này?

Rất nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung chống chuyển giá, chống thất thu, đặc biệt là vấn đề chuyển giá của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là doanh nghiệp FDI và vấn đề quản lý thuế đối với thương mại điện tử, các giao dịch xuyên biên giới.

Trong năm 2017, Chính phủ đã ban hành các quy định chống chuyển giá tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP, trong đó, cập nhật tương đối đầy đủ thông lệ quốc tế tốt nhất về chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung thêm cho quy định đầy đủ, rõ ràng đảm bảo thực hiện có hiệu quả. Một số nội dung về chính sách thuế sẽ được nghiên cứu, bổ sung tại Luật về chính sách thuế trong thời gian tới.

Một vấn đề cũng được nhiều sự quan tâm chú ý đó là chống thất thu ngân sách lĩnh vực thương mại điện tử. Dự thảo Luật lần này có thêm quy định nào để “siết” thu ngân sách lĩnh vực này, thưa ông?

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công tác chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu và tăng cường quản lý, giao dịch xuyên biên giới, thương mại điện tử rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương. Ví dụ, vấn đề thẩm định vốn, thẩm định dự án đầu tư của các doanh nghiệp FDI cần quản lý chặt chẽ ngay từ khâu cấp phép dự án đầu tư, vấn đề kinh doanh thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại….

Dự thảo Luật đã thiết kế một số điều quy định trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế nhưng vẫn cần tiếp tục rà soát kỹ hơn. Ban soạn thảo ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để sửa đổi, hoàn thiện đảm bảo hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!

Thùy Linh (ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tiep-thu-y-kien-cua-dai-bieu-quoc-hoi-de-hoan-thien-luat-quan-ly-thue-sua-doi.aspx