Tiếp tục đào tạo bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn

Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn của Bộ Y tế đã và đang đào tạo 265 bác sĩ cho 69 huyện nghèo của 21 tỉnh, thành với 11 chuyên khoa. Sau 3 năm thực hiện, đã có 14 bác sĩ cho 12 huyện nghèo miền núi phía Bắc.

Lễ khai giảng ngày 6/11/2018. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Ngày 6/11, Bộ Y tế phối hợp với trường Đại học Y- Dược Hải Phòng tổ chức khai giảng khóa 13 cho 35 bác sĩ trẻ được lựa chọn phù hợp các tiêu chuẩn đầu vào theo quy định của Bộ Y tế. Các bác sĩ này sẽ được đào tạo Chuyên khoa cấp I thuộc 10 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Nội, Ngoại, Nhi, Răng hàm mặt, Sản, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền tại trường Đại học Y – Dược Hải Phòng trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện.

Trước khi trúng tuyển chuyên khoa cấp I, họ đã được tuyển dụng thành viên chức Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguasrayên và 13 huyện khó khăn thuộc 5 tỉnh như: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu và Thanh Hóa. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ công tác tại các huyện nghèo như đăng ký. Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với bác sĩ nam là 3 năm, bác sĩ nữ là 2 năm. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện hoặc TTYT của các huyện nghèo.

Bác sĩ trẻ tình nguyện công tác tại bệnh viện Đa khoa huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Tại lễ khai giảng, ông Phạm Văn Tác, Giám đốc Dự án cho biết, Dự án thí điểm này là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Và thực tế đã cho thấy, có bác sĩ trẻ tình nguyện của Dự án đang công tác tại bệnh viện Đa khoa huyện Mường Nhé, Lại Châu đã được trẻ sinh non, nặng 1,1 kg.

“Ở bệnh viện tuyến Trung ương hiện nay, kỷ lục cũng chỉ cứu được trẻ 0,7kg, tuyến tỉnh cũng mới chỉ cứu được trẻ 1,1 kg, nhưng bác sĩ trẻ của chúng ta đã cứu được trẻ 1,1kg ngay tại bệnh viện tuyến huyện”, ông Phạm Văn Tác chia sẻ.

Giám đốc Dự án cũng chia sẻ, hiện tại, theo thống kê, bệnh nhân chuyển từ bệnh viện tuyến huyện khó khăn lên tuyến tỉnh thì chỉ cứu được 40%, còn lại 60% là tử vong. Vì vậy, Đề án cũng được kỳ vọng sẽ giảm tối đa tỷ lệ bệnh nhân tử vong khi di chuyển trên đường.

Cũng liên quan đến Dự án này, nhiều lãnh đạo bệnh viện huyện nghèo cũng lo lắng, thời gian công tác tại huyện nghèo của các bác sĩ trẻ tình nguyện còn quá ít (nam 3 năm, nữ 2 năm), vì vậy Đề án đã mở rộng thêm đối tượng là bác sĩ ngay tại địa phương hoặc đang công tác ngay tại bệnh viện huyện để đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và cam kết công tác lâu dài tại bệnh viện.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/tiep-tuc-dao-tao-bac-si-tre-tinh-nguyen-ve-vung-kho-khan/351359.vgp