Tiếp tục đàm phán TPP

Các bộ trưởng các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không có Mỹ, hôm qua tiếp tục họp bàn về thỏa thuận này nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, dù lãnh đạo các nước không gặp như dự kiến.

Một hội nghị với sự tham gia của lãnh đạo 11 nước thành viên TPP đã không diễn ra ngày 10/11 như dự kiến; Thủ tướng Canada vắng mặt do không đồng ý những điều khoản mà các bên khác chấp thuận, theo các nguồn tin Nhật Bản.

“Đối với TPP 11, một thỏa thuận lớn đã được nhất trí tại một cuộc họp cấp bộ trưởng hôm qua. Nhưng phía Canada hôm nay nói rằng họ vẫn chưa đến giai đoạn mà lãnh đạo của họ có thể xác nhận sự đồng thuận đạt được giữa các bộ trưởng”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 10/11 nói với báo giới. Ông Abe không nói khi nào sẽ diễn ra hội nghị lãnh đạo các thành viên TPP. Báo chí New Zealand dẫn lời Thủ tướng New Zealand cũng nói tại cuộc họp báo hôm qua rằng, hội nghị lãnh đạo không diễn ra như dự kiến vì lãnh đạo Canada vắng mặt.

Sự lạc quan về khả năng làm sống lại TPP tăng lên khi Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 9/11 nói rằng, 11 quốc gia thành viên TPP đã đạt được đồng thuận về nguyên tắc. Nhưng ngay sau khi bình luận này được đăng tải trên báo chí Nhật Bản, giới chức Canada đã phủ nhận. “Dù có những bài báo như vậy, nhưng chưa có đồng thuận này về nguyên tắc”, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne viết trên Twitter.

Trước đó, ngày 8/11, trong cuộc họp báo tại Hà Nội cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói Canada sẽ chỉ tham gia TPP nếu hiệp định này phù hợp với các lợi ích và tiêu chuẩn của Canada.

TPP không có Mỹ không hẳn hết cơ hội”

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, nói rằng, kết quả khảo sát vừa được PwC công bố cho thấy các tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp khu vực APEC đều rất lạc quan về triển vọng kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Cần lưu ý, kết quả khảo sát này được thực hiện sau khi Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP. Như vậy có thể thấy, với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, TPP không có Mỹ không có nghĩa các DN không xuất khẩu vào Mỹ nữa. “Việc xuất khẩu vẫn tiếp tục, có thể có gặp khó khăn hơn. Cũng cần nhớ là ngoài Mỹ, Việt Nam vẫn có những thị trường xuất khẩu khác. Việc TPP không có Mỹ, các DN Việt Nam sẽ phải tự thay đổi bằng cách liên kết với các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Như vậy hàng hóa vẫn có thể vào Mỹ”, bà Vân nói và cho rằng, DN cần phải năng động thay đổi chiến lược kinh doanh, hoạt động của mình theo diễn biến của thị trường.

Đánh giá về triển vọng của TPP khi không có Mỹ, ông Richard Adkerson, Phó Chủ tịch tập đoàn Freeport McMoran cho rằng, việc hợp tác sẽ có tác dụng rất lớn với mọi nền kinh tế thay vì đối đầu. Kể lại câu chuyện cách đây 11 năm khi được giao nhiệm vụ mang việt quất sang bán tại Trung Quốc, ông Adkerson cho hay, khi đó mọi việc rất khó khăn. “Chúng tôi chở bằng máy bay và khi đó mọi người ở Trung Quốc, không ai biết quả đó là gì. Dự án lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng rồi mọi việc cũng qua và chúng tôi đã có hợp đồng lên tới 200 triệu USD. Giờ mọi thứ đã khác”, ông Adkerson kể và cũng nhắc lại rằng, cơ hội sẽ đến thông qua sự hợp tác giữa các DN.

Theo ông Adkerson, việc hợp tác phát triển cùng có lợi cũng đã được Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) áp dụng thành công khi sang đầu tư tại Peru. “Ở Peru chúng tôi, cách đây 5 năm chưa ai nghĩ và nghe đến Viettel là cái gì. Giờ mọi người dân đều biết”, ông Adkerson nói và cho rằng, hợp tác trong TPP sẽ giúp các nước thành viên cùng có lợi thay vì chia tách và đối đầu.

Phạm Tuyên - Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/tiep-tuc-dam-phan-tpp-1206917.tpo